(Is 42:1-7; Ga 12:1-11)
Ngôn sứ Isaia, trong bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về người tôi tớ của Thiên Chúa. Đầy là bài ca đầu tiên về người tôi tớ của Thiên Chúa. Bài ca đầu tiên này được chia làm hai phần: phần đầu (Is 42:1-4) nói về những đặc tính của người tôi tớ; phần hai (Is 42:5-9) nói về Thiên Chúa, Đấng chọn và sai người tôi tớ của Ngài. Chúng ta cùng nhau suy niệm trên hai phần này để xem Chúa muốn nói gì với chúng ta ngày hôm nay.
Phần 1 trình bày cho chúng ta hình ảnh của người tôi tớ của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa gọi, với những đặc tính sau: (1) là người được Thiên Chúa tuyển chọn, hết lòng quý mến và được thần khi của Ngài hướng dẫn (Is 42:1); (2) là người với sứ mệnh làm sáng tỏ công lý trước muôn dân (Is 42:1); (3) là người hiền lành và khiêm nhường vì “người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42:2-3); (4) là người can đảm bảo vệ và “trung thành làm sáng tỏ công lý. Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu” (Is 42:3-4); (5) là người khôn ngoan mà ai cũng mong được “người chỉ bảo” (Is 42:4). Là những người tôi tớ của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để sở hữu năm đức tính trên.
Trong phần 2, người tôi tớ của Thiên Chúa tìm thấy sứ mệnh của mình, và những công việc mà mình được sai đi để thực hiện: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42:6-7). Đọc những lời này, chúng ta nhận ra người tôi tớ của Thiên Chúa có một sứ mệnh chính yếu, đó là trở thành ánh sáng chiếu soi cho muôn người. Một cách cụ thể hơn, ở đâu có bóng tối mây mù, người tôi tớ của Thiên Chúa sẽ mang lại ánh sáng; ở đâu có người tôi tớ của Thiên Chúa hiện diện, ở đó những người ngồi trong bóng tối tử thần sẽ được chiếu sáng để tìm thấy đường dẫn đến sự sống muôn đời. Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi nhớ lại ngọn nến [đức tin] được trao cho chúng ta trong ngày rửa tội. Hãy làm cho ngọn nến đó chiếu sáng và mang hơi ấm cho những tâm hồn nguội lạnh và xa rời Thiên Chúa.
Hình ảnh bàn tiệc hay bàn ăn là một hình ảnh quen thuộc trong Tin Mừng Thánh Gioan. Chúng ta thấy ngay sau khi gọi các môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu mang họ đi dự tiệc cưới ở Cana. Bàn tiệc có ý nghĩa quan trọng trong mọi nền văn hoá vì bàn tiệc là hình ảnh của tương quan, của niềm vui, của tình yêu và của chia sẻ cuộc sống cho nhau. Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu ý nghĩa của bàn tiệc trong bài Tin Mừng hôm nay tại làng Bêtania, trong nhà của Lazarô, Maria và Mácta. Có thể nói, đây là bàn tiệc diễn tả lòng biết ơn Chúa Giêsu của ba anh em sau khi Chúa Giêsu làm cho Lazarô chỗi dậy từ cõi chết. Với lối viết kịch của Thánh Gioan, chúng ta thấy được bài Tin Mừng hôm nay là một “trích đoạn” thật hay trong vở kịch đầy yêu thương của Thiên Chúa với những vai diễn thật xuất sắc. Chúng ta cùng nhau phân tích các vai diễn để xem mình đang đóng vai nào trong vở kịch này của Thiên Chúa. Nhưng trước tiên, chúng ta viết lại bài Tin Mừng hôm nay theo một kịch bản như sau:
Người dẫn: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm” (Ga 12:1-3).
Giuđa: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12:4-5).
Người dẫn: Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12:5-6).
Chúa Giêsu: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (Ga 12:7-8).
Người dẫn: Một đám đông người Do thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu” (Ga 12:9-11).
Đọc qua bản kịch này, chúng ta nhận ra chỉ có hai vai diễn là Chúa Giêsu và Giuđa hoặc Chúa Giêsu và Maria. Nhưng khi đọc kỹ, chúng ta nhận ra những vai diễn sau:
Mácta: Lazarô chỉ được đề cập đến như một người đồng bàn với Chúa Giêsu, còn Mácta thì vẫn làm công việc của mình, đó là hầu bàn và lo việc bếp núc. Tuy nhiên, khác với lần trước được Thánh Luca tường thuật (Lc 10:38-42), Mácta bây giờ không còn vừa phục vụ vừa lẩm bẩm kêu ca với Chúa Giêsu về Maria, em của mình, nhưng hoàn toàn phục vụ với sự thinh lặng sâu thẳm của lòng biết ơn và tràn đầy yêu thương. Thật vậy, phép lạ xảy ra cho Lazarô cũng đã xảy ra cho Mácta: cô đã chỗi dậy khỏi ghen tỵ và phàn nàn để sống một đời sống mới trong niềm vui và phục vụ.
Maria: Cô bước vào không nói một lời và bắt đầu lấy “dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau.” Hành động của Maria có sự tương đồng với hành động của Chúa Giêsu trong sự kiện rửa chân cho các mộn đệ trong chương tiếp theo (chương 13 của Tin Mừng Thánh Gioan): Chúa Giêsu cũng bắt đầu việc rửa chân mà không nói lời nào. Hành động của Maria mang đầy tính chất “cảm xúc” của một người “đầy tớ” và của một người “môn đệ” thật quảng đại. Điều này được diễn tả trong hành động “xức dầu thơm vào chân” và “lấy tóc mình lau.” Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm ở đây chính là “bình dầu.” Đối với chúng ta ngày hôm nay, bình dầu thơm này không có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, trong thời gian đó, đây là “gia tài quý giá nhất” của Maria. Giuđa ước lượng mất khoảng 1 năm làm công để mua bình dầu thơm này vì loại dầu thơm này chỉ có ở vùng núi của phía bắc Ấn Độ. Maria đã “đổ hết” bình dầu thơm của mình, nghĩa là đã trao cho Chúa Giêsu tất cả gia tài của mình, không giữ lại cho mình cái gì. Chính sự trao ban cách quảng đại này mà “cả nhà sực mùi thơm.” Mùi này trái ngược với “mùi hôi xác chết của Lazarô được chôn trong mồ” (Ga 11:39). Hành động của Maria nói cho chúng ta điều gì? Khi mỗi người trong chúng ta trao ban mọi sự cách quảng đại cho Chúa và cho người khác, không giữ lại gì cho chính mình, thì gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo Hội và toàn thế giới sẽ sực mùi thơm của tình yêu. Còn khi chúng ta ích kỷ chỉ nghĩ đến chính mình, đóng kín lòng mình như nấm mồ của Lazarô, thì chúng ta và người khác sẽ phải cam chịu mùi hôi của những “xác chết” không được sinh động bởi những con tim quảng đại và biết yêu thương.
Giuđa: Giuđa là một người có đầu óc rất thực tế và tính toán hơn thiệt khi trao ban. Giuđa không có gì sai khi khuyên bán chai dầu thơm để lấy tiền cho người nghèo. Giuđa sai khi dành cho mình những gì thuộc về người khác, nhất là không đọc ra ý nghĩa đằng sau hành động xức dầu thơm của Maria, để rồi Chúa Giêsu phải giải thích cho ông và các môn đệ khác. Hình ảnh của Giuđa nhắc nhở chúng ta về những lúc chúng ta chỉ quy về chính mình và tìm lợi ích cho chính mình, ngay cả trong khi chúng ta thực hiện những công việc có bản chất phục vụ và yêu thương. Người chỉ tìm lợi ích cho chính mình sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa và niềm vui ẩn chứa trong hành động phục vụ, yêu thương và tha thứ.
Chúa Giêsu: Chúng ta nhận ra nơi Chúa Giêsu hai thái độ căn bản sau: (1) Ngài rất bình thản khi người khác diễn tả tình yêu với cảm xúc của họ dành cho Ngài. Ngài nhìn vào con tim của Maria để đọc ra ý nghĩa của hành động mà cô làm cho Ngài. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: một trong những yếu tố quan trọng trong tình yêu là luôn “bình thản” – không đi quá bên phải [quá cảm xúc], cũng không đi quá bên trái [không có cảm xúc gì để diễn tả]. Chỉ những người bình thản mới có khả năng đọc được sứ điệp tình yêu ẩn chứa trong hành động của người khác, dù hành động đó nhỏ đến đâu; (2) Ngài bảo vệ người bị “chỉ trích.” Thật vậy, Chúa Giêsu luôn đứng về phía những người yếu kém. Điều này làm chúng ta cảm thấy được an ủi, nhất là khi chúng ta bị chỉ trích và hiểu lầm. Thái độ này của Chúa Giêsu hoàn toàn khác biệt với tinh thần của xã hội hôm nay và của mỗi người chúng ta vì chúng ta thường đứng về phía kẻ mạnh để lên án những người “yếu thế cô thân.” Qua hành động bảo vệ Maria, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm bạn với những người không có bạn, yêu thương những người không có ai yêu thương, cảm thông cho những người không có ai cảm thông, và tha thứ cho người không được người khác tha thứ. Có câu nói trong đời rằng: “Hãy làm bạn với người không có bạn, để cho họ biết rằng trong cuộc sống này họ cũng có một người bạn, là bạn!”
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB