Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XXV Thường Niên – Trở Nên Ánh Sáng Mang Người Khác Đến Với Chúa

(Cn 3:27-34; Lc 8:16-18)

Tác giả sách Châm Ngôn thuật lại cho chúng ta lời dạy của một người cha (mẹ) dành cho con cái mình. Lời dạy này chứ đựng hai bình diện: (1) Bình diện tích cực là làm điều tốt, điều lành cho người khác: “Hỡi con, khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành cho ai đáng được hưởng. Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: ‘Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh’” (Cn 3:27-28). Trong lời dạy tích cực này, chúng ta thấy người cha (mẹ) dạy con mình làm điều tốt cho những ai đáng được hưởng, và làm điều đó ngay lập tức, không chần chừ lưỡng lự. Chi tiết này nhắc chúng ta về tình yêu vô điều kiện của mình và sự sẵn sàng giúp đỡ anh chị em trong cảnh túng nghèo mà không so đo tính toán. (2) Bình diện tiêu cực là không làm điều gì hại người khác: “Đừng mưu hại tha nhân, hại người đang cùng con sống yên ổn. Đừng cãi cọ với ai vô cớ, khi họ chẳng làm gì để hại con. Chớ phân bì với ai tàn bạo, đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi” (Cn 3:29-31). Động lực để thực hiện hai điều này không mang tính con người, nhưng có nguồn gốc bởi lòng mến Thiên Chúa. Nói cách khác, làm điều tốt hoặc tránh làm hại người khác phát xuất từ lòng yêu mến Thiên Chúa; phát xuất từ việc tin rằng Thiên Chúa sẽ thưởng phạt công minh trong ngày sau hết, “vì đối với Đức Chúa, kẻ gian tà là đồ ghê tởm; còn những ai chính trực, thì Người nhận làm bạn tâm giao. Đức Chúa giáng lời chúc dữ xuống nhà kẻ gian ác, nhưng tuôn đổ phúc lành trên nơi ở của những người chính trực công minh. Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường” (Cn 3:32-34).

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục điều bài đọc 1 trình bày, đó là Chúa sử dụng những cách thức khác nhau để biểu hiện thánh ý Ngài. Bài Tin Mừng được đặt trong bối cảnh những cách thức khác nhau để lắng nghe lời Chúa. Những lời Chúa Giêsu nói mang tính cách ngạn ngữ. Những hình ảnh Ngài sử dụng cũng rất gần gũi với đời sống hằng ngày của người nghe. Ngài sử dụng những hình ảnh quen thuộc này để chuyển tải sứ điệp Ngài muốn dạy. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh “đốt đèn”: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (Lc 8:16). Câu này trình bày cho chúng ta thấy kiểu nhà mà Thánh Luca biết, đó là nhà với sảnh và hành lang. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh này để ám chỉ đời sống của các môn đệ [trong cộng đoàn Thánh Luca] phải là ánh sáng để đưa những ai tìm Chúa gặp được Ngài. Nói cách khác, người môn đệ phải biểu lộ cho người khác ánh sáng của Lời Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta đã trở nên ánh sáng để soi rõ bước chân cho những anh chị em đang đi tìm Chúa chưa? Nhiều lần, thay vì là ánh sáng, chúng ta trở thành bóng tối che khuất đi lời Chúa để những người tìm kiếm không thể tìm thấy. Điều này xảy ra khi chúng ta không sống đúng với căn tính của mình là Kitô hữu hay những người được thánh hiến. Hãy là ánh sáng dọi bước chân cho những người tìm kiếm Chúa.

Chi tiết thứ hai trong bài Tin Mừng hôm nay để chúng ta suy gẫm là lời dạy của Chúa Giêsu về việc không có gì có thể che giấu “suốt đời”: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” (Lc 8:17). Trong những lời này, nhiều người cho rằng Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải sống thành thật, không dối trá. Chúng ta có thể hiểu là như thế. Tuy nhiên, trong bối cảnh của trình thuật, câu này ám chỉ rằng sự hiểu biết về những “bí ẩn” của Nước Thiên Chúa [x. câu 10] không mang tính cách riêng tư hoặc chỉ dành riêng cho một số người được tuyển chọn. Sự hiểu biết này phải được chia sẻ cho mọi người. Nói cách cụ thể hơn, sự hiểu biết và niềm vui có Chúa không phải là điều chúng ta giữ riêng cho mình. Niềm vui có Chúa phải được chia sẻ cho mọi người. Điều này giả định rằng trước khi chia sẻ niềm vui có Chúa thì chúng ta phải “có Chúa” và cảm nghiệm được niềm vui có Ngài trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta đã có được điều này chưa? Nhà truyền giáo vĩ đại nhất không phải là người giảng thuyết lừng danh, nhưng là người có khả năng cảm nghiệm được niềm vui đích thật khi có Chúa trong cuộc đời mình.

Bài Tin Mừng kết với lời khuyến cáo của Chúa Giêsu cho các môn đệ về cách thức họ lắng nghe: “Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất” (Lc 8:18). Nghe mà không hiểu lời, đặc biệt là sự hiểu biết bắt nguồn từ nỗ lực truyền tải lời Chúa cho người khác, dẫn đến việc hoàn  toàn đánh mất việc lắng nghe. Nghe và hiểu phải đi với nhau. Nghe mà không hiểu thì cái mình nghe không có ý nghĩa gì. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại việc [thái độ] chúng ta lắng nghe lời Chúa. Nhiều khi chúng ta chỉ lắng nghe với đôi tai thể lý, còn con tim và tâm trí thì không lắng nghe. Để “được thêm” những gì chúng ta đã có qua việc lắng nghe lời Chúa từ trước đến giờ, chúng ta phải lắng nghe không chỉ với đôi tai thể lý, nhưng với cả trọn con tim và khối óc. Có như thế, chúng ta mới hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB