(Ep 1:15-23; Lc 12:8-12)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô bày tỏ lòng tri ân của mình khi nghe về những điều tốt lành mà các tín hữu Êphêsô đã thực hiện, nhất là lòng tin của họ vào Chúa Giêsu và lòng mến họ dành cho mọi người (x. Ep 1:15-16). Bên cạnh đó, thánh nhân còn trình bày cho chúng ta thấy nội dung chính của lời cầu nguyện mà ngài dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho các tín hữu Êphêsô: “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mạc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” (Ep 1:17-19). Những lời này chỉ ra hai điều quan trọng chúng ta khẩn xin Thiên Chúa trong lời cầu nguyện là ơn khôn ngoan để nhận biết Thiên Chúa và con tim rộng mở để nhận ra niềm hy vọng đích thực của mình chỉ ở nơi Thiên Chúa mà thôi. Kế đến, Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Êphêsô biết chính trong mầu nhiệm vượt qua mà Đức Kitô được Thiên Chúa tôn “lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1:21-23). Nếu Thiên Chúa là đầu của Hội Thánh và mỗi người chúng ta là chi thể trong nhiệm thể của Ngài, chúng ta thuộc về Đức Kitô và sống dưới sự hướng dẫn của Ngài. Chỉ khi đi theo sự hướng dẫn của Ngài, chúng ta mới đạt đến cùng đích của ơn gọi của mình và đạt đến sự viên mãn trong tình yêu của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh các môn đệ Chúa Giêsu sẽ gặp những chống đối từ bên trong và bên ngoài (x. Lc 12:1-59). Sự chống đối khi theo Chúa Giêsu luôn là điều mà người môn đệ phải đối diện qua mọi thời. Chúa Giêsu đã nói, “tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ anh [chị] em” (Ga 15:20). Dù biết và hiểu điều này, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn còn tỏ ra “ngạc nhiên” và không chấp nhận thực tại này. Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đón nhận thực tại và hành xử như Chúa Giêsu đã dạy. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay làm ba phần:
Phần 1 (Lc 12:8-9) trình bày cho chúng ta hai thái độ sẽ xảy ra khi bị chống đối, đó là tuyên nhận và không tuyên nhận Con Người trước mặt thiên hạ: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 10:8-9). Những lời này ám chỉ đến thực tại đang xảy ra trong cộng đoàn Thánh Luca, đó là có người trung thành với ơn gọi làm môn đệ của mình, nhưng cũng có người từ chối khi gặp chống đối và bắt bớ. Theo Thánh Luca, những ai trung thành với ơn gọi làm môn đệ của mình cho đến cùng, Con Người [Chúa Giêsu] sẽ là Người nâng đỡ và đón nhận họ trong ngày phán xét. Còn những người không tuyên nhận Ngài sẽ bị từ chối. Mỗi người chúng ta cũng đang sống ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng nhiều lần chúng ta cũng đã từ chối Ngài qua những lời nói, những hành động thiếu bác ái, thiếu cảm thông, thiếu tha thứ của mình. Chúng ta hãy bắt đầu lại, hãy sống trung thành với ơn gọi môn đệ của mình dù người khác không sống trung thành. Đừng để những khó khăn và chống đối lấy đi niềm vui làm môn đệ Chúa Giêsu của chúng ta.
Trong phần 2 (Lc 12:10), Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết về điều họ phạm khi bị chống đối sẽ không được tha, đó là “bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” Theo các học giả Kinh Thánh, câu 10 này phải được đọc và hiểu trong tương quan với câu 11 và 12. Trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Luca và nhất là trong bối cảnh phải đối diện với việc chống đối từ bên trong và bên ngoại của người môn đệ, tội “không được tha” được hiểu là một sự từ chối mang tính ngoan cố trước sứ điệp Tin Mừng [sứ điệp Kitô giáo] mà Giáo Hội, được tràn đầy Chúa Thánh Thần, rao giảng. Nói cách khác, tội không được tha này là tội “đóng kín” cửa lòng trước tác động của Chúa Thánh Thần để đón nhận sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội rao giảng. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại thái độ của chúng ta trước tác động của Chúa Thánh Thần. Mỗi ngày [mỗi Chúa Nhật] chúng ta lắng nghe sứ điệp Tin Mừng được công bố, nhưng chúng ta đóng kín cửa lòng mình lại, chúng ta ngoan cố từ chối sự tác động của Chúa Thánh Thần trên tâm trí chúng ta để rồi sứ điệp Tin Mừng không có chỗ trong cuộc sống chúng ta. Hãy dễ dạy với Chúa Thánh Thần vì Ngài là Đấng sẽ đưa chúng ta đến chân lý toàn vẹn.
Phần 3 (Lc 10:11-12) trình bày cho chúng ta thái độ các môn đệ cần có khi bị chống đối mà không rơi vào tình trạng phạm tội “không thể được tha.” Theo lẽ tự nhiên, khi bị chống đối chúng ta thường tìm cách biện minh cho chính mình hay chúng ta chạy trốn không dám đối diện với chống đối. Chúa Giêsu trấn an các môn đệ [và chúng ta] rằng: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định vị trí quan trọng của Chúa Thánh Thần trong việc đón nhận sứ điệp Tin Mừng và trong việc làm chứng cũng như sự trung thành sống sứ điệp đó. Khi bị chống đối, dù bị người khác bỏ rơi, chúng ta không đơn độc đối diện với những khó khăn vì chính Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta. Ngài là nhân vật chính, Đấng sẽ dạy chúng ta phải làm gì và nói gì. Vì vậy, khi bị chống đối và bắt bớ, chúng ta phải giữ cho mình bình thản và mở rộng cõi lòng với Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể sáng suốt nói và làm những điều Chúa muốn, chứ không làm theo phản ứng tự nhiên của mình.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB