Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XV Thường Niên – Đón Tiếp Mọi Người Với Con Tim Rộng Mở

(Xh 1:8-14.22; Mt 10:34 – 11:1)

Chúng ta đang nghe về lịch sử dân tộc Israel. Trong những tuần vừa qua, chúng ta đã nghe về câu chuyện các tổ phụ được trình thuật trong sách Sáng Thế. Hôm nay, bài đọc 1 bắt đầu trình bày việc Thiên Chúa thiết lập Israel thành dân riêng và bắt đầu hành trình vào đất hứa. Trong bối cảnh gần của câu chuyện, tác giả sách Xuất Hành kể chúng ta nghe về lý do ban đầu dẫn đến cuộc xuất hành của dân Israel ra khỏi Ai Cập. Một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc áp bức của con cái Israel là: “Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai Cập, vua này không biết ông Giuse” (Xh 1:8). Chi tiết này cho thấy nước Ai Cập thay đổi vua. Theo các học giả Kinh Thánh, vị vua này có thể không phải là người Ai Cập. Vì không biết Giuse, nên ông bắt đầu hành hạ dân Israel bằng những việc khổ sai (x. Xh 1:11). Không những thế, dân Israel còn bị cưỡng bách phải lao động cực nhọc. Cuộc đời họ trở nên cay đắng. Tuy nhiên, “chúng càng hành hạ họ, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn, khiến chúng đâm ra sợ con cái Israel” (Xh 1:12). Chi tiết nay cho thấy: Không có gì có thể cản trở lời mà Thiên Chúa đã hứa với Abraham là con cháu ông sẽ đông đúc như sao trên bầu trời và như cát ngoài biển. Dù cuộc sống có khổ cực và cay đắng thế nào đi nữa, Thiên Chúa sẽ luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Những chi tiết tiết trên an ủi chúng ta thật nhiều khi cuộc sống trở nên nặng nề, nhiều cay đắng và khó khăn. Dù có thế nào chúng ta cũng chắc chắn một điều là không có gì cản trở tình yêu và lời hứa mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

Câu cuối cùng trong bài đọc 1 cũng đáng để chúng ta lưu ý, đó là việc Pharaô “ra lệnh cho toàn dân của mình: “Mọi con trai Do Thái sinh ra, hãy ném xuống Sông Nin; mọi con gái thì để cho sống” (Xh 1:22). Điều này ngược với tư tưởng “trọng nam khi nữ” thời đó. Tuy nhiên, điều chúng ta lưu tâm là Pharaô cho mình quyền trên sự sống của người khác, nhất là của những kẻ vô tội. Chúng ta cũng thấy điều này xảy ra nhiều trong xã hội ngày hôm nay khi những người cướp đi sự sống của người khác không phải là kẻ thù, những chính là cha mẹ hoặc người thân. Khi một người không biết đến Chúa, không biết đến những kỳ công Chúa đã thực hiện, thì người đó thường biến mình thành chúa, không chỉ quyết định trên sự sống đời minh mà còn trên sự sống người khác. Ở nơi đâu Thiên Chúa không được biết đến, ở nơi đó con người sẽ trở nên bạo chúa.

Trong những ngày qua, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu dạy các môn đệ về việc rao giảng Tin Mừng. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục đề tài tuyên xưng Chúa Giêsu trước mặt người khác. Chúa Giêsu nói về “hậu quả” sẽ xảy đến cho người môn đệ khi tuyên xứng đức tin của mình vào Chúa Giêsu. Cấu trúc bài Tin Mừng hôm nay như sau: (1) Chúa Giêsu nói về sứ mệnh của mình (Mt 10:34-36), (2) các hành động của người môn đệ và phần thưởng tương xứng (Mt 10:37-42), (3) thánh sử nói về sứ mệnh của Chúa Giêsu. Khi nhìn cấu trúc này, chúng ta nhận ra cấu trúc “bánh mì kẹp quen thuộc vì nó mở đầu và kết thúc với sứ mệnh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta thấy có sự thay đổi trong bản chất của sứ mệnh: từ việc đem gươm giáo và chia rẽ đến dạy dỗ và rao giảng.

Bài Tin Mừng bắt đầu với việc Chúa Giêsu khẳng định cho các môn đệ về sứ mệnh của mình: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng” (Mt 10:34-35). Qua sứ mệnh của mình, Chúa Giêsu nói đến một thực tế hay đúng hơn một “hệ quả” của sứ mệnh của Ngài mà chính Ngài và các môn đệ phải đối diện, đó là, “kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10:36).

Chúng ta có thể nhận ra trong bài Tin Mừng hôm nay việc Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ những điều cần thiết để trở nên môn đệ của Ngài và những điều đáng được hưởng. Một cách cụ thể, bài Tin Mừng gồm hai phần: phần 1 (Mt 10:37-39) trình bày cho chúng ta những “loại người” không xứng đáng với Chúa Giêsu; phần 2 (Mt 10:40-42) nói về phần thưởng cho những người môn đệ Chúa Giêsu.

Trong phần 1, Chúa Giêsu cho chúng ta biết có ba “loại người” không xứng đáng với Ngài, đó là, (1) “yêu cha mẹ hơn thầy” – những người gắn bó với máu mủ hay yêu thương gia đình mình hơn Chúa Giêsu; (2) “yêu con trai con gái hơn thầy” – những người sống tình yêu nam nữ [tình yêu lãng mạn giữa nam nữ]; (3) “không vác thập giá mình mà theo Thầy” – đây là những người không chấp nhận mầu nhiệm đau khổ trong cuộc đời mình. Câu 39 trình bày về ba loại người này như những người “tìm giữ mạng sống mình.” Khi họ tìm giữ, họ sẽ mất; nhưng khi họ liều mất mạng sống mình “vì Chúa Giêsu,” họ sẽ tìm thấy được mạng sống họ. Khi nói điều này, Chúa Giêsu nói đến việc Ngài kêu gọi một số người theo Ngài một cách triệt để, đây là những người mà chúng ta có thể nói là sống đời sống thánh hiến.

Trong phần nói về phần thưởng, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc “đón tiếp”: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính” (Mt 10:40-41). Chỉ sau khi nói đến việc đón tiếp, Chúa Giêsu mới nói đến việc làm một việc gì đó nhỏ bé cho những người môn đệ Chúa Giêsu. Thật vậy, cuộc sống thường ngày dạy ta rằng, khi chúng ta không đón nhận hay đón tiếp một người thì chúng ta cũng không muốn làm gì cho họ, ngay cả một việc nhỏ nhất. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói cho chúng ta rằng khi chúng ta “cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:42). Kẻ bé nhỏ ở đây có thể ám chỉ các môn đệ hoặc tông đồ, nhưng theo các học giả Kinh Thánh, họ là những người không có học thức và thấp kém trong cộng đoàn. Chi tiết này cho thấy Thiên Chúa không để cho một việc nhỏ mà chúng ta làm cho người khác bị bỏ qua. Nếu Thiên Chúa thưởng công cho người cho người khác chén nước lã, thì Thiên Chúa sẽ thưởng nhiều như thế nào cho người bắt toàn bộ hệ thống nước cho toàn thành phố sử dụng!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB