Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật XV Thường Niên – Hãy Mang Lấy Ách Nhẹ Nhàng Của Chúa Giêsu

(Xh 3:13-20; Mt 11:28-30)

Trong tất cả mọi mối tương quan, điều đầu tiên người ta cho nhau biết về mìng là cho biết tên. Cho biết tên là cánh cửa để bước vào đời sống một con người. Tên mạc khải con người. Khi nghe tên, chúng ta liền liên tưởng đến con người với những đặc tính quen thuộc mà chúng ta đã cảm nghiệm. Ví dụ khi nói đến tên “Mai,” ngay lập tức trong tâm trí chúng ta hiện lên hình ảnh và những đặc tính của người tên Mai chúng ta biết. Trong bài đọc 1, Thiên Chúa cũng mạc khải tên cho Môsê. Đây là mạc khải nền tảng nhất về Thiên Chúa cho dân Israel. Tên thường mạc khải con người. Nói đến tên là nói đến con người. Chính vì lý do này, con cái Israel không được kêu tên Đức Chúa, vì tên Ngài thánh thiện. Khi Thiên Chúa mạc khải tên Ngài là: “Ta là Đấng Ta Là” [hay “Ta là Đấng Hiện Hữu”], Đức Chúa nói đến “bản chất” của Ngài là luôn hiện hữu. Nếu xét theo ngôn ngữ học, tên Đức Chúa luôn ở thì “hiện tại.” Ngài không phải là quá khứ, cũng không phải tương lai, nhưng là hiện tại. Điều này ám chỉ đến việc không có gì không nằm dưới sự kiểm soát của Ngài vì không có gì mà không đi qua hiện tại. Người ta thường nói: quá khứ là hôm nay đã đi qua và ngày mai là hôm nay nhưng chưa đến. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc sống hiện tại của mình cho tốt. Nhiều người trong chúng ta để cho quá khứ thống trị đến nỗi rơi vào một trong hai tình trạng sau: thất vọng hoặc đau buồn vì một quá khứ đau buồn, hoặc kiêu ngạo, tự cao vì một quá khứ thành công. Trái lại, có nhiều người lại sống trong “sự mơ tưởng” về một tương lai tươi sáng đến nỗi không còn sống thực tế. Có câu nói rằng: Việc “chúng ta là” là món quà Chúa ban; nhưng việc “chúng ta trở thành” là món quà chúng ta dâng lại cho Chúa. Việc chúng ta trở thành được quyết định bởi những chọn lựa của giây phút hiện tại. Hãy chọn, hãy sống giây phút hiện tại với niềm vui và tình yêu thì quá khứ cùng với tương lai sẽ tràn ngập hạnh phúc.

Chi tiết thứ hai chúng ta có thể suy gẫm trong bài đọc 1 là việc Đức Chúa mạc khải chình mình như một Thiên Chúa, Đấng giải thoát dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Ngài cũng là Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với lời hứa cho các tổ phụ của dân Israel. Tuy nhiên, Thiên Chúa này là Đấng “đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai Cập” (Xh 3:16). Những lời này làm cho con tim của chúng ta ấm lại vì Thiên Chúa không phải là Đấng xa vời, ngự trên chín tầng trời, không có liên quan gì đến con người. Ngược lại, Ngài là một Thiên Chúa thật sự quan tâm đến từng người trong chúng ta và những nỗi thống khổ mà chúng ta đang phải đối diện. Tuy nhiên, chúng ta phải tự hỏi chính mình: Chúng ta có cho phép Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta không? Hay chúng ta nói rằng: Chúa đừng có xen vào việc của con! Chúa luôn quan tâm đến từng nhu cầu, từng thao thức, và nhất là những nỗi thống khổ mà tội lỗi đè nặng trên chúng ta. Hãy để cho Ngài giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ mà thói hư tật xấu trói buộc chúng ta.

Tâm tình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho dân Israel trong việc mạc khải cho họ tên Ngài trong bài đọc 1 được diễn tả cách cụ thể hơn trong bài Tin Mừng khi Chúa Giêsu mời gọi những ai đang sống trong cảnh sầu khổ đến với Ngài. Sau khi dâng lời tạ ơn Chúa Cha vì mạc khải những mầu nhiệm cao siêu cho những người hèn mọn, Chúa Giêsu cất tiếng gọi những người hèn mọn đến với mình. Ngày hôm qua, chúng ta đã chia sẻ về tư tưởng người hèn mọn là những người đơn sơ hoặc không có chữ nghĩa. Nhưng trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu một cách nào đó chỉ ra cho chúng ta thấy những người hèn mọn là ai. Họ là “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” (Mt 11:28). Ngài mời gọi những con người hèn mọn đến với Ngài để được “nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Trong những lời mời gọi này, Chúa Giêsu khẳng định chính mình là Sự Khôn Ngoan được ngôi vị hoá (x. Cn 8) với những đặc tính của người phụ nữ, là người sẽ mang lại sự nghỉ ngơi, an ủi. Lời mời gọi này được mở rộng cho “tất cả mọi người đang vất vả mang gánh nặng nề.” Những người này là những người bị người Pharisêu loại trừ hoặc cũng có thể là chính những người Pharisêu. Nói cách cụ thể, họ là những người đang vất vả mang gánh nặng của lề luật. Họ là những người đang bị người khác [Pharisêu] áp đặt gánh nặng lề luật lên hay là những người đang áp đặt gánh nặng lề luật lên người khác.

Hình ảnh gánh nặng lề luật được diễn tả trong hình ảnh “cái ách” mà Chúa Giêsu nói đến trong hai câu còn lại: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:29-30). Sau khi mời gọi mọi người đến với Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng, Chúa Giêsu nói họ hãy trút đi gánh nặng lề luật mà họ đang vất vả mang. Ngài mời gọi họ mang lấy ách của Ngài. Trong truyền thống Do Thái, các Rabbi thường nói đến cái ách của Torah [Luật] và cái ách của vương quyền. Nhưng trong trường hợp này, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cái ách để ám chỉ Lề Luật. Hai câu có cùng cấu trúc như sau: (1) lời mời gọi và (2) giải thích lý do. Chúng ta cùng nhau phân tích chi tiết hai câu này để rút ra điều Chúa muốn mời gọi mình.

Trong câu 29, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ thực hiện hai điều, đó là (1) mang lấy ách của Ngài và (2) học ở nơi Ngài. Như chúng ta đã trình bày ở trên, khi mời gọi các môn đệ mang lấy ách của mình, Chúa Giêsu ngụ ý mời gọi họ sống theo lời giải thích Luật mà Ngài đã dạy [được trình bày trong những chương trước, nhất là chương 5 và 6]. Ngài mời gọi họ “học” ở Ngài. Nói cách ngắn gọn, đây là lời mời gọi trở thành người môn đệ, trở thành người luôn sống trong thái độ học hỏi. Chúa Giêsu muốn các môn đệ học ở Ngài vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” Trong những lời này, Chúa Giêsu trình bày chính mình như là người thầy gương mẫu cũng như nội dung lý tưởng cho “môn học.” Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là thầy dạy và cũng là nội dung của điều Ngài dạy vì Ngài là Luật được ngôi vị hoá. Ai trong chúng ta cũng muốn học thật nhiều thứ. Nhưng lời mời gọi của Chúa Giêsu đáng làm chúng ta xét lại chính mình: chúng ta đã học nhiều, đã biết nhiều, nhưng chúng ta đã trở nên hiền lành và khiêm nhường chưa? Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính mà Chúa Giêsu muốn chúng ta học nơi Ngài. Nhìn tứ khía cạnh này, chúng ta có thể khẳng định rằng: Chỉ những ai sống hiền lành và khiêm nhường mới là những môn đệ thật của Chúa Giêsu.

Câu 30 nói đến hệ quả của việc mang lấy ách và học ở Chúa Giêsu, đó là người môn đệ sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. “Nghỉ ngơi” ám chỉ đến việc nghỉ trong ngày Sabbath, là hình ảnh trong Nước Thiên Chúa (x. Gr 6:16). Các môn đệ được nghỉ ngơi bồi dưỡng vì họ không còn mang gánh nặng nề của lề luật, nhưng mang ách nhẹ nhàng của tình yêu đầy hiền lành và khiêm nhường. Khi nói đến điều này, Chúa Giêsu đặt trước thính giả sự so sánh giữa Luật Ngài giải thích với halaka của người Pharisêu. Sự so sánh xảy ra vì khi nói về số lượng thì lời dạy của Chúa Giêsu có thể nói dễ hơn vì ngắn hơn, đồng thời tập trung vào những điều quan trọng. Còn khi nói về chất lượng thì điều Chúa Giêsu dạy lại khó hơn nhiều bởi vì những đòi hỏi về tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân không thể được vắt cạn, không có giới hạn, không có điều kiện. Nói cách khác, lời dạy của Chúa Giêsu khó hơn vì sự công chính Ngài đòi hỏi nơi người môn đệ phải trổi vượt (x. Mt 5:20). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Là những người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải tránh thái độ “làm việc tối thiểu, làm cho xong việc.” Chúng ta phải làm mọi việc với lòng yêu mến cao nhất hầu đạt được kết quả tốt nhất mà Thiên Chúa hằng mong ước ở chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB