Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật V Phục Sinh – Tuân Giữ Các Điều Răn Của Chúa Giêsu Và Ở Lại Trong Tình Yêu Của Ngài

(Cv 14:5-18; Ga 14:21-26)

Người theo Chúa Giêsu là người chia sẻ cùng số phận với Ngài: bị hạ nhục và bắt bớ. Đây chính là điều Chúa Giêsu hứa với các môn đệ trong các mối phúc và khi Phêrô hỏi Ngài, họ sẽ được gì khi bỏ mọi sự mà đi theo Ngài (x. Mc 10:30). Phaolô và Banaba cảm nghiệm được điều này tại Icôniô khi họ bị “những người ngoại và những người Do Thái, cùng với các thủ lãnh của họ, mưu toan làm nhục và ném đá” (Cv 14:5). Nhưng điều đó không làm cho các ngài ngừng việc rao giảng Tin Mừng. Chính sự kiên trì của các ngài mà Tin Mừng được loan đi đến tận cùng trái đất. Điều này khích lệ chúng ta tiếp tục can đảm và mạnh mẽ khi bị chống đối vì Danh Chúa. Nhiều khi chúng ta ngừng làm việc tốt khi bị người khác “nói ra nói vào.” Chúng ta chỉ ngừng làm việc xấu, chứ không ngừng làm việc tốt, việc đẹp lòng Chúa dù người khác, trong sự ghen tỵ của họ, nói không tốt, không hay về chúng ta.

Một điểm khác chúng ta có thể rút ra trong bài đọc 1 hôm nay để suy gẫm. Đó là thái độ của Phaolô và Banaba sau khi chữa lành anh què và được tôn vinh như thần thánh. Câu chuyện chữa lành rất quen thuộc với chúng ta. Dường như câu chuyện này lặp lại [cùng cốt chuyện] với câu chuyện Thánh Gioan trình thuật trong Tin Mừng của Ngài về việc Chúa Giêsu chữa lành anh què ở Cửa Chiên (x. Ga 5:1-18) và câu chuyện Phêrô [và Gioan] chữa lành anh què ở Cửa Đẹp (x. Cv 3:1-10). Sau khi chứng kiến Phaolô chữa lành anh què, “đám đông hô lên bằng tiếng Lycaonia: ‘Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!’” và như thế họ tôn thờ Phaolô và Banaba như thần thánh. Khi chứng kiến điều này, các ngài không cảm thấy được “vinh dự,” nhưng cảm thấy “bất công” cho Thiên Chúa. Các ngài khiêm nhường nhìn nhận mình chỉ là những người phàm, những khí cụ trong tay Thiên Chúa để mang Tin Mừng của Ngài đến cho họ, để họ “bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó” (Cv 14:15). Các ngài “phải vất vả mới can được đám đông không dâng lễ tế cho hai ông” (Cv 14:18). Điều này nhắc nhở chúng ta về thực tế trong cuộc sống, nhất là khi chúng ta phục vụ dân Chúa. Khi chúng ta phục vụ, có thể có nhiều người sẽ “tôn sùng” chúng ta như thần thánh. Nhiều lúc chúng ta “ngủ quên” trong chiến thắng mà không nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta làm là nhờ ơn Chúa; mọi vinh quang, danh dự và tôn vinh đều thuộc về Ngài. Đừng thu gom vinh quang và tôn sùng cho chính mình, nhưng hãy làm mọi sự để danh Chúa được tôn vinh.

Thứ bảy tuần trước, trong câu trả lời cho Philipphê, Chúa Giêsu đã bắt đầu lời hứa cho các môn đệ. Ngài hứa sẽ làm bất cứ điều gì họ xin cùng Chúa Cha nhân danh Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hứa sẽ xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ để dạy các môn đệ mọi điều và sẽ làm cho họ nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã nói với họ (x. Ga 14:26). Đây là điều sẽ chi phối chúng ta trong những ngày tới khi chúng ta suy gẫm các bài Tin Mừng chuẩn bị chúng ta đón mừng cách trọng thể Lễ Hiện Xuống.

Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã nghe các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về những vấn đề khác nhau. Khi Chúa Giêsu nói đến việc Ngài sẽ đi dọn chỗ và sẽ trở lại đón các môn đệ thì Tôma hỏi, làm sao họ có thể biết đường để đi đến nơi Chúa Giêsu muốn các ông ở với Ngài; khi Chúa Giêsu nói về việc các môn đệ biết và thấy Chúa Cha thì Philipphê xin Chúa Giêsu tỏ cho họ thấy Chúa Cha; và hôm nay, khi Chúa Giêsu nói đến việc Ngài sẽ tỏ mình ra cho những người yêu mến Ngài, thì Giuđa đã hỏi tại sao Ngài chỉ tỏ mình ra cho họ mà không tỏ mình ra cho thế gian (x. Ga 14:22). Như vậy, những câu hỏi của các môn đệ xoay quanh việc chỗ ở của Chúa Giêsu mà Ngài muốn ở với họ; đây cũng là điều các ông hỏi Chúa Giêsu khi các ông theo Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1:38). Giờ đây, chúng ta cùng nhau phân tích bài Tin Mừng hôm nay để rút ra những sứ điệp cần thiết cho ngày sống.

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần 1 (Ga 14:21), Chúa Giêsu dạy các môn đệ về mối tương quan giữa việc tuân giữ các điều răn của Ngài và tình yêu mà Chúa Cha và Ngài dành cho người đó và cũng là tình yêu người đó dành cho Ngài và Chúa Cha; và phần 2 (Ga 14:22-25) trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Giuđa.

Ngày nay, nhiều người trong chúng ta, ngay cả những người sống đời thánh hiến, xem việc tuân giữ luật lệ là một việc “gượng ép” và là một gánh nặng. Luật lệ là cái gì đó lấy mất đi tự do của con người hơn là giải phóng con người. Nhưng trong lời khuyên các môn đệ hôm nay, Chúa Giêsu muốn các ông “có và giữ” các điều răn của Ngài như lối diễn tả tình yêu của họ cho Chúa Cha và Ngài: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14:21).

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Giuđa xảy ra như sau: Sau khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ là Ngài sẽ yêu mến và tỏ mình ra cho những ai tuân giữ các giới răn của Ngài như lối diễn tả tình yêu của họ dành cho Ngài và Chúa Cha thì:

Giuđa hỏi: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” (Ga 14:22).

Chúa Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:23-26).

Khi đọc cuộc đối thoại này, chúng ta thấy hình như câu hỏi và câu trả lời không có ăn khớp với nhau: Trong câu hỏi, Giuđa muốn biết lý do tại sao Chúa Giêsu chỉ tỏ mình ra cho họ mà không tỏ mình ra cho thế gian, còn Chúa Giêsu nói đến tương quan giữa việc tuân giữ lời Ngài và tình yêu. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc và suy gẫm những lời trên, chúng ta thấy rằng, Chúa Giêsu đã trả lời câu hỏi của Giuđa bằng cách khẳng định Ngài tỏ mình ra cho thế gian qua chính các ông với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB