Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Đừng Trở Nên Cớ Vấp Phạm Cho Người Khác

(Tt 1:1-9; Lc 17:1-6)

Trong bài đọc 1 hôm nay chúng ta bắt đầu nghe lời của Thánh Phaolô viết cho Titô. Thánh nhân bắt đầu với việc nói về mình và sứ mệnh của mình: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Thiên Chúa và Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, có nhiệm vụ đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin và sự nhận biết chân lý phù hợp với đạo thánh, với niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối đã hứa từ thuở đời đời” (Tt 1:1-2). Qua những lời này, Thánh nhân nhận mình là tôi tớ của Thiên Chúa, và sứ mệnh của mình là đưa mang đức tin cho những người Thiên Chúa chọn. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc nhìn nhận mình như thế nào trước Thiên Chúa và đâu là sứ mệnh người mong ước mỗi người chúng ta thực hiện. Tiếp theo Thánh nhân cho biết mục đích khi để Titô ở lại đảo Cơrêta, là “để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh” (Tt 1:5). Công việc đặt những kỳ mục, những người hướng dẫn cộng đoàn, là một công việc cần nhiều sự khôn ngoan. Những kỳ mục được chọn phải có những tiêu chuẩn nhất định. Theo Thánh nhân, “kỳ mục phải là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ, con cái cũng tin đạo và không mang tiếng là sống phóng đãng hay bất phục tùng” (Tt 1:6). Không những thế, trên khía cạnh nhân bản, kỳ mục phải là người “giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ; người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối” (Tt 1:7-9). Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa đặt lên để chăm sóc anh chị em mình. Trên một khía cạnh nào đó, mỗi người trong chúng ta cũng được xem là kỳ mục. Liệu chúng ta có sở hữu những đức tính như lòng Chúa mong ước không?

Chúng ta có thể nói rằng: Những người không gặp được Đức Khôn Ngoan, sẽ là những người dễ dàng trở thành cớ cho người khác vấp ngã. Chúa Giêsu lên án những người làm cớ cho người khác vấp ngã trong hành trình theo Chúa Giêsu như sau: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!” (Lc 17:1-3). Trong những lời này, Chúa Giêsu ám chỉ rằng trong khi các môn đệ hành trình trên con đường theo Chúa Giêsu, họ cũng như bao nhiêu người khác, sẽ phải đối diện với những người gây gương mù gương xấu. Theo Chúa Giêsu, đối diện với những gương mù gương xấu thì không nguy hiểm cho bằng trở nên gương mù gương xấu. Những người trở nên gương mù gương xấu sẽ bị cột cối đá lớn vào cổ. Cối đá này cân có thể nặng đến mấy trăm cân. Hình ảnh buộc cối đá vào cổ ám chỉ đến việc thà người đó bị tẩy khỏi danh sách những người đang sống thì tốt hơn là gây cớ cho người khác vấp ngã. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đối diện với những gương mù gương xấu. Có lần chúng ta thắng được, nhưng cũng có lần chúng ta vấp ngã. Nhưng cũng không ít lần chúng ta trở nên gương mù gương xấu cho anh chị em mình qua những lời ăn tiếng nói hoặc hành động không được tế nhị và thanh cao. Hãy sống cho trọn vẹn, để không có ai vấp ngã vì chúng ta.

Chi tiết thứ hai đáng suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là việc xúc phạm đến nhau. Ông bà ta thường nói: “Sống chung thì đụng.” Tuy nhiên, điều quan trọng là sau khi đụng, chúng ta sẽ có thái độ như thế nào? Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta thái độ cần thiết sau khi bất hoà với nhau là tha thứ cho nhau: “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận,’ thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17:3-4). Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn những người môn đệ của Ngài không chỉ cầu nguyện lời Kinh Lạy Cha, nhưng còn sống lời kinh này bằng cách tha thứ cho người khác cách không giới hạn và vô điều kiện.

Tuy nhiên, tha thứ cần phải có lòng tin. Đây chính là điều mà các Tông Đồ xin Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17:5). Lòng tin này bắt đầu rất nhỏ bé mong manh. Thật vậy, sau khi bị người khác xúc phạm đến mình, chúng ta thường mất niềm tin vào họ. Chính vì vậy, Chúa Giêsu chỉ mong các môn đệ có được “lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,’ nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17:6). Sự tha thứ nhiều khi tưởng như là điều không thể, nhưng nếu chúng ta có chút lòng tin là người kia sẽ được Chúa biến đổi để trở nên tốt hơn, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy sự tha thứ trở nên dễ dàng hơn. Tóm lại, những gì người môn đệ Chúa Giêsu cần cho hành trình của mình là một đức tin sâu xa vào Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là Đấng có thể và sẽ giải thoát họ khỏi những chống đối và những mãnh lực phá huỷ của thế gian. Hãy xin Chúa ban cho chúng ta thêm niềm tin.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB