Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Lạy Chúa, Con Cần Ngài!

(Is 2:1-5; Mt 8:5-11)

Chúng ta có vui khi đến với Chúa không? Thông thường, chúng ta cảm thấy rất vui khi đi dự một sự kiện lớn hoặc gặp gỡ một nhân vật quang trọng, nhưng chúng ta lại không vui khi đến với Chúa. Chúng ta đến với Ngài như một bổn phận (ngay cả những người tu sĩ, là những người khấn hứa là sẽ “yêu Ngài hơn những người khác”). Đôi khi chúng ta còn dửng dưng và đến với Chúa với một con tim thật trống rỗng, không có cảm xúc. Lời đáp ca hôm nay thật xứng hợp đưa chúng ta vào phụng vụ của Mùa Vọng trong “những ngày thường” của tuần sống.

Như chúng ta thường quan niệm, Mùa Vọng là mùa “kỷ niệm” việc Chúa Giêsu đến lần thứ nhất và “chờ đợi” Ngài đến lần thứ hai. Nhưng trong khi chúng ta trông đợi Ngài đến, đâu là thái độ của chúng ta? Theo kinh nghiệm thường ngày, khi chúng ta chờ đợi một ai đó, ban đầu chúng ta rất thích thú, nhưng rồi khi người chúng ta chờ đợi không đến hoặc đến trể, chúng ta từ từ mất kiên nhẫn, khó chịu, nổi giận, thất vọng và bỏ cuộc trong sự buồn bả. Khi chúng ta chờ đợi Chúa, chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng đó: ban đầu chúng ta rất thích thú, nhưng dần dần ngày tháng trôi qua, chúng ta gặp khó khăn, thử thách, thất bại, chúng ta kêu lên Chúa nhưng chẳng thấy Ngài ở đâu hoặc Ngài đến muộn, chúng ta trở nên mất kiên nhẫn và thất vọng. Từ đó cuộc đời chúng ta chỉ là một chuỗi ngày đầy đắng cay và nước mắt.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia tuyên sấm về việc Đức Chúa sẽ quy tụ muôn dân và cho họ được hưởng hoà bình vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Trong những ngày đó, núi Sion sẽ “đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi” (Is 2:2). Cũng trong những ngày đó, dân từ muôn nơi sẽ nói với nhau: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ” (Is 2:3).  Những lời này nhắc nhở chúng ta về thái độ của mình khi đến với Chúa. Isaia chỉ ra cho chúng ta biết rằng mục đích đến với Chúa là để được Đức Chúa dạy cho biết đường lối của Ngài để đi theo. Chỉ khi có thái độ như thế, chúng ta mới được hưởng thái bình vì chúng ta biết biến những “dụng chiến tranh” thành “dụng cụ sinh hoa trái”: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2:4). Nói một cách cụ thể, sau mỗi khi đến với Chúa qua đời sống cầu nguyện, chúng ta trở nên những người xây dựng hoà bình. Hệ quả là chúng ta sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Lời đáp ca trong phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết rằng cuộc đời chúng ta là một hành trình đi về nhà Cha trên trời và chúng ta được mời gọi bước đi hành trình đó với niềm vui: “Chúng ta hãy lên đền thánh Chúa với niềm vui.” Tuy nhiên, chúng ta không đi hành trình này một mình. Bên cạnh chúng ta còn có nhiều người chúng ta yêu mến và “chưa yêu mến.” Đây chính là tư tưởng đưa chúng ta vào bài Tin Mừng hôm nay: “Amen, tôi nói cho các ngươi hay, nhiều người sẽ đến từ phương đông và phương tây, và ngồi dự tiệc với Abraham, Isaac và Jacob trong Nước Trời” (Mt 8:11).

Bài tin mừng hôm nay nói về một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và viên đại đội trưởng. Chúng ta có thể rút ra được điều gì trong cuộc gặp gỡ này cho việc chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu?  Trong tư tưởng của người Do Thái, Đấng Messiah đến để chỉ cứu dân Do Thái, dân riêng của Thiên Chúa. Nhưng khi Chúa Giêsu đến, Ngài đến với hết mọi người; Ngài chào đón mọi người không phân biệt tuổi tác, học thức, giai cấp, quốc gia, tôn giáo và văn hoá. Ngược lại, mọi người chạy đến với Ngài để nghe Ngài giảng, để được Ngài chữa lành, để chứng kiến phép lạ Ngài làm. Chính trong bầu khí chào đón nhẹ nhàng này của Chúa Giêsu mà cuộc gặp gỡ với viên đại đội trưởng xảy ra. Sẽ không có một cuộc gặp gở chân thật nào xảy ra giữa chúng ta nếu trước tiên chúng ta không có thái độ “cháo đón,” tức là con tim của chúng ta không đóng kín trong những thành kiến và hận thù của mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một viên đại đội trưởng người Do Thái đến cầu xin Chúa Giêsu. Đây là một điều hết sức ngạc nhiên. Chúng ta biết, người Do Thái xem người Rôma là kẻ thù, và người Rôma xem người Do Thái là những người cần đến lòng thương xót của họ. Nhưng bài Tin Mừng cho chúng ta thấy thái độ của viên đại đội trưởng và của Chúa Giêsu hoàn toàn ngược lại. Chúa Giêsu đón nhận “kẻ thù” của mình và còn khen ông ta: “Ta không thấy ai trong Israel có niềm tin như ông này.” Chúng ta có đủ can đảm để khen kẻ thù của chúng ta không? Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn nói xấu những người chúng ta không thích và nhất là “kẻ thù” của chúng ta (trong cộng đoàn đời tu cũng thế). Hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta một thái độ để học theo, đó là chân nhận điều tốt và tôn vinh người khác, ngay cả kẻ thù của mình, của dân tộc mình. Hơn nửa, trong cuộc sống thường ngày, nếu chúng ta không thích một ai hay hơn thế, chúng ta ghét một ai và xem họ như kẻ thù, khi người đó đến với chúng ta, liệu chúng ta có đón họ như Chúa Giêsu đã làm không? Còn về phía viên đại đội trưởng, ông khiêm nhường nhận rằng mình cần đến sự thương xót của Chúa  Giêsu. Học nơi viên đại đội trưởng, chúng ta cũng nên bỏ qua sự kiêu ngạo và tự tôn của mình để khiêm nhường xin người khác giúp mình, ngay cả kẻ thù của mình để mưu ích cho người khác.

Một điểm khác mà chúng ta có thể suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là: Chúng ta thấy viên đại đội trưởng tin vào quyền lực “Lời” của Chúa Giêsu. Ông tin “Lời” của Chúa Giêsu có thể làm thay đổi tình trạng của một người, nhất là của người đầy tớ của ông. Ông đi từ kinh nghiệm cá nhân của mình để đạt đến kinh nghiệm về Thiên Chúa. Ông kinh nghiệm rằng cho dù với quyền lực giới hạn được ban cho mình, những lời ông nói đều đều được thực hiện. Từ kinh nghiệm đó, ông tin rằng: trước mặt ông không chỉ là “người được ban cho một quyền lực giới hạn” như ông, mà là Đấng là nguồn gốc của mọi quyền lực trên trời và dưới đất. Như thế, lời của Ngài sẽ được thực hiện mà không có cản trở nào: “Tôi không xứng đáng Ngài đến dưới mái nhà tôi, nhưng Ngài chỉ nói một lời thì mọi sự sẽ tốt đẹp” (“tôi tớ của tôi sẽ được chữa lành”). Trở về với cuộc sống, chúng ta nghe lời Chúa mỗi ngày, chúng ta có để Lời Chúa biến đổi chúng ta không? Chúng ta thấy người đầy tớ của viên đại đội trưởng bị bệnh sắp chết, nhưng chỉ một lời của Chúa Giêsu, người ấy được lành bệnh. Chúng ta cũng có nhiều bệnh: ghen tỵ, giận hờn, so sánh, không tha thứ, nói xấu nhau, lẩm bẩm kêu ca, than phiền, trách mắng và những bệnh khác, chúng ta có để cho Lời Chúa chữa lành chúng ta không? Hay chúng ta chỉ nghe Lời Chúa và để cho Lời Chúa đi qua như những lời của con người!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB