Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXXIV Thường Niên – Thánh Anrê Tông Đồ – Từ Bỏ Mọi Sự Để Theo Chúa Giêsu

(Rm 10:9-18; Mt 4:18-22)

Thánh Anrê được biết đến như là anh của Thánh Phêrô. Theo Tân Ước, Anrê sinh ra ở làng Bếtxaiđa trên bờ biển Galilê vào thế kỷ thứ nhất. Giống như người em của mình, Anrê cũng là một người đánh cá. Tên Anrê có nghĩa là sức mạnh và được biết đến với những kỹ năng giao tiếp xã hội. Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, chúng ta được trình bày là Chúa Giêsu đang đi dọc theo bờ biển Galilê và thấy Anrê và Phêrô đang đánh cá. Ngài gọi hai ông đi theo Ngài và trở thành “kẻ lưới người.” Trong Tin Mừng Thánh Luca, ngay từ đầu Anrê không được nói đến. Thánh Luca cho chúng ta hay chính Chúa Giêsu sử dụng một chiếc thuyền và đó là thuyền của Simon để giảng dạy đám đông. Sau đó Chúa Giêsu truyền cho ông thả lưới bắt cá và bắt được nhiều cá. Sau này, trong Lc 5:7 chúng ta cũng được biết là không chỉ một mình Simon là người đánh cá duy nhất trên thuyền, nhưng có một người khác. Tuy nhiên, cho đến Lc 6:14 chúng ta mới nghe nói đến Anrê là anh của Simon. Còn trong Tin Mừng của Gioan, chúng ta được biết Anrê là một môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, Gioan kêu lên: “Đây Chiên Thiên Chúa!” và sau đó Anrê và một người khác quyết định đi theo Chúa Giêsu. Theo truyền thống, Anrê đi giảng Tin Mừng ở quanh vùng biển đen và quanh vùng mà hôm nay chúng ta biết đến là Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Anrê chịu tử đạo bằng việc chịu đóng đinh ở Patras. Thánh nhân bị trói vào thập giá, thay vì bị đóng đinh. Thập giá trên đó thánh nhân chịu đóng đinh có hình chữ X. Người ta tin rằng Anrê thỉnh cầu được đóng đinh theo cách thức đó, bởi vì thánh nhân cho rằng chính mình không xứng đáng để được đóng đinh theo cùng một kiểu thập giá như Chúa Giêsu. Theo gương Thánh Anrê, chúng ta sống một đời sống khiêm nhường, để xứng đáng làm người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng niềm tin sẽ mang lại cho chúng ta ơn cứu độ: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10:9-10). Vì biết đức tin quan trọng cho ơn cứu độ như thế, nên Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Rôma nhiệt thành trong việc loan Tin Mừng cho người khác: “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng; chính ngôn sứ Isaia đã nói: Lạy Đức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô. Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không được nghe giảng? Có chứ! Tiếng các ngài đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Rm 10:15-18). Chúng ta có đáp lại lời mời gọi này như Thánh Anrê để đem Tin Mừng đến cho người khác không?

Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người trong chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi bằng những cách thức khác nhau. Tuy nhiên, dù được gọi trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung chúng ta có là Chúa Giêsu đến và gọi khi chúng ta đang “bận rộn lo toan” cho đời sống hằng ngày của mình. Đây chính là điều chúng ta nhận ra trong câu chuyện về những người môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu mà Thánh Mátthêu thuật lại hôm nay.

Bài Tin Mừng trình bày việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Họ có chung một nghề, đó là đánh cá. Tuy nhiên, Ngài gọi họ trong những hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta cùng phân tích hoàn cảnh Chúa Giêsu gọi các ông để suy gẫm về ơn gọi của chính mình.

Hai người đầu tiên được Chúa Giêsu gọi như sau: “Khi ấy, Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: ‘Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.’ Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người” (Mt 4:18-20). Chúng ta thấy hai ông được gọi đang khi “quăng chài xuống biển.” Nói cách khác, các ông được gọi đang khi làm công việc mưu sinh hằng ngày của mình. Chúa cũng đến với chúng ta trong lúc chúng ta đang bận rộn với công việc mưu sinh của ngày sống. Liệu chúng ta có mau mắn đáp lại không?

Hai người con của ông Dêbêđê được gọi không phải lúc đánh cá, mà trong lúc đang vá lưới: “Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4:21-22). Chi tiết này cho thấy ngay cả khi không thực hiện công việc chính của mình [đánh cá], nhưng làm những công việc chuẩn bị hay bên lề thì Chúa vẫn đến gọi chúng ta. Chúa không để ý đến việc chúng ta đang làm việc chính hay việc phụ. Điều Chúa mong chờ là chúng ta có đáp trả hay không. Vì vậy, khi theo Chúa đừng quan tâm đến công việc, nhưng cần lưu tâm đến sự đáp trả trọn tâm tình của mình trước lời mời gọi của Chúa.

Chi tiết cuối cùng chúng có thể suy gẫm là việc bốn ông lập tức bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Anrê và Phêrô bỏ kế sinh nhai của mình, Giacôbê và Gioan không chỉ bỏ kế sinh nhai mà còn bỏ mối tương quan ruột thịt của mình để bắt đầu gia nhập một mối tương quan mới trong gia đình mới mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập. Theo Chúa Giêsu là chuyển hướng cuộc sống của mình; theo Chúa Giêsu là bỏ lại đằng sau những lo toan của ngày sống; theo Chúa Giêsu là đón nhận hành trình mà Ngài sẽ đi; theo Chúa Giêsu là không còn giữ lại gì cho chính mình.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB