Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật Thường Niên – Đến Với Chúa Giêsu Để Được Nghỉ Ngơi

(Is 26:7-9.12.16-19; Mt 11:28-30)

Những lời đầy tâm tình trong bài đọc 1 của ngôn sứ Isaia làm cho tâm hồn chúng ta trào dâng niềm yêu thương. Chúng ta tìm thấy trong những lời tâm tình này những tiêu chuẩn cần thiết cho một đời sống ngay lành và hiền dịu: “Đường kẻ lành đi là đường ngay thẳng, lối kẻ hiền theo là lối Chúa san bằng” (Is 26:7). Chúng ta đọc thấy những tiêu chuẩn sau: (1) chờ đợi Đức Chúa trên con đường thi hành thánh ý; (2) linh hồn luôn khát mong và tưởng nhớ đến Đức Chúa (Is 26:8-9); (3) luôn học biết đường công chính (Is 26:9); (4) được Đức Chúa cho an cư lạc nghiệp [bình an]; (5) luôn tìm đến Đức Chúa lúc gặp gian truân hay khi cần sửa trị; (6) luôn kêu cầu trước nhan Đức Chúa(Is 26: 17-18); (7) tin tưởng sẽ được sống lại (Is 26:19). Nhìn chung, tâm tình Isasia muốn nói với dân Israel là hãy đến với Đức Chúa khi cuộc sống gặp nhiều gian truân thử thách. Khi đi trên con đường thánh ý Chúa vạch ra, chúng ta cũng sẽ đối diện với rất nhiều những khó khăn thử thách. Những nỗi đau mà Isaia ví như cơn đau của người phụ nữ trong lúc sinh nở: “Như người đàn bà mang thai, lúc gần sinh nở, phải quằn quại, kêu la vì đau đớn, thì lạy Đức Chúa, chúng con cũng như vậy trước nhan Ngài.” Chính trong cơn đau của mình, Isaia mời gọi dân chúng chạy đến với Đức Chúa để tìm sự nghỉ ngơi và hồi sinh: “Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên. Này những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng! Vì lạy Chúa, sương Ngài ban là sương ánh sáng, và đất sẽ cho các âm hồn được hồi sinh.” Chỉ trong Đức Chúa, dân Israel mới tìm được sự nghỉ ngơi và hồi sinh. Đây chính là lời mời gọi của Chúa Giêsu cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.

Tâm tình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho dân Israel trong việc mạc khải cho họ tên Ngài trong bài đọc 1 được diễn tả cách cụ thể hơn trong bài Tin Mừng khi Chúa Giêsu mời gọi những ai đang sống trong cảnh sầu khổ đến với Ngài. Sau khi dâng lời tạ ơn Chúa Cha vì mạc khải những mầu nhiệm cao siêu cho những người hèn mọn, Chúa Giêsu cất tiếng gọi những người hèn mọn đến với mình. Ngày hôm qua, chúng ta đã chia sẻ về tư tưởng người hèn mọn là những người đơn sơ hoặc không có chữ nghĩa. Nhưng trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu một cách nào đó chỉ ra cho chúng ta thấy những người hèn mọn là ai. Họ là “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” (Mt 11:28). Ngài mời gọi những con người hèn mọn đến với Ngài để được “nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Trong những lời mời gọi này, Chúa Giêsu khẳng định chính mình là Sự Khôn Ngoan được ngôi vị hoá (x. Cn 8) với những đặc tính của người phụ nữ, là người sẽ mang lại sự nghỉ ngơi, an ủi. Lời mời gọi này được mở rộng cho “tất cả mọi người đang vất vả mang gánh nặng nề.” Những người này là những người bị người Pharisêu loại trừ hoặc cũng có thể là chính những người Pharisêu. Nói cách cụ thể, họ là những người đang vất vả mang gánh nặng của lề luật. Họ là những người đang bị người khác [Pharisêu] áp đặt gánh nặng lề luật lên hay là những người đang áp đặt gánh nặng lề luật lên người khác.

Hình ảnh gánh nặng lề luật được diễn tả trong hình ảnh “cái ách” mà Chúa Giêsu nói đến trong hai câu còn lại: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:29-30). Sau khi mời gọi mọi người đến với Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng, Chúa Giêsu nói họ hãy trút đi gánh nặng lề luật mà họ đang vất vả mang. Ngài mời gọi họ mang lấy ách của Ngài. Trong truyền thống Do Thái, các Rabbi thường nói đến cái ách của Torah [Luật] và cái ách của vương quyền. Nhưng trong trường hợp này, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cái ách để ám chỉ Lề Luật. Hai câu có cùng cấu trúc như sau: (1) lời mời gọi và (2) giải thích lý do. Chúng ta cùng nhau phân tích chi tiết hai câu này để rút ra điều Chúa muốn mời gọi mình.

Trong câu 29, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ thực hiện hai điều, đó là (1) mang lấy ách của Ngài và (2) học ở nơi Ngài. Như chúng ta đã trình bày ở trên, khi mời gọi các môn đệ mang lấy ách của mình, Chúa Giêsu ngụ ý mời gọi họ sống theo lời giải thích Luật mà Ngài đã dạy [được trình bày trong những chương trước, nhất là chương 5 và 6]. Ngài mời gọi họ “học” ở Ngài. Nói cách ngắn gọn, đây là lời mời gọi trở thành người môn đệ, trở thành người luôn sống trong thái độ học hỏi. Chúa Giêsu muốn các môn đệ học ở Ngài vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” Trong những lời này, Chúa Giêsu trình bày chính mình như là người thầy gương mẫu cũng như nội dung lý tưởng cho “môn học.” Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là thầy dạy và cũng là nội dung của điều Ngài dạy vì Ngài là Luật được ngôi vị hoá. Ai trong chúng ta cũng muốn học thật nhiều thứ. Nhưng lời mời gọi của Chúa Giêsu đáng làm chúng ta xét lại chính mình: chúng ta đã học nhiều, đã biết nhiều, nhưng chúng ta đã trở nên hiền lành và khiêm nhường chưa? Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính mà Chúa Giêsu muốn chúng ta học nơi Ngài. Nhìn tứ khía cạnh này, chúng ta có thể khẳng định rằng: Chỉ những ai sống hiền lành và khiêm nhường mới là những môn đệ thật của Chúa Giêsu.

Câu 30 nói đến hệ quả của việc mang lấy ách và học ở Chúa Giêsu, đó là người môn đệ sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. “Nghỉ ngơi” ám chỉ đến việc nghỉ trong ngày Sabbath, là hình ảnh trong Nước Thiên Chúa (x. Gr 6:16). Các môn đệ được nghỉ ngơi bồi dưỡng vì họ không còn mang gánh nặng nề của lề luật, nhưng mang ách nhẹ nhàng của tình yêu đầy hiền lành và khiêm nhường. Khi nói đến điều này, Chúa Giêsu đặt trước thính giả sự so sánh giữa Luật Ngài giải thích với halaka của người Pharisêu. Sự so sánh xảy ra vì khi nói về số lượng thì lời dạy của Chúa Giêsu có thể nói dễ hơn vì ngắn hơn, đồng thời tập trung vào những điều quan trọng. Còn khi nói về chất lượng thì điều Chúa Giêsu dạy lại khó hơn nhiều bởi vì những đòi hỏi về tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân không thể được vắt cạn, không có giới hạn, không có điều kiện. Nói cách khác, lời dạy của Chúa Giêsu khó hơn vì sự công chính Ngài đòi hỏi nơi người môn đệ phải trổi vượt (x. Mt 5:20). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Là những người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải tránh thái độ “làm việc tối thiểu, làm cho xong việc.” Chúng ta phải làm mọi việc với lòng yêu mến cao nhất hầu đạt được kết quả tốt nhất mà Thiên Chúa hằng mong ước ở chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB