Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXII Thường Niên – Sống Mọi Giây Phút Trọn Vẹn Cho Chúa

(1 Cr 4:6b-15; Lc 6:1-5)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô dùng chính cuộc sống của mình như gương sáng để sửa dạy cho các tín hữu Côrintô (1 Cr 4:14-15). Trong lời sửa dạy của mình, thánh nhân nhấn mạnh đến những điểm sau: (1) không kiêu ngạo và sống hoà hợp với mọi người vì tất cả những gì chúng ta có đều là ân ban [“Thưa anh em, anh em phải theo gương tôi và anh Apôlô, mà học cho biết “đừng có đi ra ngoài những gì đã viết,” kẻo sinh ra kiêu ngạo, theo người này mà chống người khác. Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh? (1 Cr 4:6b-7); (2) trở nên nghèo khó để người khác được giàu có hay đúng hơn sống cuộc sống hy sinh và quảng đại, tìm lợi ích cho người khác hơn là cho chính mình [“Anh em đã no nê rồi, đã giàu có rồi! Không có chúng tôi, anh em đã làm vua rồi! Phải chi anh em làm vua, để chúng tôi cũng được làm vua với anh em! Thật vậy, tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người! Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Kitô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi” (1 Cr 4:8-10)]; (3) sống theo các giá trị Tin Mừng hay nói cách khác sống theo ân sủng hơn là sống theo tính tự nhiên [“Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người” (1 Cr 4:11-13)]. Những chi tiết trên mời gọi chúng ta ý thức về ơn gọi cao quý của mình, đó là sống cuộc sống đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu như Thánh Phaolô [và các thánh]. Mỗi ngày trôi qua là một cơ hội để chúng ta trở nên giống Chúa nhiều hơn và sống gần gũi yêu thương anh chị em mình nhiều hơn. Chúng ta có nắm bắt cơ hội này không?

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta về câu chuyện thứ hai trong sáu câu chuyện liên quan đến hành động mang tính giải phóng của Chúa Giêsu trong ngày sabát. Câu chuyện hôm nay không liên quan trực tiếp đến Chúa Giêsu, nhưng liên quan đến việc các môn đệ vì các ông “bứt lúa, vò ăn” (Lc 6:1) trong ngày sabát. Hành động này gặp phải sự chống đối của những người Pharisêu: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sabát?” (Lc 6:2). Đứng trước sự chống đối của những người Pharisêu, các môn đệ Chúa Giêsu dường như im lặng. Sự im lặng này ám chỉ rằng việc tấn công này không phải nhắm vào các môn đệ mà nhắm vào Chúa Giêsu. Đứng trước sự chống đối này, Chúa Giêsu bình tĩnh dùng hình ảnh loại suy để trả lời họ: “Ông Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Câu chuyện ấy, các ông chưa đọc sao?” (Lc 6:3-4). Tuy nhiên, theo các học giả Kinh Thánh, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh loại suy dường như hơi gượng ép, vì hành động của Đavít không xảy ra vào ngày sabát – ngày bị cấm, mà chỉ liên quan đến thức ăn bị cấm. Điểm chính của lối suy diễn này là cả Đavít và các môn đệ Chúa Giêsu đã làm một cái gì đó bị cấm, nhưng điều đó để thừa nhận điểm đúng của những người Pharisêu. Những chi tiết này cho thấy cách ứng xử của Chúa Giêsu trong những hoàn cảnh khó xử: (1) Ngài bình tĩnh để nhìn rõ vấn đề; (2) Ngài công nhận tính hợp lý [điểm đúng] của người khác; (3) Ngài tìm hình ảnh loại suy, nhưng gần gũi với người chất vấn để giải thích cho họ hiểu. Trở về với cuộc sống của mình, chúng ta phải chân nhận rằng, khi đối diện với hoàn cảnh khó xử, chúng ta thường không đủ bình tĩnh để nhìn rõ vấn đề. Bên cạnh đó, nhiều khi chúng ta để cho thành kiến che đi những điều đúng của người khác, và hệ quả là chúng ta không thể đi vào trong thế giới của người khác hầu tìm ra những hình ảnh quen thuộc với họ để giải thích cho họ hiểu điều đang xảy ra. Thật vậy, chỉ những người bình tĩnh, biết công nhận điều đúng của người khác và đi vào thế giới của người khác mới có được một con tim cảm thông và dịu hiền.

Chúa Giêsu kết thúc cuộc tranh luận với câu khẳng định: “Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6:5). Trong câu này, Thánh Luca trình bày luận chứng tuyệt đối của Chúa Giêsu cho những hành động của cộng đoàn Thánh Luca trong việc không tuân giữ những luật lệ của ngày sabát [giống với người Do Thái]. Ngoài ra, Chúa Giêsu được trình bày như sứ giả chung cuộc của Thiên Chúa [hoặc Con Người], Đấng đã quy phục ngày sabát của Thiên Chúa vào chính Ngài và sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa và ban cho những người theo Ngài quyền năng như thế. Nói cách khác, ý nghĩa của câu khẳng định này là để nói lên việc Chúa Giêsu quy phục ngày sabát vào Ngài chứ không trình bày Ngài như một người phân xử các cuộc tranh luận về ngày sabát. Nếu ngày sabát quy phục Chúa Giêsu, thì Luật Lệ cũng phải quy phục Ngài. Như vậy, việc tuân giữ ngày sabát [hay Chúa Nhật] không phải vì luật lệ, nhưng vì Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta đi lễ không phải vì thói quen hay vì luật, nhưng vì tình yêu chúng ta dành cho Chúa.

Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB