Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật VII Thường Niên – Cầu Nguyện Là Vũ Khí Chống Lại Ma Quỷ

(Hc 1:1-10; Mc 9:14-29)

Chúng ta bắt đầu nghe bài đọc 1 từ sách Huấn Ca. Sách Huấn Ca là một trong những sách dài nhất trong Kinh Thánh. Nó chứa đựng phần lớn văn chương khôn ngoan của dân Do Thái. Tựa đề của sách mang tiếng Hípri là “Sự Khôn Ngoan của Yeshua [Jesus] ben [con của] Eleazar ben Sira.” Sách được dịch sang tiếng Hy Lạp là “Sirach” hoặc “Ecclesiasticus” [có thể có nghĩa là “Giáo Hội”]. Theo các học giả Kinh Thánh, tác giả của sách Huấn Ca là Ben Sira, sống khoảng thế kỷ thứ 3 đến đầu thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Ông ta là người ở Giêrusalem, tận hiến cuộc đời cho việc nghiên cứu và học hỏi Lề Luật, Ngôn Sứ và trở thành nhà thông luật và bậc thầy rất được kính trọng. Ông viết sách Huấn Ca với mục đích chứng minh rằng lối sống của người Do Thái thì cao cả và đáng ca ngợi hơn văn hoá Hy Lạp. Nói cách khác, ông ta muốn chứng minh rằng, sự khôn ngoan đích thật chỉ có thể được tìm thấy ở Giêrusalem, chứ không phải ở Athen. Vì vậy, những người Do Thái chân thật không nên chiều theo cám dỗ sống theo lối sống của người Hy Lạp. Điều này nhắc nhở chúng ta, những người Kitô hữu rằng: Sự khôn ngoan chỉ tìm thấy nơi Đức Giêsu Kitô, và nếu là người môn đệ chân thật của Ngài, chúng ta không nên chiều theo cám dỗ để sống lối sống không xứng hợp với bậc sống của mình.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ben Sira trình bày cho chúng ta nguồn gốc của sự khôn ngoan: Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời” (Hc 1:1). Ai trong chúng ta cũng muốn được khôn ngoan. Chúng ta đi tìm sự khôn ngoan trong sách vở, hoặc tốn nhiều tiền để mời những người có học thức và khôn ngoan hầu mong cũng học được một ít khôn ngoan từ họ. Nhưng càng tìm sự khôn ngoan nơi người đời, mà không tìm khôn ngoan nơi Đức Chúa, thì sự khôn ngoan của chúng ta sẽ chóng tàn vì sự khôn ngoan của con người cũng chỉ là kết quả của việc quan sát sự tuần hoàn luân chuyển của vũ trụ. Nói cách khác, khôn ngoan của con người cũng chỉ là sự chia sẻ trong sự khôn ngoan của Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật: Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ, ngự trên ngai của Người. Đó chính là Đức Chúa. Người đã tạo dựng, đã thấy, đã đếm và làm cho khôn ngoan nổi bật trên mọi công trình, nơi mọi phàm nhân, theo lòng quảng đại của Người, và Người đã rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người” (Hc 1:8-10). Như vậy, muốn được khôn ngoan, hãy chìm sâu trong đại dương của tình yêu Thiên Chúa, trong cầu nguyện. Đây chính là nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay.

Trích đoạn của Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu chữa lành một đứa trẻ bị quỷ câm ám. Câu chuyện này đáng lưu ý vì nó dài và được kể lại cách chi tiết. Chúng ta cũng tìm thấy câu chuyện này trong Tin Mừng Mátthêu (17:14-21) và Luca (9:37-43a). Câu chuyện bắt đầu với các câu 14-19 và kết với các câu 28-29 với sự tập trung vào việc các môn đệ không có khả năng để chữa lành đứa trẻ; ở giữa câu chuyện (9:20-27), người cha và cậu bé là những nhân vật chính. Trọng điểm của câu chuyện là cuộc đối thoại giữa người cha với Chúa Giêsu (9:21-24) mà chúng ta chỉ tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô. Lời tuyên xưng đức tin của người cha dần xuất hiện như là yếu tố cần thiết trong tiến trình chữa lành. Việc các môn đệ không có khả năng để thực hiện việc chữa lành cuối cùng được giải thích với sự quy chiếu về việc chỉ dựa vào quyền năng của Thiên Chúa (9:29).

Câu chuyện được đặt ngay sau biến cố Chúa Giêsu biến hình và câu hỏi về Elia (9:1-13). Khi Chúa Giêsu “và ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông” (9:14). Nội dung của cuộc tranh luận giữa các kinh sư với chín môn đệ còn lại của Chúa Giêsu là việc các môn đệ không có khả năng chữa lành cậu bé bị quỷ ám: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi” (9:17-18). Chi tiết đáng lưu ý ở đây là khi Chúa Giêsu ‘không ở chung với họ,’ các môn đệ không thể thực hiện việc chữa lành. Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc liên lỉ kết hợp với Chúa Giêsu nếu chúng ta muốn thực hiện những việc Chúa Giêsu làm. Đứng trước sự bất lực của các môn đệ, Chúa Giêsu không chỉ khiển trách các ông, mà khiển trách cả ‘thế hệ’ cứng lòng tin: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi” (9:19). Trong những lời này, Chúa Giêsu một cách mặc nhiên nói về tầm quan trọng của đức tin như là điều kiện cần thiết cho tiến trình chữa lành mà sẽ được vén mở trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người cha. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại này như sau:

Chúa Giêsu:      Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?

Người cha:       Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.

Chúa Giêsu:      Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.

Người cha:       Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!

Trong cuộc đối thoại này, chúng ta thấy nơi đức tin của người cha có chứa đựng một sự ‘không chắc chắn,’ tức là chưa hoàn toàn phó thác và tin tưởng. Điều này được diễn tả trong lời ‘nhưng nếu Thầy có thể làm được gì.’ Chúa Giêsu không nói với ông ta là Ngài có thể hay không có thể, mà Ngài nói ‘mọi sự đều có thể đối với Người tin.’ Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn nói với người cha rằng những người tin sẽ nhận biết Ngài có thể làm được hết mọi sự. Chính vì lời này mà người cha nhận ra rằng mình vẫn chưa hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu nên xin Ngài giúp cho lòng tin yếu kém của ông. Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, nhiều lần chúng ta không hoàn toàn đặt niềm tin vào Chúa Giêsu. Niềm tin của chúng ta vẫn pha lẫn với yếu tố không chắc chắn và nghi ngờ. Vì vậy, chúng ta cần phải khiêm nhường xin Chúa Giêsu giúp cho niềm tin yếu kém của chúng ta.

Câu chuyện kết thúc bằng việc tập trung lại về các môn đệ. Nếu chúng ta lưu ý cẩn thận, chúng ta nhận ra câu chuyện được bắt đầu với Chúa Giêsu và các môn đệ và kết cùng một cách thức như thế. Đây là lối viết ‘bánh mì kẹp’ quen thuộc. Như thế, câu chuyện này nói về tình trạng của các môn đệ, cụ thể hơn là niềm tin của các môn đệ vào Chúa Giêsu. Họ vẫn chưa hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào Ngài, vì vậy họ không thể thực hiện những điều mà Ngài sai họ đi thi hành, nhất là việc chữa lành. Với những lời “giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (9:29), Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ về việc chỉ dựa vào quyền năng của Thiên Chúa trong tất cả những gì mình làm. Trong cuộc sống, chúng ta có hoàn toàn dựa vào ơn Chúa để thi hành những công việc thường ngày của chúng ta không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB