Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật XXI Thường Niên – Làm Chứng Cho Sự Thật Dù Bị Ngược Đãi

 (Gr 1:17-19; Mc 6:17-29)

Lời thề trong lúc say sưa với cảm thức nông cạn về sự tôn trọng của vị vua, một điệu nhảy quyến rũ và một con tim tràn đầy sự căm hận kết lại tạo nên thảm cảnh bị trảm quyết của Thánh Gioan Tẩy Giả. Vị ngôn sứ vĩ đại chấp nhận số phận bị bách hại của các ngôn sứ trong Cựu Ước: sự loại trừ, chống đối và giết chết. “Tiếng kêu trong hoang địa” không ngại ngùng tố cáo tội ác, không ngại ngùng nói sự thật. Nhưng tại sao? Cái gì làm cho thánh nhân sẵn sàng từ bỏ mạng sống mình? Thánh nhân ý thức mình được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị dân chúng đón nhận Đấng Messia. Ơn gọi của thánh nhân là ơn gọi trao ban chính mình cách trọn vẹn. Quyền năng duy nhất thánh nhân sở hữu là Thần Khí của YHWH. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, nhiều người theo thánh nhân để tìm hy vọng. Thánh nhân không bao giờ để cho mình bị những vinh hoa hào nhoáng chiếm lấy mà đánh mất chân tính của mình. Kiểu sống đơn sơ của thánh nhân là kiểu sống hoàn toàn không dính bén với của cải trần thế. Con tim của thánh nhân tập trung vào Chúa và tiếng gọi mà thánh nhân nghe được từ Thánh Khí của Thiên Chúa nói trong con tim của mình. Tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa, thánh nhân có đủ can đảm để nói lời tố cáo hoặc sám hối của ơn cứu độ. Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta mừng lễ kính nhớ Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Có thể nói rằng, Thánh Gioan là người, sau các Thánh Anh Hài, đã đổ máu mình ra làm chứng cho sự thật, làm chứng cho Chúa Giêsu. Ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu trong cuộc sống cũng như trong sự chết. Lời Chúa hôm nay trình bày số phận của thánh nhân giống số phận của các ngôn sứ, nhất là ngôn sứ Giêrêmia. Chúng ta hãy để lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong suy gẫm hầu có thể học được gương sáng của thánh Gioan trong việc dám hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Chúa Giêsu.

Trong bài đọc 1, Đức Chúa ra lệnh cho Giêrêmia phải nói cho con cái Israel tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi” (Gr 1:17). Ngôn sứ phải nói những gì “Chúa muốn nói,” chứ không phải những gì mà mình muốn nói. Khi nói những điều Chúa truyền phải nói, ngôn sứ không còn sợ hãi vì “hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giuđa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ” (Gr 1:18). Tuy nhiên, một điều Đức Chúa tiên báo trước cho ngôn sứ là sẽ bị chống đối. Nhưng dù bị chống đối, vị ngôn sứ sẽ không run sợ vì có Đức Chúa ở với mình để giải thoát [“Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì – sấm ngôn của Đức Chúa – có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1:19). Trong cuộc sống thường ngày, nhiều lần chúng ta cũng sợ hãi, không làm chứng cho sự thật, không nói sự thật vì một vài “bất tiện,” hoặc lợi ích cá nhân, hoặc sợ bị chê cười. Tuy nhiên, khi nói sự thật hoặc làm chứng cho sự thật, chúng ta phải nói “với lời của Đức Chúa” chứ không nói “với lời từ cảm xúc tự nhiên” của mình. Những lời từ cảm xúc tự nhiên thường chen lẫn với cay đắng, chê cười hoặc đạo đức giả [xem mình hơn người khác]. Chỉ khi nói với lời của Đức Chúa, thì lời chứng của chúng ta mới được thấm nhiễm bởi tình yêu, kiên định, cảm thông và tha thứ.

Câu chuyện về cái chết của Gioan Tẩy giả được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về số phận của những ngôn sứ “chỉ nói cách trung thực” những lời Đức Chúa truyền cho mình. Chúng ta cùng nhau phân tích câu chuyện này theo lối kịch nghệ, đó là phân tích đặc tính của từng nhân vật trong vở “bi kịch” mang tên “Sự trảm quyết của Gioan Tẩy Giả” để xem chúng ta đang đóng vai nào trong vở bi kịch này.

Nhân vật đầu tiên là vua Hêrôđê: Đây là Hêrôđê Antipa, một trong những người con của Hêrôđê cả. Câu chuyện cho thấy việc ông làm là “sai người đi bắt Gioan và xiềng ông trong ngục” (Mc 6:17). Chúng ta vẫn tìm thấy trong vua Hêrôđê hai điều tích cực, đó là (1) vẫn còn “kính sợ” dành cho “người công chính thánh thiện” (Mc 6:20) và (2) vẫn thích nghe và muốn che chở Gioan. Nhưng hai điều tích cực này không chiến thắng được hai điều tiêu cực trong ông, đó là (1) lạm dụng quyền lực cho lợi ích riêng của mình (x. Mc 6:17) và (2) thề hứa “một cách thiếu suy nghĩ”(x. Mc 6:21-23). Trong cuộc sống của chính mình, điều gì đang chiến thắng: khuynh hướng tích cực hay tiêu cực?

Nhân vật thứ hai là Hêrôđia: Kinh Thánh cho biết bà là vợ của Philíphê, anh trai của vua Hêrôđê. Bà bỏ chồng, lấy em trai của chồng (x. Mc 6:17). Một trong những đặc tính làm cho nhiều người “nhớ” bà nhiều nhất, đó là bà luôn “căm thù ông Gioan và muốn giết ông,” vì ông chống lại những việc sai trái của bà (x. Mc 6:19). Lòng căm thù đó khiến cho bà tìm đủ mọi cách để giết chết Gioan và khi có cơ hội bà liền nắm lấy để thực hiện điều toan tính của bà mà không suy nghĩ (x. Mc 6: 24-28). Trong lòng bà chỉ có một điều, đó là đạt được mục đích của mình bằng mọi cách dù phải “hy sinh” người khác. Chúng ta có giữ thái độ thù hằn như thế này với một ai không?

Nhân vật thứ ba là con gái của Hêrôđia: Bài Tin Mừng cho thấy cô dùng tài năng của mình để làm vui lòng người khác (x. Mc 6:22). Cô không có lập trường cho riêng mình. Cô chỉ làm theo điều người khác muốn dù cô biết điều đó là sai. Hình ảnh này cũng rất quen thuộc trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Chúng ta biết rằng, tài năng Chúa ban cho không chỉ để làm vui lòng người khác, nhưng tiên vàn để làm vinh danh Chúa qua việc phục vụ anh chị em của mình. Nói cách khác, chúng ta phải sử dụng tài năng thế nào để không tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Nhưng qua tài năng của mình Thiên Chúa được tôn vinh và anh chị em của mình được hưởng hoa lợi. Bên cạnh đó, nhiều lần chúng ta cũng đóng vai diễn này. Chúng ta không có lập trường cho riêng mình khi biết người khác sai. Chúng ta sống cho giấc mơ của người khác hơn là giấc mơ của Chúa; chúng ta cố gắng làm vui lòng người khác hơn là làm vui lòng Chúa. Nhưng nên biết rằng, không ai có thể làm vui lòng người, vì “lòng tham” của con người thì vô đáy.

Nhân vật cuối cùng là Gioan Tẩy Giả: Ông không sợ nói lên sự thật dù biết khi nói sự thật sẽ phải trả một giá thật đắt, đó là phải hy sinh mạng sống mình. Chúng ta thường nghe rằng: sự thật thì mất lòng. Nhưng nếu chúng ta không nói sự thật hoặc đối diện với sự thật để sự thật chất vấn mình, thì chúng ta đi ngược lại “khát vọng tự nhiên” của lý trí con người, đó là tìm đến sự thật. Ai trong chúng ta cũng muốn hàng thật; không ai muốn mua một món đồ giả. Ai cũng muốn người khác nói thật, sống thật với mình, nhưng tại sao lại có nhiều gian dối trong cuộc sống mỗi ngày? Chúng ta cần bắt chước Thánh Gioan Tẩy Giả, đó là sống thật và nói thật dù phải hy sinh mạng sống mình, cũng như làm mọi sự cách hiền lành và khiêm nhường.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB