(1 Ga 2:18-21; Ga 1:1-18)
Một trong những nghệ thuật để “giảng dạy” rất được Thánh sử Gioan yêu mến đó là sử dụng hình ảnh tương phản: Ánh sáng-bóng tối, tin-không tin, đón nhận-không đón nhận, v.v. Chúng ta nhận thấy điều này trong bài đọc 1 và Tin Mừng hôm nay. Trong bài đọc 1, Thánh Gioan sử dụng sự tương phản giữa Đức Kitô và “tên phản Kitô,” giữa sự thật và dối trá; còn trong Tin Mừng, thánh nhân sử dụng hình ảnh ánh sáng và bóng tối. Chúng ta thấy thánh nhân muốn trình bày hai thế lực đối nghịch nhau: Đức Kitô là ánh sáng và sự thật đối kháng với “tên phản Kitô” là bóng tối và sự dối trá. Sự đối kháng này chính là yếu tố giúp nhiều học giả Kinh Thánh chỉ ra vấn nạn mà cộng đoàn của Thánh Gioan đang phải đối đầu, đó là, lạc giáo nhị nguyên thuyết (“Gnosticism”). Một trong những điểm của lạc giáo này là tất cả vật chất (nhất là thân xác con người) là xấu, là sự dữ, còn tinh thần hay cái gì thiêng liêng là tốt lành. Chính vì tư tưởng này, họ cho rằng việc Chúa Giêsu nhập thể không thể xảy ra vì Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng và tốt lành, Ngài không thể mặc lấy xác phàm là xấu xa, tội lỗi.
Tin Mừng hôm nay được trính từ phần dẫn nhập của Tin Mừng Thánh Gioan và câu quan trọng nhất mà Thánh Gioan dùng để chống lại lạc thuyết trên là câu khẳng định: “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1:14). Trong phần dẫn nhập gồm 18 câu này, chúng ta thấy rõ ràng, một mặt Thánh Gioan tin nhận việc Ngôi Lời nhập thể, và mặt khác ngài xác quyết rằng việc Ngôi Lời mặc lấy xác phàm không làm mất đi bản tính Thiên Chúa của Ngôi Lời. Để làm điều này, Thánh Gioan đầu tiên chứng minh về sự tiền hữu của Ngôi Lời trong câu đầu tiên của phần dẫn nhập Tin Mừng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). Ngôi Lời là Thiên Chúa, thì Ngài vẫn mãi là Thiên Chúa. Nên khi Ngôi lời nhập thể, Ngài hiện diện giữa chúng ta như là “Chúa thật và người thật.” Công đồng Êphêsô (431) dạy rằng: Chúa Giêsu có hai bản tính – bản tính con người và bản tính Thiên Chúa. Còn công đồng Chalcêdon (451) dạy rằng: Hai bản tính của Chúa Giêsu hiệp nhất một cách không thể tách rời trong một ngôi vị [gọi là ngôi hiệp]. Đây là mầu nhiệm mà cộng đoàn của Gioan không thể hiểu thấu và ngay cả chúng ta ngày hôm nay vẫn chỉ đón nhận trên lý thuyết, còn trong cuộc sống thường ngày chúng ta vẫn chưa tin nhận điều này, vì chúng ta đôi khi tách Ngài ra làm hai: Lúc thì muốn Ngài chỉ là Chúa và ở trên cõi cao xanh đừng đụng chạm đến cuộc sống của chúng ta, còn khi khác thì muốn Ngài chỉ là con người để chúng ta có thể nắm bắt và “sai khiến” theo ý mình. Nói tóm lại, chúng ta chỉ muốn một Đức Kitô phục sinh vinh quang mà không phải qua thập giá.
Việc nhập thể của Đức Kitô là một lời khẳng định về ‘giá trị cao trọng của thân xác’ con người. Nói một cách khác, thân xác không phải là một cái gì xấu xa, tội lỗi hay rào cản cho đời sống thiêng liêng như chúng ta thường nghe hay được dạy. Thân xác của chúng ta là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1 Cor 6:19). Tuy nhiên, chúng ta đã quen với một nền linh đạo “thiêng liêng hoá” mọi sự, chúng ta nghĩ Đức Kitô chỉ có thể được tìm thấy trong những ‘tư tưởng siêu phàm của lý trí,” hay nói theo triết học, Ngài chỉ ở ‘trong thế giới linh tượng’ [của Plato]. Chính vì vậy, chúng ta không thể chấp nhận một Đức Kitô có thể được tìm thấy trong những gì thật là con người, trong những cảm xúc và ‘ngôn ngữ’ của một thân xác được Thiên Chúa chuẩn bị cho. Chính vì lý do đó, chúng ta hiểu tại sao khi Đức Kitô xuất hiện trong thân xác thật mong manh, yếu đuối như chúng ta [chỉ trừ tội lỗi] thì “người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11). Và ngay cả ngày hôm nay cũng vậy, “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (Ga 1:10).
Chúng ta phải thú nhận rằng, thật khó để nhận ra Chúa đang cư ngụ giữa chúng ta và muốn làm cho vinh quang của Ngài chiếu sáng trong ‘thân xác yếu đuối’ của chúng ta. Chúng ta đi tìm Ngài nơi những hệ tư tưởng cao siêu. Chúng ta như Thánh Augustinô, suốt một thời gian dài tìm kiếm Chúa trong những học thuyết triết lý vĩ đại, nhưng hệ quả là thánh nhân đã nếm mùi thất bại ê chề vì những hệ tư tưởng lỗi lạc này không làm cho con tim khao khát tình yêu của ngài yên nghỉ. Và cuối cùng thánh nhân phải thú nhận rằng: “Ngài ở trong con [trong thân xác mong manh và yếu đuối, trong con tim đầy cảm xúc con người] mà con đi tìm Ngài ở bên ngoài. … Ôi vẻ đẹp nguyên thuỷ, con đã yêu Ngài quá muộn!” Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta không nhận ra Chúa đến với chúng ta qua người khác, qua những ‘phận người đầy yếu đuối và tội lỗi,’ hoặc trong những hoàn cảnh không ngờ. Hãy dừng tìm Chúa trong những hệ tư tưởng cao siêu. Ngài đang ngự trong thâm sâu của con tim bạn, trong những con tim đang khao khát một tình yêu đích thật. Khi bạn khám phá khả năng yêu thương vô điều kiện của con tim bạn, bạn sẽ đồng thời tìm ra Chúa. Và khi bạn ngừng tìm Thiên Chúa ở nơi bạn muốn và để cho Ngài tìm bạn ‘nơi bạn đang là,’ bạn sẽ gặp Ngài!
Điều thứ hai chúng ta có thể rút ra từ lời Chúa hôm nay để suy gẫm đó là hình ảnh Gioan sử dụng trong bài đọc 1: Sự tương phản giữa sự thật và dối trá. Chúng ta có thể nói rằng: Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới khuyến khích một ‘nền văn hoá nói dối.’ Chúng ta sợ nói thật vì “sự thật thì mất lòng.” Chúng ta đang sống trong thế giới của kỹ thuật số. Mọi tương quan của chúng ta với nhau thường xảy ra trong thế giới ảo. Những gì người này nói cho người kia không thể kiểm chứng trực tiếp. Mọi sự xảy ra trên ‘màn hình vô cảm,’ chứ không phải trên ‘khuôn mặt có cảm.’ Nên việc nói dối dễ dàng xảy ra hơn là khi nói chuyện trực tiếp. Tuy nhiên, dù có nói dối hàng trăm hoặc ngàn lần, thì chúng ta cũng không thể làm cho sự dối trá trở thành sự thật. Thánh Gioan nói cho chúng ta biết trong bài đọc 1 rằng: “Tên phản Kitô là những người nói dối,” và cha của những kẽ nói dối là Satan. Khi chúng ta nói dối, chúng ta không đứng về phía Thiên Chúa, không đứng về phía sự thật, nhưng đứng về phía sự dối trá: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8:44). Hãy nói và sống trong sự thật, vì sự thật sẽ giải phóng chúng ta (x. Ga 8:32)!
Điểm cuối cùng chúng ta có thể học đó chính là hình ảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài là một con người thật khiêm nhường và trung thành với công việc làm chứng của mình: “Ông Gioan làm chứng về Người, ông tuyên bố: ‘Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:15). Ngài nhận ra rằng: Chúa Giêsu trổi vượt hơn Ngài dù đến sau Ngài. Chỉ có những tâm hồn khiêm nhường như Thánh Gioan Tẩy Giả mới có thể nhận ra Chúa Giêsu và hiểu được mầu nhiệm nhập thể, mầu nhiệm của sự tự hạ. Chỉ có những tâm hồn khiêm nhường mới được mạc khải những mầu nhiệm nước trời. Và chỉ có những tâm hồn để cho Đức Kitô sở hữu mới có thể thấy Thiên Chúa vì “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18).
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB