Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Cảm Thông Và Tha Thứ Như Chúa Giêsu

(1 Cr 15:1-11; Lc 7:36-50)

Thánh Phaolô trong bài đọc 1 khẳng định với các tín hữu Côrintô rằng Tin Mừng ngài loan báo có sức cứu thoát họ. Ngài rao giảng cho họ những gì Ngài đã lãnh nhận: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1 Cr 15:3-8). Qua những lời này, Thánh Phaolô trình bày nội dung chính của Tin Mừng được loan báo hay còn gọi là kerygma và thánh nhân cũng cho biết, Tin Mừng ngài loan báo là đáng tin cậy vì ngài được nhìn thấy Đức Kitô. Điều này cho thấy tiêu chuẩn quan trọng nhất để trở nên chứng nhân đáng tin cậy của Chúa Giêsu là có được kinh nghiệm “trực tiếp” với Chúa Giêsu. Điều này mời gọi chúng ta vun trồng mối tương quan “trực tiếp” Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện của mình.

Một lần nữa, Chúng ta thấy Thánh Luca dùng nghệ thuật “dùng người” để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng. Ngày hôm qua, chúng ta nghe về một người nam, đó là Gioan Tẩy Giả [như ngày thứ Hai – viên đại đội trưởng] và hôm nay bài Tin Mừng trình thuật cho chúng ta câu chuyện một người phụ nữ tội lỗi đáp lại món quà tha thứ của Chúa Giêsu [như ngày thứ Ba – bà goá thành Nain]. Câu chuyện được trình thuật hôm nay là một bản công bố hùng hồn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho tội nhân, là sự mô tả tuyệt vời về sự quảng đại của những tội nhân được Thiên Chúa tha thứ, và là một bản trình thuật đúng mức về sự tự công chính hóa của những người đạo đức giả.

Bài Tin Mừng bắt đầu với việc giới thiệu “một người thuộc nhóm Pharisêu” (Lc 7:36). Đây là đại diện cho các Kitô hữu người Do Thái, là những người giữ chặt chẽ những tiêu chuẩn cứng ngắc để trở nên thành viên của cộng đoàn Thánh Luca và được tham dự vào các bữa ăn của họ. Chúng ta thấy điều này được phản ánh qua thái độ khó chịu và lên án khi người phụ nữ tội lỗi xuất hiện. Thái độ này cũng thách đố chúng ta về lối sống loại trừ và xem mình tốt và thánh thiện hơn người khác. Nếu có một ai đó chúng ta nghĩ là không thánh thiện đến với bàn tiệc của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Chúng ta hãy để Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta.

Trong khi Chúa Giêsu đang dùng bữa, thì bỗng dưng có một người “phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành” (Lc 7:37). Chúng ta cần lưu ý rằng, người phụ nữ được trình bày trong bài Tin Mừng là “người tội lỗi,” chứ chúng ta không có chứng cớ bà là một cô gái điếm như nhiều người thường nghĩ [và nói]. Từ “tội lỗi” được dùng ở đây mang nghĩa chung. Nó được dùng để nói lên thân phận con người cả nam lẫn nữ đều là tội nhân, chứ không nói đến tội liên quan đến tình dục. Khi nghe về Chúa Giêsu, người phụ nữ “liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm” (Lc 7:37) đến để “đổ lên” chân Ngài. Khác với câu chuyện về bà goá, đó là Chúa Giêsu chạm đến “người chết” để làm cho sống lại, trong câu chuyện này, người phụ nữ “chạm vào” Chúa Giêsu và được chữa lành, được tha thứ, được làm cho sống lại [đời sống thiêng liêng, chứ không phải đời sống thể lý như người con của bà goá]. Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý đến ba yếu tố nơi người phụ nữ, đó là “sự sám hối” được diễn tả qua nước mắt, “sự quảng đại” diễn tả qua bình bạch ngọc đựng dầu thơm, và “tình yêu rất con người” qua nụ hôn trên chân Chúa Giêsu.

Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu được trình bày như một vị ngôn sứ, một trong những đề tài trong Tin Mừng Thánh Luca. Chúng ta cũng thấy điều này nơi phản ứng của ông Pharisêu: “Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” (Lc 7:39). Chúa Giêsu được gọi là ngôn sứ sau khi cho người con trai bà goá sống lại. Trong câu chuyện hôm nay, Ngài cũng được gọi là ngôn sứ, nhưng là vị ngôn sứ có quyền tha thứ cho những người tội lỗi. Chi tiết này cho thấy, cái chết thiêng liêng nguy hiểm hơn cái chết thể lý. Vì vậy, việc chữa lành cũng khó hơn, vì nó liên quan đến việc tha thứ. Có nhiều người đời sống thể lý rất mạnh khoẻ, nhưng đời sống thiêng liêng thì “bệnh tật” hay đã chết. Đứng trước sự “phàn nàn” của Simôn, Chúa Giêsu sử dụng nghệ thuật đối đáp mang tính “triết học” [của Socrates] để rút ra câu trả lời từ Simôn cho việc Ngài để cho người tội lỗi chạm đến Ngài. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại này (x. Lc 7:41-47).

Chúa Giêsu: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!”

Ông Simôn: “Dạ, xin Thầy cứ nói.”

Chúa Giêsu: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”

Ông Simôn: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.”

Chúa Giêsu: “Ông xét đúng lắm.”

[Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simôn]

Chúa Giêsu: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”

Trong cuộc đối thoại này, chúng ta thấy Chúa Giêsu dẫn Simôn vào trong mầu nhiệm tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa. Ngài sử dụng dụ ngôn về hai con nợ để nói cho Simôn biết ông cũng là một con nợ, có thể không nhiều như người phụ nữ, nhưng ông không cảm nghiệm được sự tha thứ nhiều nên không yêu mến nhiều. Chúng ta thấy điều này trong lời giải thích mang tính so sánh giữa Simôn và người phụ nữ. Mặc dầu Simôn không mắc lỗi gì trong việc đón tiếp Chúa Giêsu. Điều thiếu sót của Simôn là ông đã không dành cho Chúa Giêsu bất kỳ một hành động hiếu khách đặc biệt nào. Nói cách khác, đối với ông Chúa Giêsu không có gì đặc biệt! Ngài chỉ được xem là một khách mời bình thường như bao nhiêu khách mời khác. Hành động quảng đại của người phụ nữ hoàn toàn trái ngược với thái độ “keo kiệt” của chủ nhà. Người phụ nữ xem Chúa Giêsu là người đặc biệt nhất trong cuộc đời của chị, trong bàn tiệc mà Ngài dọn cho chị! Điều này được phản chiếu qua hình ảnh “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai [anh Simôn] được tha ít thì yêu mến ít [vì anh tự cho mình là người công chính]. Chi tiết này làm chúng ta tự hỏi: Vị trí của Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng ta như thế nào? Ngài có ở vị trí đặc biệt nhất không?

Bài Tin Mừng kết thúc với thái độ “ngạc nhiên” của những người đồng bàn và họ tự hỏi: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” (Lc 7:49). Câu hỏi này đưa thính giả vượt qua việc xem Chúa Giêsu là một ngôn sứ, nhưng ẩn chứa trong đó một sự khẳng định Ngài là Chúa, Đấng có quyền tha tội. Đứng trước sự “tò mò” này, Chúa Giêsu “đổi đề tài” bằng cách “nói với người phụ nữ: ‘Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an’” (Lc 7:50). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy có một sự liên kết chặt chẽ giữa tha thứ, đức tin và sự bình an.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB