(Đn 9:4b-10; Lc 6:36-38)
Một người Kitô hữu (tu sĩ) tốt, thánh thiện là người cầu nguyện luôn. Chúng ta thường cầu nguyện một mình [cá nhân] hay cầu nguyện với người khác. Nhưng điều chúng ta có thể rút ra từ bài đọc 1 hôm nay là: hãy cầu nguyện như chúng ta là. Điều này có nghĩa là gì? Nó đơn giản là: nếu chúng ta là những người cha, người mẹ thì hãy cầu nguyện như những người cha người mẹ; nếu là một người thầy, người cô, thì cầu nguyện như một người thầy, người cô; nếu là một người thánh hiến cho Thiên Chúa, thì hãy cầu nguyện như một người thánh hiến cho Thiên Chúa, v.v. Lời cầu nguyện và cách thức cầu nguyện phải tương hợp với mình là ai trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em mình.
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta một mẫu cầu nguyện của một vị ngôn sứ, người cầu nguyện trên danh nghĩa của toàn dân. Chúng ta thấy trong mẫu cầu nguyện này những yếu tố cần thiết [chúng ta cũng đã trình bày trong các bài suy niệm trước] như sau: (1) nhận ra Thiên Chúa là ai (Đn 9:4b); (2) nhận ra mình là ai trước mặt Chúa (Đn 9:5-6); (3) nhận ra sự khác biệt giữa Thiên Chúa với chúng ta (Đn 9:7); (4) xin Thiên Chúa giúp để trở nên giống Ngài hơn (Đn 9:8-10).
Điều chúng ta cần suy gẫm trong bài đọc 1 hôm nay là việc Đanien nêu ra nguyên nhân tội lỗi của dân Israel [và chúng ta], đó là, “chúng con đã không nghe lời các tôi tớ Chúa là các ngôn sứ,” những người “đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha ông chúng con và toàn dân trong xứ (Đn 9:6) và “chúng con đã không nghe tiếng của Đức Chúa là Thiên Chúa chúng con” (Đn 9:10). Kinh nghiệm thường ngày dạy chúng ta điều này. Khi chúng ta không lắng nghe và đem ra thực hành lời của Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng phạm tội và từ chối tình yêu và đường lối của Ngài. Nghe là một trong những thái độ cần thiết khi đến với Lời Chúa. Nhưng nghe với đôi tai thể lý thì chưa đủ; chúng ta phải nghe với đôi tai của tâm hồn. Chỉ có như thế thì lời Chúa mới có thể ở lại trong con tim của chúng ta và làm chúng ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Đây chính là điều mà bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ lấy Thiên Chúa làm tiêu chuẩn cho cuộc đời của mình. Cách cụ thể, bài Tin Mừng bắt đầu với việc Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ lấy lòng nhân từ của Thiên Chúa làm tiêu chuẩn để cố gắng đạt đến. Chúng ta thấy, lòng nhân từ được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay trong hai mệnh lệnh tiêu cực và hai mệnh lệnh tích cực: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6:37-38). Chúng ta cùng nhau suy gẫm bốn công việc cụ thể của lòng nhân từ, để chúng ta cũng được trở nên nhân từ như Cha chúng ta là Đấng nhân từ. Bốn công việc này liên kết chặt chẽ với nhau: bước này nối tiếp bước kia.
Thứ nhất, “đừng xét đoán”: Chúa Giêsu nói, chúng ta đừng xét đoán để rồi sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Đây thường là lý do chúng ta đưa ra để không xét đoán người khác. Tuy nhiên, để hiểu hơn, chúng ta có thể “chơi chữ” ở đây để rút ra ý nghĩa của công việc đầu tiên của lòng nhân từ: không xét đoán. Từ này gồm hai từ: “xét” và “đoán.” Thông thường khi chúng ta đoán một cái gì đó, thì xác xuất cao nhất là 50-50. Chính vì vậy chúng ta hay nói đùa rằng: đoán mò mà nó cũng trúng. Khi chúng ta đoán là chúng ta không chắc chắn về sự kiện hoặc con người. Như vậy, khi “xét” người khác mà dựa trên “đoán,” tức dựa trên những điều không chắc chắn, lời xét của chúng ta sẽ sai. Theo nguyên tắc luân lý và nhất là dưới sự hướng dẫn của nhân đức, chúng ta đừng có xét [xét nét] người khác. Điều Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta là: hãy biết rõ sự việc trước khi nhận xét người khác.
Thứ hai, “đừng lên án”: tuy nhiên, dù chúng ta có nhận xét hay xét đoán đúng người khác trong bước thứ nhất, thì công việc thứ hai của lòng nhân từ mời gọi chúng ta không lên án. Tại sao chúng ta không lên án? Là vì chúng ta không biết người đó đã trải qua những gì. Nếu chúng ta ở trong trường hợp của họ, có lẽ chúng ta còn trở nên tệ hơn chăng!
Thứ ba, “hãy tha thứ”: bước thứ ba đi theo bước thứ hai là hãy tha thứ thay vì lên án anh chị em mình. Và dù chúng ta có lên án người khác, tức là nói người khác đáng bị xử phạt, nhưng chúng ta cũng tha thứ cho họ hình phạt của họ. Tha thứ không phải vì họ đáng được tha thứ, nhưng là vì mình nhân lành. Khởi nguồn của tha thứ không nằm ngoài chúng ta, nhưng nằm trong con tim tràn đầy yêu thương của chúng ta. Người nào có con tim đầy yêu thương thì dễ dàng tha thứ cho người khác. Ngược lại, con tim người nào chứa đựng toàn ghen tỵ và chua cay, thì người đó sẽ khó hoặc không thể tha thứ cho người khác.
Thứ tư, “hãy cho”: chúng ta đọc thấy trong sách Công Vụ Các Tông Đồ những lời này: cho thì có phúc hơn là nhận (Cv 20:35). Có người cho từ những cái dư thừa của mình, nhưng cũng có người cho từ những gì mình còn để sống. Nguyên lý trong đời là: chúng ta không thể cho những gì chúng ta không có. Vậy chúng ta có gì để cho người khác? Chúng ta không có của cải vật chất để cho cũng không sao. Thiên Chúa và người khác sẽ hiểu chúng ta. Nhưng chúng ta có nụ cười, có lời nói tế nhị tao nhã, có những cử chỉ thân thiện, mà nhiều khi chúng ta quá “keo kiệt” đã không cho người khác. Hãy trao cho người khác những gì mình không cần phải mất tiền và công sức để sở hữu. Hãy trao ban cho anh chị em những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta!
Cuối cùng, điều làm chúng ta kinh ngạc là bài Tin Mừng bắt đầu với “anh em hãy có lòng nhân từ,” và kết thúc với “[Thiên Chúa] sẽ đong cho anh em.” Đây chính là hành trình chúng ta phải đi: chúng ta bắt đầu với lòng nhân từ của mình, là dựa trên sự công bình, và kết thúc với lòng nhân từ của Thiên Chúa, là dựa trên đức yêu thương. Lòng nhân từ của Thiên Chúa không chỉ dừng ở chỗ đã dằn, đã lắc, nhưng còn đầy tràn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng khuyến cáo chúng ta: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:38). Nếu lòng nhân từ của chúng ta chỉ ở lại mức độ của con người, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho chúng ta theo mức độ của con người; còn nếu lòng nhân từ của chúng ta như Thiên Chúa là Đấng nhân từ, thì Ngài sẽ đong lại cho chúng ta theo mức độ của Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB