Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XXVIII – Dấu Lạ Của Giôna

(Gl 4:22-24.26-27.31 – 5:1; Lc 11:29-32)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô sử dụng hình ảnh hai người con của Ápraham để giải thích cho các tín hữu Galát về sự tương phản giữa những ai được sinh ra theo luật tự nhiên và những ai được sinh ra nhờ lời hứa. Luật lệ dễ đặt chúng ta dưới sự thống trị của chúng, còn lời hứa mang lại cho chúng ta niềm vui và mong chờ trong sự tự do. Đây chính là điều Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Galát, họ được sinh ra trong tự do nên phải vui mừng: “Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con; hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi ai chưa một lần quặn đau sinh nở, vì con của phụ nữ bị bỏ rơi thì đông hơn con của phụ nữ có chồng! Thưa anh em, chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng là con của người tự do” (Gl 4:27-31). Tự do chính là điều mỗi người chúng ta mong ước và ai cũng đấu tranh để mình được tự do hơn. Nhưng nhiều lần, chúng ta sử dụng tự do của mình để đặt mình dưới sự nô lệ của tội lỗi. Tự do đích thực chỉ có được trong đời sống mới mang lại cho chúng ta bởi Đức Kitô: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (Gl 5:1). Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của tội lỗi qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta cũng chết đi con người cũ, sinh ra trong tự nhiên của mình, để sống với sự sống mới của lời hứa sự sống muôn đời được sinh ra trong ân sủng và tình yêu của Ngài. Chúng ta đang sống một cuộc sống của người tự do [yêu thương và tha thứ] hay cuộc sống của người nô lệ [tội lỗi]?

Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải đọc nó trong bối cảnh của những cuộc tranh luận mà qua đó ý nghĩa cuộc hành trình [lên Giêrusalem] của Chúa Giêsu được mạc khải. Cụ thể là trong trình thuật Tin Mừng hôm nay Thánh Luca nói về “dấu lạ” của Giôna mạc khải ý nghĩa về sự hiện diện của Chúa Giêsu cho thế hệ Ngài [và mọi thế hệ sau đó].

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với việc trở lại vấn đề “dấu lạ,” điều đã được giới thiệu trong câu 16 [“Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời”]. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật tương tự trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (12:38-42). Tuy nhiên, nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng, bản văn của Thánh Mátthêu không được đọc và hiểu trong bối cảnh mà Thánh Luca đang nhắm đến trong trình thuật của ngài. Cách cụ thể hơn, Thánh Luca không quan tâm đến việc Giôna ở ba ngày trong bụng cá như Thánh Mátthêu. Điều Thánh Luca quan tâm là việc đón nhận điều Giôna giảng dạy như là dấu chỉ cho việc đón nhận sứ điệp Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu giảng dạy. Câu 30 và 32 của trình thuật Tin Mừng làm sáng tỏ rằng điều Thánh Luca quan tâm là việc giảng dạy của Giôna về lời Thiên Chúa là dấu lạ [dấu chỉ]. Đó là lý do thánh nhân sử dụng để kêu gọi “dân chúng tụ tập đông đảo” phải lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa mà Chúa Giêsu công bố.

Trong câu 31, Thánh Luca quy chiếu về hình ảnh của Nữ Hoàng Phương Nam. Hình ảnh này tìm thấy trong sách các Vua quyển Thứ Nhất [chương 10]. Trong câu này, một lần nữa, Thánh Luca suy gẫm ý nghĩa về Chúa Giêsu: sự khôn ngoan của Ngài vĩ đại hơn vị vua khôn ngoan trong truyền thuyết của người Israel, là vua Solomon. Tuy nhiên, trước sự giảng dạy [dấu lạ] của Giôna, dân thành Ninivê đã sám hối. Nói cách khác, sức mạnh lời Chúa trong Giôna được biểu lộ qua việc toàn dân thành Ninivê sám hối. Trong Đức Kitô, vị “phát ngôn viên của Thiên Chúa và là Ngôi Lời,” thì sức mạnh mang lại sự sám hối phải vĩ đại hơn. Chi tiết này được Thánh Luca sử dụng để nói đến sự bắt chước bởi những thính giả dân ngoại (những người được xem là không được chọn lựa) của ngài và của các môn đệ trong việc đáp lại lời Thiên Chúa cách quảng đại.

Nhìn chung, bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại hành trình đức tin của mình. Nói cách khác, lời khiển trách của Chúa Giêsu với thế hệ của Ngài vẫn còn có ý nghĩa cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng sống “gian ác” với anh chị em mình qua thái độ loại trừ. Chúng ta cũng đòi Chúa ban cho mình những dấu lạ, đó là ban cho chúng ta những điều chúng ta xin. Điều đáng buồn nhất là chúng ta chạy đến với người khác, nghe người khác, tìm kiếm sự khôn ngoan nơi con người hơn là nơi Chúa Giêsu [Thiên Chúa]. Chúng ta để cho thái độ sống hay cảm xúc của mình bị thay đổi bởi lời nói của người khác, nhưng lại không có “cảm giác” và “thay đổi” gì khi nghe lời Chúa. Hãy để lời Chúa biến đổi chúng ta vì lời Ngài mang lại sự sống đời đời.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB