Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XXII Thường Niên – Sứ Điệp Tin Mừng – Sứ Điệp Yêu Thương

(1 Cr 2:1-5; Lc 4:16-30)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Côrintô biết đâu là nội dung chính của sứ điệp Tin Mừng của Ngài. Sứ điệp Tin Mừng này không cần lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu để loan báo, nhưng cần đời sống khiêm nhường hoàn toàn tín thác và dễ dạy với Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô cũng chỉ rõ lý do tại sao sứ điệp này không cần dựa vào lời lẽ hùng hồn và triết lý cao siêu để loan báo, đó là để “đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2:5). Điều này nhắc nhở chúng ta về lối suy nghĩ thông thường của mình là phải nói hay, nói giỏi mới có thể thu hút người khác đến với Chúa. Nói hay nói giỏi là một món quà, nhưng điều đó có thể đưa chúng ta đến cám dỗ quy chiếu mọi thành công trong việc rao giảng về mình. Điều quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng là đời sống khiêm nhường, vì chỉ có khiêm nhường tự hạ chúng ta mới hiểu được mầu nhiệm của Thiên Chúa, mới hiểu được nội dung chính của sứ điệp Tin Mừng, đó là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh chứ không phải một mớ kiến thức của con người: “Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy” (1 Cr 2:2-3). Mầu nhiệm thập giá là mầu nhiệm tự hạ [kenosis]. Sứ điệp Tin Mừng, sứ điệp yêu thương đạt đến đỉnh cao nơi hình ảnh Đức Kitô chịu đóng đinh: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15:13). Trên thập giá, tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải cách trọn vẹn nhất. Để loan báo sứ điệp tình yêu này, chúng ta không cần lời nói hoa mỹ của con người, chúng ta chỉ cần đời sống yêu thương, khiêm nhường hoàn toàn tín thác vào Chúa.

Từ tuần này, chúng ta sẽ nghe từ Tin Mừng Thánh Luca. Sau khi mời gọi chúng ta suy gẫm những dụ ngôn về cánh chung trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, Giáo Hội đưa chúng ta về với đời sống thường ngày, với những con người quen thuộc mà chúng ta gặp gỡ thường ngày để khám phá ra ở đó sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với câu chuyện kể về việc Chúa Giêsu trở về “Nadarét, là nơi Người đã được dưỡng dục” (Lc 4:16). Chi tiết đầu tiên làm chúng ta lưu ý là việc Chúa Giêsu vào hội đường. Thánh Luca cho chúng ta biết đây là việc Ngài “vẫn thường làm trong ngày Sabát.” Ngài “đứng lên đọc sách thánh” và giải thích (x. Lc 4:16-19). Đây là lần đầu tiên trong sáu biến cố nói về công việc của Chúa Giêsu trong ngày sabbath (x. 4:31-37; 6:1-5; 6:6-11; 13:10-17; 14:1-6). Trong thế kỷ thứ nhất, hội đường là nơi tụ họp để hát thánh vịnh, đọc lời Shema và Mười Tám Lời Chúc Tụng, một bài đọc từ Torah [Sách Luật] và một bài đọc từ các ngôn sứ, một bài giảng về ý nghĩa của các bài đọc, chúc lành từ người chủ sự, và chúc lành của tư tế như được trình bày trong sách Dân Số 6:24-27. Những chi tiết trên trình bày cho chúng ta biết về thói quen của Chúa Giêsu trong ngày sabbath, đó là đọc, suy gẫm và giảng dạy lời Chúa. Là những môn đệ Chúa Giêsu [những người theo Chúa Giêsu], thói quen của chúng ta là gì?

Chi tiết thứ hai mà chúng ta cần lưu ý là việc Chúa Giêsu được trao cho cuốn sách ngôn sứ Isaia và Ngài mở ra, gặp đoạn nói về sứ mệnh của người được Thiên Chúa xức dầu: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Lc 4:18-19). Trong những lời này, chúng ta thấy sứ mệnh của Đấng được xức dầu là mang hồng ân của Thiên Chúa cho những ai kém may mắn về kinh tế [kẻ nghèo hèn], về thể lý [người mù] và về xã hội [kẻ bị giam cầm và người bị áp bức]. Nói cách khác, sứ mệnh của Đấng được xức dầu là được sai đến cho hết mọi người chứ không cho một nhóm người. Chúng ta cũng là những người đã được Chúa xức dầu trong phép rửa tội. Chúng ta cũng được sai đến với mọi người. Con tim chúng ta phải mở rộng để có thể đón nhận mọi người, không loại trừ ai. Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi coi mọi người như nhau, nhưng “quan tâm hơn” những người kém may mắn trong xã hội về kinh tế, thể lý, văn hoá hoặc thiêng liêng.

Chúng ta nhận ra tư tưởng thần học về lời hứa và sự hoàn thành của Chúa Giêsu trong việc Ngài đọc sách ngôn sứ Isaia [đoạn nói về sứ mệnh của Đấng được xức dầu]. Lời hứa được chứa đựng trong lời các ngôn sứ và “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Lc 4:21). Từ “hôm nay” giới thiệu một đề tài quan trọng của Tin Mừng Thánh Luca. Từ này không được dùng như điểm quy chiếu mang tính lịch sử về thời gian của Chúa Giêsu. Đúng hơn nó được dùng như là điểm quy chiếu về hiện tại, là thời gian ứng nghiệm [hoàn thành] của lời Thiên Chúa hứa. Nói tóm lại, những lời này là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói như một người “trưởng thành” và chúng liên quan đến đề tài Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Nói cách khác, điều Chúa Giêsu muốn trình bày qua những lời ngôn sứ Isaia là Thiên Chúa hứa và Ngài trung thành với lời hứa. Điều này nhắc nhở chúng ta về lời hứa chúng ta thực hiện trong bí tích rửa tội: đó là chết đi cho tội và sống cho Thiên Chúa. Chúng ta đã sống lời hứa này như thế nào? Chúng ta có trung thành với lời hứa của mình không?

Câu quan trọng mà nhiều người chúng ta không để ý là câu 22: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.” Mới nghe qua, câu này dường như mang tính tích cực. Tuy nhiên, đây là câu giải thích cho chúng ta lý do tại sao người dân làng của Chúa Giêsu nhanh chóng coi thường Ngài. Theo các học giả Kinh Thánh, câu này rất khó giải thích và chúng ta cần phải giải thích từng động từ một. Trong câu này có hai động từ, đó là “mọi người đều tán thànhthán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra. Động từ “tán thành” là martyrein. Nó mang một nghĩa tiêu cực, đó là làm chứng chống lại một ai đó. Động từ này được củng cố thêm bởi động từ “thán phục.” Họ thán phục những lời “ân sủng.” Nhưng theo các học giả Kinh Thánh, câu này dịch đúng nghĩa là “thán phục những lời cứu độ” đến từ miệng Chúa Giêsu. Nói cách khác, lời của Chúa Giêsu mang đến ơn cứu độ, mang lại sự sống. Chi tiết này được trình bày trong sách Đệ Nhị Luật 8:3, con người sống bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Như vậy, lời Chúa Giêsu nói là lời của Thiên Chúa. Chính điều này làm cho những dân làng của Ngài không thể chấp nhận vì họ biết Ngài và gốc tích của Ngài rất rõ. Ngài không thể là “sứ giả” lời ban sự sống của Thiên Chúa được. Chúng ta thấy rõ điều này qua lời bình luận của họ: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” Câu hỏi này giải thích lý do sự kinh ngạc của dân làng và hệ quả là họ vấp phạm vì Ngài. Chúa Giêsu đã khiển trách họ về việc thiếu lòng tin vào Ngài như Đấng đến để hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa. Ngài cũng khiển trách họ về việc muốn Ngài làm những phép lạ để thoả mãn tình tò mò và cho lợi ích của họ hơn là để tin vào Ngài (x. Lc 4:23-24).

Đứng trước sự thiếu niềm tin của dân làng, Chúa Giêsu gợi lên cho họ đề tài các ngôn sứ bị chống đối và loại trừ: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Trong câu nói này, Chúa Giêsu ám chỉ đến lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Ngài tiếp tục sai các ngôn sứ đến cho dân chống đối này. Chúng ta tìm thấy kiểu mẫu về đề tài ngôn sứ bị chống đối và loại trừ cách rõ ràng trong sách Nehemia 9:26-31. Kiểu mẫu này gồm những yếu tố sau: (1) nổi loạn và giết chết các ngôn sứ; (2) bị trừng phạt; (3) Thiên Chúa tỏ lòng thương xót qua việc sai ngôn sứ mới; (4) phạm tội và loại trừ các ngôn sứ. Những chi tiết trong kiểu mẫu này được Chúa Giêsu trình bày qua hình ảnh của hai ngôn sứ Êlia và Êlisa. Tuy nhiên, qua hai hình ảnh này, Thánh Luca nói cho thính giả mình biết rằng lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho dân Do Thái, nhưng còn cho những người “không được chọn lựa như dân riêng” và “những người nghèo đói.” Hơn nữa, trong hai hình ảnh này, chúng ta thấy điều Thánh Luca luôn nhắm đến, đó là tình yêu của Thiên Chúa dành cho đàn ông cũng như đàn bà. Chi tiết này được diễn tả rõ ràng trong hai người mà hai ngôn sứ được sai đến: Êlia với bà goá thành Xarépta [miền Xiđôn] và Êlisa với ông Naaman [người Xyri] (x. Lc 4:25-27). Nói cách khác, đối với Thánh Luca, lòng thương xót của Thiên Chúa mang tình phổ quát.

Đứng trước lòng thương xót được mở rộng cho những người “không được chọn,” “mọi người trong hội đường [là những người được chọn] đầy phẫn nộ.” Thái độ phẫn nộ này là hệ quả của thái độ “làm chứng chống lại” được ám chỉ trong câu 22. Họ phẫn nộ vì Chúa Giêsu nói với họ rằng ơn cứu độ không còn chỉ dành riêng cho họ mà được trao ban cho hết mọi người. Họ không còn được đối xử cách đặc biệt nữa. Thái độ này nhiều khi cũng xảy ra trong đời sống thường ngày của chúng ta khi chúng ta thấy người khác được “chúc lành” hơn mình [thành công hơn mình]. Chúng ta “phẫn nộ” [ghen ghét] người đó và “phàn nàn” với Thiên Chúa. Khi chúng ta giới hạn tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, thì chính chúng ta cũng tự loại mình ra khỏi tình yêu đó. Nếu chúng ta yêu Chúa, thì chúng ta cũng phải yêu hết tất cả những người Chúa yêu.

Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB