(St 2:18-25; Mc 7:24-30)
Chúng ta thường nói những người có nhà cao cửa rộng, công việc ổn định và có gia đình êm ấm là hạnh phúc. Nói theo cách khác, những ai thực hiện được giấc mơ của mình là hạnh phúc. Tuy nhiên, những hạnh phúc của con người luôn có giới hạn. Không ai trong chúng ta được hạnh phúc luôn mãi: Hôm nay cười, ngày mai sẽ có buồn phiền, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày đó (x. Mt 6:34). Lời Đáp Ca hôm nay trình bày cho chúng ta một loại người luôn hạnh phúc, không chỉ ở đời này mà cả đời sau, đó là những người kính sợ Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay những người kính sợ Chúa.” Kính sợ Thiên Chúa làm cho chúng ta cẩn thận hơn trong từng quyết định và thái độ sống của mình; làm cho chúng ta hiền dịu, tế nhị, thông cảm và nhất là khiêm nhường hơn trong tương quan của chúng ta với Chúa và với nhau. Sách Châm Ngôn dạy chúng ta rằng: Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối mọi khôn ngoan (x. Cn 9:10). Chúng ta hãy tìm hạnh phúc trường cửu trong việc “kính sợ và làm theo ý Thiên Chúa,” hơn là hạnh phúc chóng qua trong việc “sợ hãi và làm vui lòng con người.”
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy sự khác biệt trong việc sáng tạo người nam người nữ giữa hai trình thuật sáng tạo Tư Tế và Yawist. Trong trình thuật sáng tạo Tư Tế [chúng ta nghe trong bài đọc 1 hôm qua], người nam và người nữ được sáng tạo cùng lúc theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (St 1:26-27). Còn trong trình thuật sáng tạo Yawist, người nam được sáng tạo trước và người nữ được sáng tạo từ “cạnh sườn” của người nam. Sự khác biệt này không có ý nói đến sự bất đồng của các tác giả Sách Thánh trong việc thuật lại sáng tạo con người của Thiên Chúa. Sự khác biệt này nói lên sứ điệp Tin Mừng mà từng tác giả muốn truyền tải cho người nghe của mình trong những khoảng không gian và thời gian hoàn toàn khác biệt: trình thuật sáng tạo Yawist cho những người Do Thái thời Solomon [thời an bình thịnh vượng], còn trình thuật Tư Tế cho những người Do Thái trong thời lưu đày [thời kỳ sống giữa dân thờ ngẫu tượng và bị cám dỗ bỏ quên Thiên Chúa qua việc không giữ luật ngày sabát]. Tuy nhiên, cả hai trình thuật có cùng một sứ điệp, đó là: Con người là tạo vật tuyệt hảo nhất mà Thiên Chúa đã sáng tạo nên và “muốn trong chính nó.” Như thế, con người “nợ” Thiên Chúa sự sống của mình và vì vậy con người luôn “lệ thuộc” Ngài trong mọi sự. Điều này cho thấy, sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa siêu vượt thời gian và không gian. Nó không bao giờ thay đổi, nhưng có khả năng diễn tả chính mình cách mới mẻ cho con người qua mọi thời đại. Nếu con người biết lắng nghe và mở rộng tâm hồn để đón nhận lời Chúa trong hoàn cảnh sống cá biệt của mình, thì con người sẽ được biến đổi.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong trình thuật sáng tạo Yawist về con người nằm ở câu: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2:18). Con người ở một mình không tốt. Con người cần một trợ tá. Nhưng con người không thể tìm thấy bất kỳ trợ tá nào trong các tạo vật khác: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (St 2:19-20). Cuối cùng con người chỉ tìm thấy trợ tá tương xứng nơi người nữ, một nhân vị khác giống với mình: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2:23). Thiên Chúa muốn nói gì qua điều này? Ngài muốn nói rằng: Con người là một hữu thể có tính xã hội. Con người cần người khác để trợ giúp mình. Tuy nhiên, trợ tá tương xứng để trợ giúp con người không phải là những tạo vật “vô hồn,” nhưng là những “nhân vị được sinh động bởi linh hồn bất tử.” Nhưng trong cuộc sống thường ngày, chúng ta chứng kiến nhiều người trong chúng ta yêu “sự vật” hay “công việc” của mình hơn những người anh chị em. Chúng ta xem những “con vật” hay “sự vật” như “bạn đồng hành” không thể thiếu. Nhiều khi chúng ta nổi giận với anh chị em của mình khi họ làm “tổn thương” con vật hoặc công việc chúng ta yêu thích. Khi làm như thế, chúng ta đã hạ phẩm giá của anh chị em mình xuống thấp hơn giá trị của một “con vật” hay “sự vật.” Tóm lại, chúng ta chỉ tìm thấy những trợ tá tương xứng nơi những con người và sự cô đơn của chúng ta không thể bị phá huỷ bằng tương quan chúng ta có với “con vật” hoặc “sự vật,” nhưng chỉ bằng tương quan lành mạnh với anh chị em và nhất là tương quan với Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối tư tưởng trên qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Hy Lạp. Nếu chỉ đọc thoáng qua, chúng ta thấy nó có cấu trúc của một trình thuật nói về việc Chúa Giêsu chữa bệnh. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ đoạn Tin Mừng này, chúng ta nhận ra điểm tập trung nằm ở cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ “ngoại lai” này. Như chúng ta biết, cuộc đối thoại xảy ra trong vùng đất của dân ngoại. Trong câu trả lời trước thỉnh cầu của người phụ nữ chữa con mình, Chúa Giêsu có vẻ tỏ thái độ loại trừ những người không phải là người Do Thái khỏi danh sách những người được đón nhận ơn cứu độ mà Ngài mang đến. Đứng trước “câu nói có vẻ loại trừ” của Chúa Giêsu, người phụ nữ bình tĩnh trả lời bằng cung giọng ‘nhẹ nhàng lên án” cái nhìn loại trừ và chỉ ra rằng trong ý định của Thiên Chúa, những người ngoại giáo cũng có chỗ trong kế hoạch cứu độ của Ngài. Câu trả lời của bà đưa chúng ta trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Điều mà bài đọc 1 trong sách Sáng Thế nhắm đến: Ngay từ ban đầu, người nam và nữ là những “trợ tá tương xứng” của nhau, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo hoặc ngôn ngữ. Chi tiết này chỉ cho chúng ta thấy những người mà Tin Mừng Thánh Máccô, muốn nhắm đến, đó là những người không phải là người Do Thái. Đọc câu chuyện này, những thính giả của Thánh Máccô xem nó là chính câu chuyện của họ: Họ tìm thấy chỗ trong dân của Thiên Chúa. Còn mỗi người chúng ta thì sao: chúng ta đã tìm thấy chỗ của chính mình trong trái tim của Chúa và trong trái tim của nhau chưa?
Một chi tiết khác trong bài Tin Mừng hôm nay mà chúng ta có thể suy gẫm là sự việc người Do Thái thường coi những người dân ngoại là “chó.” Đây là một từ chứa đựng một sự xúc phạm nặng nề. Điều này cũng đúng ngay trong nền văn hoá việt nam của chúng ta. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng, Thánh Máccô sử dụng từ “chó con” để làm giảm đi tính xúc phạm của nó. Nhưng trong nghệ thuật của mình, khi sử dụng từ “chó con” để đặt vào miệng Chúa Giêsu: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” (Mc 7:27), Thánh Máccô muốn nói lên rằng: Chúa Giêsu không chỉ thử niềm tin của bà, nhưng còn mở ra một con đường bà tìm thấy ý nghĩa trong “lời nói có vẻ xúc phạm” của người khác. Và người phụ nữ hiểu được điều đó liền nắm bắt cơ hội này và thưa với Chúa Giêsu một cách đầy ý nghĩa rằng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ” (Mc 7:28). Bà dùng chính hình ảnh “chó con – trẻ nhỏ” để đáp lại hình ảnh “con cái – chó con” của Chúa Giêsu. Hình ảnh ăn những mảnh vụn dưới bàn được tìm thấy trong sách Thẩm Phán (1:7). Trong câu trả lời của mình, người phụ nữ Hy Lạp không từ chối việc ơn cứu độ dành cho người Do Thái (con cái), nhưng bà lên án việc loại bỏ dân ngoại (chó con) khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa. Như vậy, trong câu nói này, bà khẳng định tính cách phổ quát của ơn cứu độ của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu không chỉ đem ơn cứu độ cho dân Israel, nhưng còn cho mọi người. Chúng ta rút ra được điều gì từ ý tưởng này? Những người có con tim không “loại trừ” người khác là những người có khả năng tìm thấy “ý nghĩa” trong cái “vô nghĩa” và nhất là tìm thấy “sự khôi hài của Thiên Chúa” trong “những xúc phạm của con người.”
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB