Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật II Thường Niên – Sống Niềm Vui Có Chúa

(Hr 5:1-10; Mc 2:18-22)

Vâng phục là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong xã hội mà trong đó con người tôn vinh ‘cái tôi’ và đi tìm sự độc lập và tự do cho riêng mình để không lệ thuộc vào bất kỳ ai. Thật vậy, con người thời đại không muốn bị người khác kiềm chế và quyết định cho những gì mình làm. Điều này giống như con dao hai lưỡi: Một bên nó giúp con người trưởng thành chịu trách nhiệm về những gì mình làm và về cuộc đời của mình; nhưng mặt khác nó làm cho con người trở nên độc lập, tự ‘làm chúa’ của cuộc đời mình. Khía cạnh thứ hai này có thể là một trong những lý do con người thời đại không muốn dấn thân cho Chúa trong đời sống thánh hiến vì họ muốn ‘làm chúa’ cuộc đời họ. Họ không muốn bị lệ thuộc vào Chúa và cơ cấu của dòng tu. Còn những người đã theo Chúa, thái độ muốn ‘làm chúa’ của đời mình làm họ xem vâng phục như là gánh nặng và bổn phận hơn là chọn lựa tự do để “Chúa hướng dẫn” cuộc đời mình. Chúng ta sống theo chủ nghĩa ‘hoàn cảnh’ trong vâng phục: Trong hoàn cảnh này, với những người này tôi vâng phục, còn trong hoàn cảnh khác và với những người khác tôi không vâng phục.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta vâng phục là con đường đưa đến sự thiện hảo. Chính nhờ vâng phục mà Chúa Giêsu đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho con người. Tác giả thư Hípri viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:8-9). Vâng phục và đau khổ là bạn đồng hành. Hay nói cách khác, đau khổ chính là thầy dạy để chúng ta vâng phục. Chúng ta thường chạy trốn đau khổ vì không ai muốn mình đau khổ. Đúng là như thế, chúng ta không ‘tìm’ đau khổ. Chúng ta phải tìm mọi để cách giải thoát mình và người khác khỏi đau khổ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đối diện với đau khổ chứ không chạy trốn để từ đó học vâng phục như Chúa Giêsu đã học vâng phục qua nhiều đau khổ. Thật vậy, vâng phục chính là sự chết đi cho chính mình để hoàn toàn thuộc về Chúa, không còn ‘làm chúa’ của đời mình. Vâng phục chính là con đường dẫn đến thập giá để đóng đinh vào đó tất cả những điều chúng ta muốn, ngay cả cách thức chúng ta yêu, để muốn và yêu theo cách thức của Chúa.

Bên cạnh đó, tác giả của thư Hípri trình bày cho chúng ta về chức vụ thượng tế và sự khác biệt của chức vụ này giữa các vị thượng tế “là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5:2), và Đức Giêsu Kitô “là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Dt 5:6). Một vị thượng tế phàm nhân “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính mình cũng đầy yếu đuối. Mà vì yếu đuối, nên vị thượng tế phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt 5:2-3). Còn Đức Giêsu Kitô, vì là ‘người thật’ nên Ngài không chỉ có khả năng cảm thông với những con người yếu đuối như chúng ta, mà Ngài còn giúp chúng ta thắng vượt những yếu đuối của mình vì Ngài chỉ dâng lễ đền tội cho chúng ta, chứ không cho chính mình, và Ngài chỉ dâng một lần là đủ. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên giống Chúa Giêsu vì qua Bí Tích Rửa Tội, tất cả chúng ta được chia sẻ trong chức vụ tư tế của mình, chúng ta trở nên ‘những thượng tế’ có khả năng cảm thông với những yếu đuối của anh chị em mình và có khả năng dâng chính mình như của lễ đền tội cho chính mình và cho anh chị em.

Tác giả Thư Hípri còn nhắc nhở chúng ta rằng: Chức vụ tư tế mà chúng ta được chia sẻ với Chúa Giêsu, qua Bí Tích Thánh Tẩy [qua việc tuyên khấn] chính là ơn gọi: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aharon đã được gọi” (Dt 5:5).  Chúng ta được Thiên Chúa gọi, chúng ta không thể tự tôn mình lên làm con cái Chúa hay tự thánh hiến mình làm một tu sĩ. Chính vì vậy, những gì chúng ta có và chúng ta là không thuộc về chúng ta, nhưng là ân ban. Điều này là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta [nhất là cho những người thánh hiến]: Chúng ta nghĩ rằng khi rời bỏ ơn gọi mình đang sống thì chúng ta cũng vẫn được hưởng vinh dự và uy quyền như chúng ta đang có. Đó là ‘hoang tưởng!’ Khi từ chối ơn gọi mình được gọi để sống, thì chúng ta cũng mất tất cả những vinh dự và uy quyền của ơn gọi đó.

Cuộc tranh luận về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay thường được đọc trong mùa chay. Trong cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu chỉ ra sự khác biệt giữa các môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của người Pharisêu với các môn đệ của Ngài (x. Mc 2:18). Đâu là sự khác biệt? Sự khác biệt nằm ở chủ đề về tiệc cưới chúng ta nghe hôm qua. Nói cách khác, sự khác biệt được ẩn chứa trong hình ảnh chú rể và cô dâu, tình yêu và niềm vui. Hôm nay Chúa Giêsu gọi mình là “chàng rể” và các môn đệ chính là ‘khách dự tiệc cưới.’ Các môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay như các môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả và của người Pharisêu. Các môn đệ của Ngài là những người ‘của yến tiệc,’ của niềm vui. Điều này giúp chúng ta khẳng định rằng: Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó có tiệc cưới, ở đó có tình yêu và niềm vui. Và những người môn đệ của Chúa Giêsu là những người của niềm vui. Đức Thánh Cha Phanxicô dùng lời này áp dụng cho những người thánh hiến: Ở đâu có những người thánh hiến, ở đó có niềm vui [vì họ là những người có Chúa].

Để hiểu hơn về đề tài ăn chay trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần trình bày cách ngắn gọn ở đây việc ăn chay của người Do Thái. Đọc trong Cựu Ước, chúng ta biết là dân Do Thái chỉ ăn chay trong dịp Lễ Xá Tội (Lv 16). Họ thường ăn chay với hai lý do: (1) để đền tội; (2) khi gặp tai ương hoạn nạn. Tuy nhiên, xét cho cùng thì cũng chỉ là một lý do để họ ăn chay, đó là tội lỗi. Thật vậy, người Do Thái ăn chay là vì tội lỗi đã đẩy họ xa khỏi Chúa [hay trong niềm tin của họ là Chúa xa lánh họ]. Ăn chay là cách thức để dân xin Chúa rủ lòng thương đến gần và cứu độ họ. Chính trong bối cảnh ăn chay này mà chúng ta nghe lần đầu tiên và hiểu việc Chúa Giêsu nói cách ám chỉ về cái chết của mình (Mc 2:19b-20) để đền tội cho muôn dân: Thiên Chúa, qua Đức Kitô, không chỉ đến gần dân mà trở nên một với họ và chết cho họ để họ được sự sống muôn đời.

Điểm cuối cùng để chúng ta suy gẫm là sự tương phản giữa mới và cũ mà Chúa Giêsu dùng trong bài Tin Mừng: “Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!” (Mc 2:21-22). Điều này ám chỉ sự tương phản giữa lối thực hành đạo đức cũ và mới. Như vậy, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, hình thức thực hành đạo đức cũ đã không còn hợp thời: Người ta không tôn thờ Thiên Chúa trên núi này hoặc tôn thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa, nhưng tôn thờ Ngài trong thần khí và sự thật. Nói một cách cụ thể, những người có Chúa Giêsu sẽ sống một lối sống mới, là những người biết đọc dấu chỉ của thời đại: biết vui với người vui và khóc với người khóc. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc kỹ điều Chúa Giêsu nói, chúng ta khám phá ra rằng: Ngài không có ý bỏ đi luật cũ; Ngài muốn bảo toàn cả hai. Ngài chỉ muốn hoàn thiện cái cũ: “Ta đến không phải để bãi bỏ lề luật, Ta đến để kiện toàn” (Mt 5:17). Nhìn từ khía cạnh này, một người có Chúa Giêsu là người biết sử dụng cả cái mới và cái cũ trong kho của mình (x. Mt 13:52). Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Một mặt, chúng ta phải tránh thái độ ‘bảo thủ’ đóng kín, không đón nhận cái mới; chúng ta phải bảo tồn cách khôn ngoan những gì là chân, thiện, mỹ của cái cũ. Mặt khác, chúng ta phải biết mở rộng cõi lòng để đón nhận những cái mới. Trong bối cảnh này chúng ta có thể nói rằng: Người có Chúa Giêsu là người có con tim rộng mở trước thực tại, nhưng biết chọn lựa những gì mang lại niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB