(G 1:6-22; Lc 9:46-50)
Cuộc đối thoại giữa Xatan và Đức Chúa trong bài đọc 1 hôm nay đưa chúng ta vào trong huyền nhiệm của cuộc sống. Chúng ta sẽ phải đối diện với những thử thách đến từ mãnh lực của sự dữ như là “sự cho phép” của Đức Chúa. Chúng ta có thể viết lại cuộc đối thoại này dưới hình thức một màn kịch như sau:
Đức Chúa: “Ngươi từ đâu tới?”
Xatan: “Rảo quanh cõi đất và lang thang khắp đó đây.”
Đức Chúa: Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác!”
Xatan: “Có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa mà không cầu lợi chăng? Chẳng phải chính Ngài đã bao bọc, chở che nó tư bề, nó cũng như nhà cửa và tài sản của nó sao? Ngài đã ban phúc lành cho công việc do tay nó làm, và các đàn súc vật của nó lan tràn khắp xứ. Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt!”
Đức Chúa: “Được, mọi tài sản của nó thuộc quyền ngươi, duy chỉ có con người của nó là ngươi không được đưa tay đụng tới.”
Chi tiết quan trọng nhất của cuộc đối thoại là việc Đức Chúa khẳng định Gióp là người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác. Dù vẹn toàn, Gióp cũng bị thử thách. Đây cũng chính là thực tại trong cuộc sống mỗi người chúng ta. Dù vẹn toàn thế nào, mỗi ngày chúng ta cũng phải đối diện với nhiều thử thách trước những mất mát. Mẫu gương của Gióp đáng làm chúng ta học đòi bắt chước. Dù mất hết mọi sự, Gióp vẫn luôn kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác. Lời của Gióp sau khi mất hết mọi sự đáng làm chúng ta suy gẫm: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21). Đối với Gióp, dù có dù không, ông hoàn toàn đặt mình trong bàn tay yêu thương của Đức Chúa. Chính điều này mà “trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (G 1:22). Chúng ta như thế nào: Khi có khi không có, chúng ta có sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa không?
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc hiểu lầm của các môn đệ về việc theo Chúa Giêsu. Để biết lý do của sự hiểu lầm này, chúng ta cần trở về với đoạn Tin Mừng đi trước, đó là đoạn Chúa Giêsu lần thứ hai tiên báo về sự “bất lực” của mình trước quyền bính của con người (x. Lc 9:44). Bên cạnh đó, đoạn Tin Mừng hôm nay cũng liên kết với đoạn mà trong đó Chúa Giêsu hướng dẫn các môn đệ về việc vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ngài (x. Lc 9:23-27). Trong bối cảnh “không quyền lực” và “vác thập giá” của Chúa Giêsu, các môn đệ tranh đấu để dành quyền lực. Thật là một điều không thể hiểu! Chúng ta thấy điều này trong phần 1 (Lc 9:46-48). Các môn đệ hiểu việc theo Chúa sẽ mang lại cho họ nhiều đặc ân và đặc quyền. Nói cách khác, trở thành môn đệ là vấn đề của việc “ai làm lớn và ai làm nhỏ, ai phục vụ và ai được phục vu.” Đứng trước sự hiểu lầm này, Chúa Giêsu trình bày cho họ khái niệm đúng về việc theo Ngài. Trong khi theo Ngài, họ phải có thái độ của “một em nhỏ bên cạnh Ngài.” Khi sử dụng hình ảnh “một em bé,” Chúa Giêsu ám chỉ việc làm môn đệ sẽ không được biết và hiểu chỉ trong một đêm. Việc biết và hiểu về ơn gọi người môn đệ là một quá trình tiệm tiến, cần thời gian. Họ phải theo sát Chúa Giêsu để học “nghệ thuật làm môn đệ” như một em bé luôn bên cạnh bố mẹ mình để học những bước đi đầu tiên, nhưng lời nói đầu tiên, và những lối hành xử cho xứng hợp. Qua hình ảnh “em bé,” mẫu gương tuyệt hảo của sự “không quyền lực,” Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng sự vĩ đại [vị trí đứng đầu] đến từ việc là trở nên nhỏ nhất và đơn sơ [vị trí sau hết]: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9:48). Trong những lời này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đồng hoá chính mình với em bé. Qua điều này, Ngài muốn nói cho chúng ta về một điều quan trọng nhất trong cuộc đời Ngài, đó là tương quan với Chúa Cha [như em bé với bố mẹ]. Nói cách khác, tương quan “lệ thuộc” giữa em bé với bố mẹ phản ánh cách trung thực tương quan của Ngài với Chúa Cha. Đối với chúng ta, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống?
Trong phần 2 chúng ta thấy các môn đệ lại tiếp tục hiểu sai tương quan của họ với Chúa Giêsu khi họ nghĩ rằng tương quan với Chúa Giêsu chỉ dành riêng cho họ: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy” (Lc 9:49). Nhưng Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ rằng, tương quan của họ với Ngài hay đúng hơn để trở thành môn đệ Ngài, họ phải cởi mở và nhân hậu khoan dung với người khác là những người làm việc nhân danh Chúa Giêsu nhưng không đi theo nhóm của họ: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (Lc 9:50). Nhiều lần, chúng ta cũng có thái độ “sở hữu” [dành riêng]. Tôi [nhóm tôi] là người duy nhất được hưởng tương quan đó. Nếu muốn được hưởng thì phải theo tôi. Là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải có một con tim rộng mở để đón nhận mọi người. Khi chúng ta có thái độ “loại trừ,” chúng ta không còn là người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB