(2 V 24:8-17; Mt 7:21-29)
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về khởi đầu của cuộc vây đánh Thành Giêrusalem của Nabucôđônôxô, vua Babylon. Trong câu chuyện này, chi tiết đáng lưu ý là việc vua Giơhôgiakhin đã không sống theo đường lối và mệnh lệnh của Đức Chúa: Giơhôgiakhin lên ngôi vua khi được mười tám tuổi, và trị vì ba tháng ở Giêrusalem. Mẹ vua tên là Nơkhútta, con gái ông Ennathan, bà là người Giêrusalem. Vua đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, hệt như vua cha” (2 V 24:8-9). Đọc lịch sử của dân Israel, chúng ta thấy có một cái “vòng luẩn quẩn” mà dân thường đi vào, đó là: phạm tội, bị phạt, sám hối, được giải thoát. “Vòng luẩn quẩn” này được thấy trong bài đọc 1 hôm nay khi vua Giơhôgiakhin làm điều dữ trước mặt Đức Chúa. Hệ quả là ông và nhiều phú hào trong dân bị đày sang Babylon: “Vua bắt toàn thể Giêrusalem, mọi tướng lãnh và mọi dũng sĩ đi đày, tất cả là mười ngàn người phải đi đày, cùng với mọi thợ rèn và thợ làm khoá, không sót lại một ai, trừ dân cùng đinh trong xứ. Vua đày vua Giơhôgiakhin sang Babylon; vua đày mẹ vua này, các cung phi, các thái giám và phú hào trong xứ, từ Giêrusalem sang Babylon. Tất cả những người có thế giá, bảy ngàn người, thợ rèn và thợ làm khoá, một ngàn người, và tất cả các binh lính cũng bị vua đày sang Babylon” (2 V 24:14-16). Thành thật mà nói, chúng ta cũng thường đi trong cái vòng luẩn quẩn này: phạm tội, thấy có lỗi, sám hối, được tha. Điều này giúp chúng ta nhận ra thân phận yếu đuối của mình. Chúng ta phải sống khiêm nhường và cần đến Chúa thật nhiều. Khi chúng ta “quên” Thiên Chúa và những huấn lệnh của Ngài, chúng ta sẽ luôn kết thúc trong đau thương và nước mắt của việc hối lỗi. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn ở bên, đồng hành và tha thứ mỗi khi chúng ta quay về với Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm hai trình thuật: (1) câu chuyện về phán xét sau cùng được mô tả (Mt 7:21-23) và (2) “dụ ngôn” về ngôi nhà được xây trên đá và cát (x. Mt 7:24-29). Trước khi mô tả cho các môn đệ về cảnh phán xét sau cùng, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ về điều kiện để được vào Nước Trời: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Những lời này khẳng định việc tuyên xưng ngoài môi miệng không đủ để được vào Nước Trời. Điều kiện để vào Nước Trời là “thi hành ý muốn” của Thiên Chúa. Điều kiện này giả định quá trình lắng nghe, tìm kiếm. Chỉ khi lắng nghe, tìm thấy thì mới đem ra thực hành. Như thế, để được vào Nước Trời, chúng ta phải lắng nghe, tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Nhưng chúng ta tìm thấy thánh ý Thiên Chúa ở đâu? Những lời tiếp theo của trình thuật Tin Mừng chỉ cho thấy ý muốn của Thiên Chúa được tìm thấy trong lời dạy của Chúa Giêsu.
Trong quang cảnh phán xét sau cùng, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết, những lời nói và việc làm nhân danh Ngài cũng không phải là chứng từ bảo đảm để được diện kiến dung nhan Thiên Chúa: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!’” (Mt 7:22-23). Ở đây, điểm được nhấn mạnh là không ai xem mình là kẻ chiến thắng trong ngày phán xét cuối cùng dựa trên những lời nói đúng hoặc những việc làm vĩ đại dựa trên sức mạnh thiêng liêng. Chỉ có cuộc sống tràn đầy tình yêu và đức công bình mới mang lại cho người đó niềm vui vì được cứu độ. Thánh Mátthêu sử dụng hình ảnh này để khuyến cáo những người tự xem mình là công chính và chắc chắn sẽ được cứu độ dựa trên sức riêng mình, rồi loại trừ người khác. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng tự hào về những lời nói hay, hoa mỹ và những việc làm tốt của mình, để rồi có cái nhìn loại trừ với anh chị em mình. Chúng ta cần sống khiêm nhường, vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ những lời hay tiếng đẹp của chúng ta.
Dụ ngôn xây dựng nhà trên đá và cát đưa ra cho chúng ta một bức tranh tương phản: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7:24-27). Dụ ngôn này kết thúc bài giảng của Chúa Giêsu bằng việc trở lại với đề tài giao ước. Cụ thể là nói về hai lối sống. Điều đáng lưu ý ở đây là hành động của hai lối sống: Họ giống nhau trong việc nghe lời Chúa Giêsu, nhưng chỉ khác nhau trong việc thực hành hoặc không thực hành. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về đời sống hằng ngày của mình. Ai trong chúng ta khi đến nhà thờ cũng đều lắng nghe các bài đọc lời Chúa. Nhưng sự khác biệt là: có người nghe và đem ra thực hành trong đời sống, còn có người nghe rồi để ngoài tai. Lời Chúa không có khả năng “nhập thể” trong cuộc đời của họ. Chúng ta đang thuộc loại người nào trong hai loại người trên?
Bài Tin Mừng kết thúc với thái độ kinh ngạc của người nghe: “Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7:28-29). Những lời này giúp chúng ta sống lời dạy của dụ ngôn trên: Chỉ những người đến lắng nghe lời Chúa với thái độ kinh ngạc, đầy thuyết phục vì biết rằng lời Chúa Giêsu có uy quyền, có khả năng thay đổi cuộc sống của họ, thì mới có khả năng lắng nghe và đem ra thực hành những gì Chúa Giêsu dạy.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB