Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XIII Thường Niên – Tương Quan Với Chúa Là Quan Trọng Nhất

(Am 2:6-10.13-16; Mt 8:18-22)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Amốt nói về những lỗi phạm của con cái Israel và những kỳ công Chúa đã thực hiện. Những lỗi phạm của con cái Israel bao gồm: “Vì chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày. Vì chúng đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen và xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ. Vì cả con lẫn cha đi lại với cùng một ả, mà làm ô nhục danh thánh của Ta. Vì y phục người ta cầm cố, chúng nằm lên trên, ngay bên mọi bàn thờ, và rượu của người bị nộp phạt, chúng đem uống tại đền thờ Thiên Chúa của chúng” (Am 2:6-8). Con cái Israel phạm đến những lỗi trên là vì họ quên đi những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho họ, đó là “diệt trừ người Amôri” và đem dân Israel “ra khỏi Aicập, dẫn các ngươi đi trong sa mạc bốn mươi năm trường để các ngươi chiếm hữu đất của người Emôri” (Am 2:16). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thân phận yếu đuối của mình, đó là chúng ta cũng hay quên những kỳ công Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta quên Chúa, chúng ta dễ dàng chạy theo những thú vui trần thế và sống bất công với anh chị em của mình. Vì vậy, hãy luôn nhớ đến Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Chỉ có như thế chúng ta mới luôn bước đi trong đường lối của Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc theo Chúa Giêsu. Chúng ta tìm thấy trình thuật tương tự trong Tin Mừng Thánh Luca (9:57-62). Đó là trình thuật trong Cựu Ước được tìm thấy trong sách Các Vua Quyển Thứ Nhất (1 V 19:19-21), trình bày Ngôn sứ Êlia gọi Êlisa trở thành ngôn sứ [chúng ta nghe trong bài đọc 1 ngày hôm qua]. Khi so sánh bản văn Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta nhận ra rằng trường hợp Êlisa đi theo Êlia không bị đòi hỏi nhiều như trong trường hợp của người môn đệ Chúa Giêsu, vì Êlia cho phép Êlisa về chào tạm biệt gia đình, còn Chúa Giêsu thì không. Nói như vậy không có nghĩa là ơn gọi trong Cựu Ước [phản chiếu trong ơn gọi Êlisa] không từ bỏ tận căn. Sự tận căn được diễn tả qua việc Êlisa đốt cày là phương tiện kiếm sống hằng ngày. Điều khác biệt được quyết định ở sự “khẩn cấp” của việc loan báo Tin Mừng [như chúng ta đã trình bày ngày hôm qua].

Khi so sánh bản văn của Tin Mừng Thánh Mátthêu với bản văn của Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta thấy những khác biệt sau: (1) Trong bản văn của Tin Mừng Thánh Luca, có đến ba người theo Chúa [hai người tự nguyện theo và một người được gọi theo]. Họ không được nêu danh. Còn trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, chỉ có hai người [cả hai tự nguyện đi theo Chúa Giêsu]. Danh tánh của họ được nêu ra, đó là một kinh sư và một môn đệ. Thánh Mátthêu thêm vào thuật ngữ chuyên môn “kinh sư” hay “thầy dạy” trong Tin Mừng của mình. Khi người kinh sư nói: “Tôi sẽ theo Ngài,” điều này đồng nghĩa với “tôi sẽ là môn đệ của Ngài.” Như chúng ta biết, kinh sư là người lãnh đạo cộng đoàn, là người dạy dỗ người khác. Trong bối cảnh này, câu ông nói hàm chứa sự “tự hạ”: từ một người thầy dẫn đường người khác, ông hạ mình xuống để “được dạy” và “được Chúa Giêsu dẫn đường.” Nhìn tứ khía cạnh khác, ông đã “nhận ra Chúa Giêsu là thầy dạy đích thật.” Điều này nhắc nhở chúng ta về cuộc sống của mình. Nhiều khi chúng ta cũng có khuynh hướng xem mình là những nhà chuyên môn, những người hướng dẫn người khác. Dần dần chúng ta lấy công trạng cho riêng mình, dẫn người khác đi theo mình hơn là đến với Chúa hoặc đi theo Chúa. Trong bối cảnh theo Chúa, hoặc làm thế nào để sống một cuộc sống đẹp lòng Chúa, chúng ta nhận ra rằng, chuyên môn không quan trọng cho bằng để cho Chúa Giêsu hướng dẫn. Chúng ta cần phải nhớ chân lý này: Những người để Chúa hướng dẫn mới có thể hướng dẫn người khác. Chúng ta cùng nhau phân tích chi tiết hơn hai đối thoại về “ơn gọi” để rút ra những điều hữu ích cho việc theo Chúa của mình.

Trong trường hợp thứ nhất, khi người kinh sư xin theo Ngài, Chúa Giêsu dùng lối nói biểu tượng lấy từ thiên nhiên để nói về những đòi buộc Ngài muốn nơi người môn đệ: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8:20). Khi nói những lời này, Chúa Giêsu khuyến cáo người kinh sư [các môn đệ và những người muốn theo Ngài] rằng cuộc sống theo Ngài là một cuộc sống không cố định, luôn di chuyển và gặp nhiều nguy hiểm. Đây là một cuộc sống mà Ngài đang sống. Đi theo Chúa Giêsu là luôn “trên đường,” luôn “sẵn sàng đón nhận những bất tiện của hành trình.” Những người tìm tiện nghi, an nhàn cho cuộc sống sẽ gặp thất vọng khi theo Chúa Giêsu. Một chi tiết khác trong câu nói của Chúa Giêsu là việc Ngài sử dụng từ “Con Người” lần đầu tiên trong Tin Mừng Thánh Mátthêu ở đây. Từ này chỉ được tìm thấy trên môi miệng của Chúa Giêsu trong các Tin Mừng. Đây là dữ liệu phản ánh một truyền thống chân thật về việc Chúa Giêsu dùng ngôn từ này để nói về chính mình. Từ “Con Người” ở đây hàm chứa hình ảnh người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa trong sách Ngôn sứ Isaia. Như vậy, theo Chúa Giêsu là sống cuộc đời người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã sống.

Trường hợp thứ hai xảy ra cho một người môn đệ đã theo Ngài. Với một người đã theo Ngài, Chúa Giêsu đòi hỏi nơi họ một sự từ bỏ tận căn hơn. Người môn đệ chỉ xin Chúa Giêsu cho phép về chôn cất người cha đã mất. Đây là một thỉnh cầu hết sức tự nhiên, hết sức nhân bản, hết sức con người [đầy tình người]. Tại sao Chúa Giêsu lại không cho phép? Có phải Chúa Giêsu quá tàn nhẫn? Hay có điều gì được hàm chứa sau lời thỉnh cầu của người môn đệ? Chúng ta đọc lại câu thỉnh cầu: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã” (Mt 8:21). Cái sai trong lời thỉnh cầu của người môn đệ hệ tại ở chữ “trước.” Trong lời thỉnh cầu này, người môn đệ ám chỉ rằng việc “chôn cất cha” phải có vị trí cao hơn việc “là môn đệ của Chúa Giêsu.” Nói cách khác, “tương quan tự nhiên” với gia đình phải được đặt lên trước tương quan [siêu nhiên] với Thiên Chúa [Chúa Giêsu]. Đứng trước thái độ này, Chúa Giêsu khẳng định lại vị trí tối thượng của Thiên Chúa trên tất cả mọi tương quan: Đối với người môn đệ [người theo Ngài], tương quan với Thiên Chúa phải chiếm vị trí ưu việt nhất. Điều này được Chúa Giêsu diễn tả qua mệnh lệnh: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Mt 8:22). Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu muốn nơi người môn đệ một con tim không phân chia, một sự kiên định trong chọn lựa của mình. Là những người theo Chúa Giêsu, chúng ta đang sống các mối tương quan của chúng ta thế nào? Việc theo Chúa có phải là ưu tiên hàng đầu của chúng ta không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB