(St 28:10-22a; Mt 9:18-26)
Sau khi “lừa dối” cha để được chúc lành, Giacóp phải trốn chạy khỏi Êsau để giữ tính mạng mình. Câu chuyện trong bài đọc 1 xảy ra trong bối cảnh Giacóp đang trên đường đến Kharan, nơi người cậu Laban đang sinh sống. Trong hành trình “chạy trốn,” một giấc chiêm bao kỳ lạ xảy ra. Trong chiêm bao đó, Giacóp đã nghe được lời hứa mà Đức Chúa đã hứa với ông nội Abraham và cha là Ixaác: Đức Chúa hứa ban cho Giacóp đất và dòng dõi. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta lưu ý là cấu trúc của đoạn trích. Câu 10-15 nói về bối cảnh và những điều xảy ra trong chiêm bao, còn câu 16-22a trình bày những gì Giacóp làm sau chiêm bao. Từ cấu trúc này, chúng ta có thể rút ra những điểm tương đồng để suy gẫm sau:
Thứ nhất, nơi chốn và cách thức gặp Chúa: Hình ảnh Giacóp “đến một nơi kia” (câu 11). Nơi kia là nơi nào? Các học giả Kinh Thánh đồng hoá “nơi kia” với Bethel, có nghĩa là “nhà Thiên Chúa.” Nhìn từ khía cạnh này, Giacóp nghỉ đêm ở trong “nhà Thiên Chúa.” Chi tiết này được Giacóp chứng thực sau khi thức dậy: “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!” (St 28:16) và “Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác” (St 28:17). Những lời này ám chỉ rằng mọi nơi là nhà của Ngài, nhưng chúng ta chỉ gặp Chúa nơi Ngài muốn, chứ không phải nơi chúng ta muốn. Hơn nữa, cách thức Đức Chúa gặp gỡ chúng ta cũng do Ngài chọn. Ngài đến với Giacóp trong một giấc chiêm bao. Ngài có nhiều cách để đến gặp con người. Liệu chúng ta có bén nhạy đủ hầu nhận ra Ngài không?
Thứ hai, Chúa luôn ở với con người: Đây là điệp khúc trong Tin Mừng [“Ta ở với ngươi”]. Trong giấc mơ, Đức Chúa khẳng định với Giacóp rằng: “Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi” (St 28:15). Sau khi thức dậy, đây cũng là điều Giacóp cầu xin: “Nếu Thiên Chúa ở với tôi và giữ gìn tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu Người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an, thì Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi, hòn đá này là hòn đá tôi đã dựng lên làm trụ sẽ là nhà của Thiên Chúa” (St 28:20-22a). Trong lời cầu của mình, Giacóp mô tả dấu hiệu “Chúa ở với ông” qua ba công việc cụ thể: gìn giữ ông trong chuyến đi, ban cho ông bánh ăn áo mặc, trở về nhà cha ông được bình an. Những điều này có vẻ rất gần gũi với chúng ta hôm nay. Nhiều khi chúng ta cũng tìm kiếm dấu hiệu cho thấy Chúa ở với mình. Nhưng chúng ta thường tìm những dấu hiệu đó trong những “phép lạ” hay những công việc vĩ đại, ngoại thường, chứ không phải trong những gì nhỏ bé hằng ngày. Hãy dừng tìm và cảm nghiệm việc Chúa “ở với tôi” trong những tư tưởng thần học cao siêu hay trong những “giây phút xuất thần” khi cầu nguyện [điều rất hiếm hoặc không bao giờ xảy ra]. Nhưng hãy tìm và cảm nghiệm cách sâu xa việc Chúa “luôn ở với tôi từ rạng đông cho đến lúc chiều tà” qua hơi thở và nhịp đập con tim, qua những người và sự kiện bình thường trong ngày sống.
Cuộc tranh luận thứ ba về ăn chay với các môn đệ ông Gioan vừa kết thúc, Chúa Giêsu chứng minh lời dạy của Ngài trước ba nhóm [Kinh sư, Pharisêu, và môn đệ của ông Gioan] qua việc chữa lành. Bài Tin Mừng hôm nay là phiên bản tóm gọn của Thánh Mátthêu về cùng câu chuyện được Thánh Máccô thuật lại (Mc 5:21-43). Trong bài Tin Mừng, một phép lạ chữa lành khác [chữa lành người đàn bà bị băng huyết] được đặt vào giữa hai phần của câu chuyện chữa người con gái vị thủ lãnh. Hai người phụ nữ được chữa lành. Điểm đáng lưu ý ở đây về hai người phụ nữ này là một người “chủ động” trong việc tìm kiếm sự chữa lành từ Chúa Giêsu, còn người kia thì “bị động,” nên người cha là người đến xin chữa lành; một người đã trưởng thành, còn một người trong tuổi vị thành niên. Chúng ta phân tích hai câu chuyện chữa lành này để khám phá ra sứ điệp Chúa Giêsu nói với chúng ta ngày hôm nay.
Trong câu chuyện chữa lành người con gái vị thủ lãnh, chi tiết quan trọng đầu tiên là lời thỉnh cầu của người cha: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống” (Mt 9:18). Trong câu này, Thánh Mátthêu đề cao đức tin của vị thủ lãnh bằng việc đặt vào miệng ông lời chân nhận sau: “con gái tôi vừa mới chết.” Chi tiết này khác với các Tin Mừng Nhất Lãm khác [“con gái tôi bị ốm”]. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, thông tin con gái ông chết được đưa đến sau này qua gia nhân. Khi nghe ông nài xin, Chúa Giêsu “đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người” (Mt 9:18). Tại sao Chúa Giêsu lại đi khi đã biết con ông thủ lãnh đã chết? Tại sao các môn đệ không ngăn cản Ngài vì đây không đơn giản chỉ là chữa bệnh mà làm cho người chết sống lại? Điều này được lý giải qua câu chuyện được thêm vào ở giữa, đó là việc chữa lành người đàn bà bị băng huyết.
Theo luật Do Thái, người bị băng huyết là người luôn sống trong tình trạng ô uế. Giống như người phong cùi, người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay thuộc thành phần bị loại ra bên lề xã hội. Trong Acts of Pilate (“Công vụ của Philatô’), người đàn bà này có tên là Bernice. Sử gia Eusebius thuật lại câu chuyện này. Ông cho rằng bà là một người ngoại giáo từ Caesarea Philippi. Trong bài Tin Mừng, hành vi của bà nói đến một niềm tin lớn lao hơn cả niềm tin của vị thủ lãnh. Niềm tin của bà không diễn tả ra bên ngoài, nhưng âm thầm mãnh liệt bên trong. Bà không muốn Chúa Giêsu bị “ô uế” vì nếu bà xin Chúa Giêsu, mà Ngài chạm đến bà thì Ngài sẽ bị ô uế. Thay vì để Chúa Giêsu chạm đến mình, bà “chạm” vào Chúa Giêsu: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Người thôi là sẽ được cứu chữa!” Đây là một hành vi hoàn toàn khác với các lần Chúa Giêsu chữa lành. Thường Chúa Giêsu chạm đến người muốn được chữa lành, còn trong trường hợp này, bà là người chạm. Ngay khi bà chạm vào Chúa Giêsu, bà được “thanh sạch”: “ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa” (Mt 9:22). Chạm đến Chúa Giêsu làm cho bà được thanh sạch! Chúng ta có chạm đến Chúa không? Mỗi khi rước lễ [mỗi khi cầu nguyện], chúng ta chạm đến Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta có trở nên thanh sạch không? Tuy nhiên, điều chúng ta lưu ý ở đây là hình ảnh máu. Theo người Do Thái, máu là hình ảnh của sự sống. Như vậy, mất máu [băng huyết] đồng nghĩa với chết, chứ không chỉ mang nghĩa ô uế. Nói cách khác, người phụ nữ “sống như đã chết.” Thật vậy, bà đã chết với người khác vì bà “muôn đời” bị xem là người ô uế, người bị loại ra khỏi đời sống cộng đoàn. Khi Chúa Giêsu chữa lành bà, Ngài mang lại sự sống cho bà. Chúa Giêsu đã làm cho bà sống lại, hội nhập bà vào đời sống cộng đoàn [là yếu tố “sống còn” của con người được hiểu trong thời gian đó]. Nhìn từ khía cạnh này, khi chữa lành người đàn bà bị băng huyết, Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài có quyền năng làm cho người chết sống lại [ngài có thể ban sự sống].
Thật vậy, câu chuyện chữa người đàn bà băng huyết nói đến quyền năng của Chúa Giêsu có thể mang lại sự sống. Chi tiết này chuẩn bị thính giả đón nhận mà không nghi ngờ việc Chúa Giêsu cho người con gái của vị thủ lãnh trỗi dậy. Trong câu nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một định nghĩa về sự chết. Đối với Ngài, sự chết được xem như “tình trạng ngủ.” Tuy nhiên, chi tiết đáng lưu ý là “Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy” (Mt 9:25). Chi tiết này hoàn toàn trái ngược với việc chữa lành người đàn bà bị băng huyết: Ngài chạm đến con bé và nó được chữa lành [sống lại] – người đàn bà băng huyết chạm vào Chúa Giêsu và bà được chữa lành [sống lại]. Hai chi tiết này nói với chúng ta một điều: Chạm đến Chúa Giêsu hay được Chúa Giêsu chạm đến đều mang lại một hiệu quả, đó là ơn chữa lành, sự sống của Ngài. Nhiều lúc trong cuộc đời, chúng ta mệt mỏi không đủ sức để chạm đến Chúa, hãy để Chúa chạm đến chúng ta. Hãy “cho phép” Chúa Giêsu yêu chúng ta trong những khi chúng ta thất vọng, không còn “yêu Ngài đủ”!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB