Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Chúng Ta Có Thuộc Về Gia Đình Mới Của Chúa Giêsu Không ?

(Gl 3:22-29; Lc 11:27-28)

Trong bài đọc 1, thánh Phaolô tiếp tục dạy các tín hữu Galát về sự quan trọng của đức tin. Thánh nhân cho biết, Lề Luật chỉ là “ngôi sao” dẫn đường chúng ta đến với Đức Kitô, để nhờ tin vào Ngài mà chúng ta được nên công chính: “Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mạc khải. Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Kitô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin” (Gl 3:23-24). Khi chúng ta gặp được Đức Kitô qua đức tin, chúng ta không cần đến sao chỉ đường vì chúng ta đã đến đích. Nhờ đức tin, chúng ta nhận ra ơn gọi cao quý của mình, đó là trở nên con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô (x. Gl 3:26). Thánh Phaolô nhắc nhở cho chúng ta biết rằng chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa qua phép thanh tẩy, và những ai được thanh tẩy “để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3:27). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về lối sống mới trong Đức Kitô của mình. Ai trong chúng ta cũng đã chịu phép thanh tẩy, nhưng chúng ta có mặc lấy Đức Kitô không hay chúng ta vẫn sống theo con người cũ của mình? Một trong những biểu hiện của việc mặc lấy Đức Kitô là sống đời hợp nhất, không phân rẽ: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3:29). Chính Đức Kitô là mối dây liên kết chúng ta lại với nhau. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta có thể nói rằng nơi đâu có sự chia rẽ, ở đó các thành viên chưa mặc lấy Đức Kitô, chưa sống ơn gọi làm con cái Thiên Chúa của mình, và chưa trở nên một trong Đức Kitô.

Ngày hôm qua chúng ta nghe Chúa Giêsu khẳng định việc ai không đi với Ngài là chống lại Ngài và ai không thu góp với Ngài là kẻ phân tán (x. Lc 11:23). Người môn đệ là người luôn đi với Chúa Giêsu và trở nên sợi dây nối kết mọi người như Ngài. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta những điều cần thiết mà người môn đệ phải có để trở nên người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu. Dù rất ngắn, nhưng bài Tin Mừng chứa đựng nhiều chi tiết quan trọng để chúng ta suy gẫm về ơn gọi làm môn đệ của mình.

Chi tiết đầu tiên trình bày cho chúng ta về Chúa Giêsu như một người Thầy: “Khi ấy, Đức Giêsu đang giảng dạy” (Lc 11:27). Chúng ta biết Chúa Giêsu đang giảng dạy gì: Ngài giảng dạy về Nước Thiên Chúa. Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu là một vị thầy tuyệt vời và có sức cuốn hút người nghe. Mỗi lần Ngài giảng dạy, dân chúng tuôn đến để nghe Ngài vì Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền chứ không như các thầy biệt phái và luật sĩ (x. Mt 7:29). Điều này cũng xảy ra trong lần giảng dạy được trình thuật hôm nay. Trong số thính giả, “có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: ‘Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!’” (Lc 11:27). Theo nghĩa đen của bản văn, chúng ta dễ dàng nhận ra người phụ nữ đang ám chỉ đến Mẹ Maria. Tuy nhiên, bản văn không dừng lại ở đó mà đi xa hơn để nói cho chúng ta biết rằng đây chỉ mới là cấp độ thứ nhất trong tương quan với Chúa Giêsu. Cấp độ này dựa trên tương quan tự nhiên, tương quan máu huyết. Nói cách khác, qua những lời khen của mình, người phụ nữ cho thấy rằng người được chia sẻ vinh quang với Chúa Giêsu là người có mối tương quan máu huyết với Ngài, là người đã cưu mang và cho Ngài bú mớm. Đứng trước lời khen này, Chúa Giêsu chỉ ra một mối tương quan cao hơn, mối tương quan mang tính siêu nhiên: “Nhưng Người đáp lại: ‘Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’” (Lc 11:28).

Qua hai cấp độ này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, ơn gọi của người môn đệ không thuộc bình diện tự nhiên, nhưng thuộc bình diện siêu nhiên. Chúng ta không thể sống ơn gọi này chỉ dựa vào sức tự nhiên của mình, nhưng phải dựa trên ân sủng, dựa trên việc lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Nếu đi sâu hơn một tí, chúng ta sẽ nhận ra điều được ám chỉ trong khẳng định của Chúa Giêsu là người môn đệ không thể chỉ hành động theo bản tính tự nhiên của mình, nhưng phải hành động theo sự hướng dẫn của lời Chúa. Điều này mời gọi chúng ta phải cẩn thận về lời ăn tiếng nói và những thái độ sống của mình. Nhiều khi chúng ta để cho bản tính tự nhiên ngự trị và chi phối chúng ta, để rồi chúng ta nói những lời thiếu tế nhị và có những hành động thiếu bác ái với anh chị em mình. Là người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi luôn soi chiếu cuộc đời mình vào mẫu gương của Ngài. Hãy trở nên một Đức Kitô khác cho mọi người, nhất là trong lời ăn tiếng nói và trong hành động thường ngày.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB