(1Ga 3:22 – 4:6; Mt 4:12-17.23-25)
Có thật là tất cả những gì chúng ta xin đều được ban cho không? Chúa Giêsu cũng nói rằng: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Mt 7:7). Thánh Gioan cũng tuyên bố như thế trong bài đọc 1 hôm nay: “Anh em thân mến, bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Thiên Chúa ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người” (1Ga 3:22). Nhưng trong thực tế thường ngày, chúng ta thấy điều này không có thật, vì bao nhiêu lần chúng ta xin nhưng chúng ta không nhận được. Nếu đọc kỹ lời của Thánh Gioan, chúng ta nhận ra rằng: Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta xin, với điều kiện là chúng ta phải “tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý người.” Nói như thế, khi chúng ta xin mà chúng ta không nhận được, chúng ta phải xét lại: Chúng ta đã giữ giới răn [yêu thương] của Người và làm những gì đẹp ý Người chưa? Tức là, chúng ta phải “tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1Ga 3:23).
Theo Thánh Gioan, người tuân giữ các điều răn và làm những điều đẹp ý Chúa là những người dễ dạy với Chúa Thánh Thần. Trong bài đọc 1, ngài cũng nhắc nhở chúng ta không phải thần khí nào chúng ta cũng tin (x. 1Ga 4:1). Ngài đưa ra tiêu chuẩn để chúng ta phân biệt đâu là Thần Khí Thiên Chúa và đâu không phải là Thần Khí của Ngài: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên Phản Ki-tô” (1Ga 4:2-3). Điều này giúp chúng ta hiểu mục đích của Tin Mừng và những lá thư của Thánh Gioan, đó là, tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu. Đây là mầu nhiệm chúng ta mừng kính trong những ngày vừa qua. Câu tuyên xưng trên về tương quan giữa Thánh Thần và việc trở nên người phàm của Đức Giêsu Kitô của Thánh Gioan đưa chúng ta về với Tin Mừng của Thánh Luca: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35).
Điểm cuối cùng mà Thánh Gioan muốn nhắc nhở cộng đoàn của ngài và chúng ta là sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện. Họ là những người thuộc về thế gian và nhiều người đã nghe theo họ (x. 1Ga 4:5). Ngài khuyến cáo chúng ta đừng đi theo những ngôn sứ giả đó, đừng thuộc về thế gian, nhưng hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu. Chúng ta cũng nên dừng lại ở điểm này để duyệt xét lại chính mình. Chúng ta đang thuộc về ai: Thiên Chúa hay thế gian. Nhiều lúc trong đời sống thường ngày, chúng ta đã để cho hào nhoáng của tiền tài và danh vọng kéo chúng ta đi theo chúng. Chúng ta để cho những lo lắng về của cải vật chất, những bận rộn và ồn ào của thế gian và công việc lấp đầy con tim của chúng ta đến nổi chúng ta không còn một chỗ, dù chỉ thật nhỏ trong ngày sống cho Ngài.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu thuật lại cho chúng ta về việc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài. Khi đặt bài Tin Mừng hôm nay vào bối cảnh của nó, chúng ta khám phá ra rằng bài Tin Mừng hôm nay là một bản tóm tắt về bối cảnh, nội dung và thành quả của sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu. Tin Mừng của Luca trình bày bản tóm lược về sứ vụ của Chúa Giêsu xảy ra trong hội đường Caphácnaum. Điều này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Mátthêu hôm nay: “Khi ấy, Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4:13-16). Theo Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu là Môisen Mới, Ngài đến để hoàn thành tất cả những gì mà lề luật và ngôn sứ viết về Ngài. Ngài đến để mang lại ánh sáng cho dân đang “ngồi trong vùng bóng tối của tử thần” (Mt 4:16).
Một cách cụ thể, bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhận ra những điểm sau: (1) Bối cảnh: “Sau khi Gioan đã bị nộp” (Mt 4:13). Điều này nói cho chúng ta biết rằng sứ vụ chuẩn bị và làm chứng của Gioan Tẩy Giả đã hoàn thành khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng; (2) căn tính của Chúa Giêsu: Là ánh sáng cho những ai ngồi trong vùng bóng tối tử thần (x. Mt 4:16); (3) nội dung của sứ vụ của Chúa Giêsu: Rao giảng sự sám hối và Nước Trời, chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 4: 17, 23); (4) thành quả: Danh tiếng Người đồn đi khắp xứ, dân chúng lũ lượt kéo đi theo Ngài (x. Mt 4:24-25). Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Điều cốt yếu chúng ta rút ra là: Cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu chỉ xoay quanh mầu nhiệm Nước Trời, nơi mà con người sẽ tìm được hạnh phúc đích thật. Vì tất cả những ai đón nhận Nước Trời sẽ được chữa lành “mọi bệnh hoạn tật nguyền.” Còn cuộc đời “sứ vụ” của mỗi người chúng ta xoay quanh cái gì? Những người đến với chúng ta có được chữa lành, có tìm thấy được niềm an ủi và niềm vui hay không? Để làm được điều này, chúng ta phải bước vào hành trình: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17). Đó là hành trình của Metanoia (“sám hối”). Metanoia không đơn giản mang nghĩa tiêu cực là sám hối tội lỗi. Nó mang một nghĩa thật tích cực, đó là, thay đổi lối suy nghĩ, lối nhìn, lối yêu thương, và lối sống để trở nên một con người mới, một con người sống trọn vẹn giới răn yêu Chúa và yêu người, một con người sẵn sàng cho Nước Trời.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB