Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Thiên Chúa Tỏ Lòng Thương Xót Những Ai Kính Sợ Ngài

(Ml 3:1-4.23-24; Lc 1:57-66)

Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Malakhi tuyên sấm về sứ giả được Chúa sai đi trước mặt Ngài. Chúng ta biết người được tuyên sấm ở đây chính là Gioan Tẩy Giả mà chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhiệm vụ của người sứ giả này là gì? Ngôn sứ Malakhi cho biết: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt” (Mlk 3:23-24). Trong những lời này, chúng ta được biết vai trò của sứ giả Thiên Chúa là mang lại sự sám hối và giao hoà. Đây cũng chính là vai trò của mỗi người Kitô hữu. Chúng ta cũng là những sứ giả của Thiên Chúa, được sai đi trước mặt Ngài để chuẩn bị một dân thánh thiện cho Ngài. Nhưng nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta tự hỏi: có phải tôi là sứ giả của sự sám hối và hoà giải không? Hay ở đâu có tôi hiện diện, ở đó chỉ có sự chia rẽ và phân tán?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta sự ra đời của vị tiền hô Chúa Giêsu, Gioan Tẩy Giả. Chi tiết đầu tiên gây chú ý cho chúng ta là sự ra đời của Gioan Tẩy Giả là dấu hiệu của lòng thương xót Thiên Chúa dành cho bà Êlisabét: “Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1:57-58). Những lời này cho thấy rằng sự đáp trả của con người trước hành động đầy yêu thương của Thiên Chúa là niềm vui. Nói cách khác, đứng trước những khó khăn mà với sức con người không thể làm được gì, Thiên Chúa sẽ can thiệp và làm cho mọi sự có thể, con người không có thái độ nào khác ngoài sự kinh ngạc và tràn đầy niềm vui. Trong cuộc sống, chúng ta cũng từng gặp những hoàn cảnh mà trong đó chúng ta nghĩ với sức mình, chúng ta không làm được gì. Nhưng rồi với ơn Chúa, chúng ta vượt qua những khó khăn đó cách tốt đẹp. Nhưng đáng buồn là đôi khi chúng ta không chân nhận đó là kỳ công của Thiên Chúa để đáp lại với tâm tình tạ ơn và vui mừng. Chúng ta quy chiếu mọi sự về mình và xem đó là thành quả của công việc tay mình làm ra. Những người sống vui và hạnh phúc thật là những người nhận ra mọi sự đến từ Thiên Chúa, nhất là trong những hoàn cảnh mà với sức của mình, họ không thể làm được gì.

Điểm thứ hai chúng ta quan tâm là phép cắt bì và đặt tên: “Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: ‘Không được! Phải đặt tên cháu là Gioan.’ Họ bảo bà: ‘Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.’ Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: ‘Tên cháu là Gioan.’ Ai nấy đều bỡ ngỡ” (Lc 1:59-63). Sự kiện cắt bì và đặt tên của Gioan Tẩy Giả đi song song với sự kiện cắt bì và đặt tên của Chúa Giêsu trong Lc 2:21. Qua phép cắt bì, cả Chúa Giêsu và Gioan tẩy Giả được ‘tháp nhập’ vào trong dân Israel. Theo các học giả Kinh Thánh, đối với Thánh Luca, Kitô giáo, một cách hợp lý, là phát xuất từ Do Thái giáo, cho nên những người khởi đầu và thành lập Kitô giáo phải cho thấy mình thuộc về Do Thái giáo. Trong bí tích rửa tội, chúng ta cũng được tháp nhập vào Hội Thánh và chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Chúng ta đã sống thực tại này như thế nào? Còn đối với việc đặt tên, theo truyền thống người Do Thái, tên diễn tả con người. Tên Gioan có nghĩa là ‘Yahweh đã tỏ lòng thương.’ Chúng ta thấy trong sự kiện đặt tên cho Gioan một sự giằng co: làm theo truyền thống hay không theo truyền thống. Cuối cùng, điều chúng ta thấy ở đây là ‘làm theo thánh ý Thiên Chúa.’ Thật sự, nhiều khi chúng ta có thái độ chống lại truyền thống hoặc nhân danh truyền thống để không đón nhận sự thay đổi. Chi tiết đặt tên cho Gioan Tẩy Giả nhắc nhở chúng ta rằng làm theo truyền thống hay không theo truyền thống không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng ở đây là điều đó có theo thánh ý Thiên Chúa hay không. Nếu không theo thánh ý Thiên Chúa thì chúng ta không cần phải thực hiện. Nhưng nếu đó là thánh ý Thiên Chúa thì dù có bị ‘chống đối,’ chúng ta cũng phải thực hiện.

Cuối cùng, việc ra đời của ‘tiếng kêu trong hoang địa’ đã làm cho ông Dacaria mở miệng tôn vinh Thiên Chúa: “Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1:64). Lời đầu tiên Dacaria nói sau khi nhìn thấy kỳ công Chúa thực hiện là lời chúc tụng. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ sống của mình. Chúng ta cũng thấy nhiều kỳ công Chúa thực hiện trong ngày sống của mình, nhưng tâm tình của chúng ta có phải là tâm tình chúc tụng không? Bên cạnh đó, chúng ta cũng được nhắc nhở sử dụng lời ăn tiếng nói của mình để tôn vinh Thiên Chúa hơn là làm tổn thương anh chị em mình. Sự kiện sinh ra của Gioan Tẩy Giả đã là sứ điệp ‘sám hối’ vì “láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: ‘Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?’ Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1:65-66). Qua việc sinh ra của mình, Gioan đã làm nhiều người quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Thánh nhân làm được điều này vì ngài có bàn tay Thiên Chúa phù hộ. Bàn tay Thiên Chúa cũng luôn phù hộ chúng ta, vậy cuộc sống của chúng ta đã có đủ sức thuyết phục người khác đến với Chúa không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB