Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – Sống Thuộc Trọn Về Thiên Chúa

(Tl 13:2-7.24-25a; Lc 1:5-25)

Sách Thủ Lãnh thuật lại cho chúng ta câu chuyện về Samsôn. Đây là một câu chuyện nói về sự can thiệp của Thiên Chúa điều mà con người không thể. Câu chuyện bắt đầu với sự kiện là “có một người đàn ông ở Xorơa, thuộc chi tộc Đan, tên là Manôác. Vợ ông son sẻ và không sinh con” (Tl 13:2). Sự son sẻ của bà đã được Thiên Chúa can thiệp, để bà “sẽ có thai và sinh một con trai” (Tl 13:3). Chi tiết đầu tiên này nhắc nhở chúng ta về một thực tế trong cuộc sống, đó là nhiều lần chúng ta đối diện với những điều mà với sự hiểu biết và khả năng của con người thì không thể xảy ra. Nhưng với ơn Chúa chúng ta có thể vượt qua những điều đó cách dễ dàng và bình an. Ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa, ở đó mọi sự đều có thể cho những người đặt trọn niềm tin vào Người.

Chi tiết thứ hai làm chúng ta suy gẫm là ơn gọi của đứa trẻ được hứa là thuộc trọn về Thiên Chúa. Điều này được diễn tả qua những điều sau: “Đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn mọi thứ không thanh sạch. Vì này bà sẽ có thai và sinh một con trai. Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một nadia của Thiên Chúa từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Israel khỏi tay người Philitinh” (Tl 13:4-5). Điều đó đã xảy ra như lời đã tiên báo cho bà: “Bà sinh được một con trai và đặt tên là Samsôn. Đứa bé lớn lên, và Đức Chúa chúc lành cho nó. Thần khí Đức Chúa bắt đầu tác động trên Samsôn” (Tl 13:24-25a). Cuộc sống và ơn gọi của Samsôn gợi cho chúng ta nhớ đến cuộc sống và ơn gọi của mỗi người. Sự sống của chúng ta đến từ Thiên Chúa và mỗi người chúng ta thuộc trọn về Thiên Chúa qua đời sống thanh sạnh, không bị vướng bẩn bởi những danh vọng và níu kéo của thế gian. Chúng ta chỉ sống được như thế khi có Thiên Chúa chúc lành và bàn tay Thiên Chúa đặt trên chúng ta.

Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta vào mầu nhiệm sáng tạo của Thiên Chúa. Nói một cách cụ thể, hai bài đọc hôm nay có cùng một cốt chuyện và nói lên cùng một sứ điệp: Ở đâu quyền lực của con người trở nên vô hiệu và bất lực thì quyền năng của Thiên Chúa được tỏ lộ. Thật vậy, khi mọi nỗ lực của con người trở nên vô hiệu, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới biến sự “tuyệt vọng” của con người thành “hy vọng.” Cả hai bài đọc hôm nay kể về hai cặp vợ chồng đã “tuyệt vọng” vì không thể sinh con vì họ đã cao niên. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa đã biến sự “tuyệt vọng và nỗi buồn” của họ thành “niềm vui.” Khi cuộc sống của chúng ta dường như vô vọng, hãy chạy đến với Chúa và chỉ có mình Ngài mới có thể mang lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng trong những giây phút thất vọng.

Nhìn từ khía cạnh khác, hai bài đọc hôm nay kể cho chúng ta nghe hai câu chuyện về tiên báo việc sinh ra của hai nhân vật “được thánh hiến” từ trong lòng mẹ: Samson trong bài đọc 1 và Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng. Cả hai đều có những chi tiết nổi bật giống nhau như sau: (1) sinh ra bởi “người mẹ son sẻ và không sinh con” (Tl 13:3; Lc 1:7); (2) cả hai được thánh hiến từ trong lòng mẹ (Tl 13:5; Lc 1:15); (3) cả hai không đụng đến rượu (Tl 13:4; Lc 1:15). Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm hơn ở đây chính là việc cả hai đều sinh ra bởi “quyền năng của Thiên Chúa” hơn là từ “ước muốn của con người.” Điều này làm cho cả hai trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa: Samson sẽ “bắt đầu cứu Israel khỏi tay người Philitinh và được Thiên Chúa chúc lành và Thánh Thần tác động,” còn Thánh Gioan Tẩy Giả làm cho “nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời và nên cao cả trước mặt Chúa. Ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.” Những chi tiết này giúp chúng ta nhận ra rằng: Những ai được sinh ra bởi quyền năng của Thiên Chúa sẽ không chỉ trở nên cao trọng mà còn sinh nhiều hoa trái thánh thiện. Những hoa trái sinh ra bởi ơn nghĩa với Thiên Chúa là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gal 5:22-23). Chúng ta đã được sinh ra bởi Thiên Chúa trong Bí Tích Rửa Tội. Nhưng chúng ta có sinh nhiều hoa trái và trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và người khác không?

Hôm qua chúng ta nghe sứ thần “truyền tin” cho một người đàn ông [Thánh Giuse], và hôm nay chúng ta nghe một câu chuyện “truyền tin” khác cũng cho một người đàn ông [Zechariah]. Tin Mừng hôm qua kể về việc truyền tin của Đấng Cứu Thế, còn hôm nay Tin Mừng tường thuật về truyền tin của “Vị Tiền Hô” của Đấng Cứu Thế. Hai người đàn ông đáp lại mầu nhiệm của Thiên Chúa với hai thái độ khác nhau: Một người “không hỏi lời nào,” hoàn toàn đặt niềm tin vào Thiên Chúa và đem ra thực hành cách nhanh chóng điều Thiên Chúa phán; còn một người thì “chất vấn” và “nghi ngờ” quyền năng của Thiên Chúa. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta không hiểu những điều Thiên Chúa muốn trên cuộc đời của chúng ta, chúng ta cũng chất vấn Chúa thật nhiều và đôi khi đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Khi không hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta, hãy thinh lặng và lắng nghe như Thánh Giuse. Chỉ trong mầu nhiệm của sự thinh lặng mà chúng ta nghe được tiếng Chúa và sẵn sàng mở cửa cho Ngài khi Ngài gõ vào cửa con tim chúng ta.

Cả hai [Thánh Giuse và Zechariah] đều được trấn an rằng: “Đừng sợ!” (Mt 1:20; Lc 1:13). Trong kinh thánh, chúng ta thấy có một điểm đáng chú ý, đó là: Mỗi khi Thiên Chúa hoặc Chúa Giêsu hiện ra với ai để trao cho họ một sứ mệnh, thì điều đầu tiên Thiên Chúa hoặc Chúa Giêsu nói là lời trấn an: “Đừng sợ!” (hoặc “Thầy đây, đừng sợ!”). Điều này giúp chúng ta khẳng định rằng: ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa hoặc Chúa Giêsu, ở đó chỉ có bình an và không có sợ hãi. Hay nói một cách khác, ở đâu tình yêu đạt đến mức hoàn hảo, ở đó không có sợ hãi như Thánh Gioan nói: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4:18). Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng có nhiều sợ hãi: sợ cho tương lai không biết thế nào, sợ người khác nghĩ tiêu cực về mình, sợ không thành công trong học hành, sợ môi trường mới, sợ công việc mới, sợ thất bại trong công việc, sợ bị phản bội, sợ bị bỏ rơi, và rất nhiều sợ hãi khác. Trong những lúc sợ hãi như thế, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta một cách thật nhẹ nhàng và đầy yêu thương: “Thầy đây, Đừng sợ! Thầy sẽ ở với anh chị em cho đến ngày tận thế” (Mt 28:20).

Điều cuối cùng chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay để trở thành ý lực sống của chúng ta là lời của Elizabeth: “Đức Chúa đã làm cho tôi như thế đó [vào thời điểm mà Ngài thấy thuận tiện hoặc vào ngày Ngài nhìn đến tôi với ơn phúc] để cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1:25). Bản dịch tiếng Việt mà chúng ta nghe không có phần in nghiêng trên, nhưng đây là một chi tiết quan trọng để cho chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa luôn đi bước trước trong mọi sự và Ngài luôn làm cho điều đó xảy ra vào thời điểm mà Ngài thấy thích hợp.” Nói một cách khác, Thiên Chúa luôn thực hiện kế hoạch của Ngài trong lịch sử nhân loại và trên cuộc đời của mỗi người chúng ta theo cách thức và thời điểm mà Ngài thấy thuận lợi chứ không theo cách thức và thời gian mà chúng ta muốn. Khi đối diện với trái ý và đau khổ, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình tin tưởng và hy vọng: “Đức Chúa sẽ nhìn đến tôi vào thời điểm mà Ngài thấy thuận tiện để cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu, theo cách thức Ngài muốn.”

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB