(Ds 24:2-7.15-17a; Mt 21:23-27)
Bài đọc 1 nói về lời sấm của Bilơam. Trong lời sấm của mình, Bilơam cho biết lời sấm của ông là “sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, người ngắm nhìn thị kiến Đấng Toàn Năng, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần” (Ds 24:4). Những lời này trình bày cho chúng ta hình ảnh chân thật của một vị ngôn sứ, đó là người “nghe” các lời của Thiên Chúa, “ngắm nhìn” dung nhan Thiên Chúa và “mắt vẫn mở” [hướng lòng về Chúa] ngay cả trong giấc ngủ. Nói cách khác, ngôn sứ là người “tai nghe mắt thấy kỳ công của Thiên Chúa và hoàn toàn hướng trọn con người của mình về Ngài.” Trong hoàn toàn thuộc về Chúa, ngôn sứ mới có thể nhìn thấy mọi sự bằng ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa để nhận ra mọi sự là tốt đẹp: “Hỡi Giacóp, lều bạt của ngươi đẹp biết mấy! Hỡi Israel, đẹp biết mấy doanh trại của ngươi!” (Ds 24:5). Tuy nhiên, vẻ đẹp của muôn loài là đến từ Đức Chúa: “Như thung lũng trải dài, như vườn cạnh bờ sông, như lô hội Đức Chúa đã trồng, như hương nam mọc bên dòng nước. Từ các bồn của nó, nước tràn ra, và hạt giống nó được tưới dồi dào. Vua của nó cao cả hơn Agác, và vương quốc nó được tôn vinh” (Ds 24:6-7). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cách thức mình thấy và nghe. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta thích nghe lời con người và nhìn thấy vinh quang chóng tàn của con người hơn là lắng nghe lời Chúa và nhìn thấy những kỳ công của Ngài. Chúng ta mất nhiều thời gian cho những câu chuyện “ngồi lê mếch nước” hơn là những câu chuyện về yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta cần hướng trọn con người mình lên Chúa để Ngài chiếm lấy. Chỉ có như thể, chúng ta mới nhìn thấy “ngôi sao nhà Giacóp” trỗi dậy và đến với chúng ta trong từng sự kiện của cuộc sống hằng ngày: “Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao, được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần. Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24:16-17a).
Nguồn gốc của quyền lực luôn là một vấn nạn muôn thuở cho những ai thấy quyền lực của mình bị đe doạ. Nhìn vào lịch sử nhân loại chúng ta nhận ra rằng con người luôn dùng quyền lực, thay vì để phục vụ thì lại để thống trị người khác. Họ xem mình là người sở hữu quyền lực hơn là được “trao ban” cho quyền lực. Vấn nạn này chính là điều mà Chúa Giêsu phải đối diện khi “các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi : “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (Mt 21:23). Trong những lời này, các thượng thế và kỳ mục chân nhận rằng nguồn gốc quyền lực của Chúa Giêsu để giảng dạy phải được ban cho. Nhưng họ nghĩ rằng nguồn gốc của quyền đó chỉ đến từ con người, đến từ những người lãnh đạo tôn giáo mà chính họ là những thành viên trong đó. Đứng trước sự chất vấn của họ, với sự khôn ngoan của mình, Chúa Giêsu đã không đưa ra một câu trả lời trắng đen. Ngài trả lời họ bằng một câu hỏi: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21:24-25). Trong những lời này, Chúa Giêsu ám chỉ đến hai nguồn gốc của quyền lực: từ trời [Thiên Chúa] và từ con người. Như vậy, Chúa Giêsu khẳng định quyền lực luôn được ban cho: có thể đến từ Trời [Thiên Chúa] hay từ con người. Tuy nhiên, nguồn gốc tối hậu của quyền lực đến từ Thiên Chúa. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta, nhất là những người đang phục vụ quyền bính, phải biết sử dụng quyền bính được trao cho mình theo thánh ý Chúa. Để làm được điều đó, chúng ta phải chìm sâu trong đời sống cầu nguyện, phải có con tim rộng mở trước những dấu chỉ thời đại, và nhất là có sự cảm thông liên đới với những anh chị em chúng ta được sai đến để phục vụ.
Chi tiết thứ hai chúng ta có thể suy gẫm là phản ứng của các thượng tế và kỳ mục trước câu trả lời của Chúa Giêsu. Họ băn khoăn không thể đáp lại sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. Thay vì chất vấn Chúa Giêsu, thì họ lại bị chất vấn: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Còn nếu mình nói: ‘Do người ta’, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ.’ Họ mới trả lời Đức Giêsu: ‘Chúng tôi không biết’” (Mt 21:25-27). Sự chấn vấn của Chúa Giêsu dành cho các thượng tế và kỳ mục nhắc nhở họ về sự giới hạn trong hiểu biết về nguồn gốc của quyền lực. Chúng ta thấy ở đây sự trầm tư suy nghĩ của các thượng tế và kỳ mục về một việc mà các ông đã nhìn thấy, đó là việc Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Chúa Giêsu đã sử dụng những điều mà mắt họ thấy tai họ nghe để giúp họ hiểu về nguồn gốc đích thực của quyền bính. Nhưng điều đáng tiếc là họ đã không đủ can đảm để nhận rằng nguồn gốc của quyền bính là đến từ Thiên Chúa vì họ sợ khi làm như thế thì những quyền lợi của họ bị đe doạ. Đây cũng chính là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Vì sợ quyền lợi của mình bị đe doạ mà chúng ta đã không đủ can đảm để làm theo thánh ý Chúa. Hãy can đảm sống thật, nghĩ thật, nói thật vì Chúa luôn ban đủ ơn thánh cho chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB