(Ep 3:14-21; Lc 12:49-53)
Thánh Phaolô trong bài đọc 1 đã khẳng định Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự trên trời dưới đất. Đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thánh Phaolô đã nguyện xin cho các tín hữu Êphêsô những điều sau: (1) củng cố con người nội tâm của họ được vững vàng [“Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng” (Ep 3:16)]; (2) được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; (3) được bén rễ sâu và xây dựng trên đức ái; (4) hiểu thấu mầu nhiệm Thiên Chúa và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3:19). Nói cách khác, Thánh Phaolô nguyện xin cho các tín hữu Êphêsô được tình yêu và sự sống viên mãn của Thiên Chúa chiếm lấy. Tâm tình của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Êphêsô là gương sáng cho chúng ta khi chúng ta đối xử với anh chị em mình. Trong đời sống cầu nguyện, chúng ta thường nguyện xin gì cho anh chị em mình, nhất là những người làm chúng ta tổn thương bằng lời nói hoặc bằng hành động? Trong mọi sự, nhất là trong đời sống cầu nguyện, hãy tìm kiếm điều tốt lành mà thực hiện cho anh chị em mình.
Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những đoạn khó giải thích vì mới đọc chúng ta thấy điều Chúa Giêsu nói về Ngài dường như trái ngược với mong đợi của con người. Những lời của Chúa Giêsu trong trích đoạn hôm nay chỉ ra cho chúng ta hai điều Chúa Giêsu đem vào thế gian: lửa và sự chia rẽ. Chúng ta phải hiểu hai điều này như thế nào?
Trước tiên chúng ta nói đến lửa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12:49-50). Theo các học giả Kinh Thánh, lửa được sử dụng ở đây ám chỉ đến sứ điệp Chúa Giêsu có năng lực thanh luyện và là nguyên nhân để phân biệt những gì là giả tạo và những gì là thật. Nói cách cụ thể hơn, sứ điệp Chúa Giêsu mang lại có sức thanh luyện con người và như thế phân biệt người sống thật [sống yêu thương] với người sống giả tạo [sống ghen ghét]. Chúa Giêsu đem lửa “sự thật” đó và mong nó bùng cháy trong con tim mỗi người chúng ta hầu thanh luyện chúng ta thành những người sống trọn vẹn cho Ngài qua việc sẵn sàng chịu phép rửa mà Ngài đã chịu. Phép rửa ở đây được sử dụng như một hình ảnh ám chỉ đến việc một người bị đè nặng bởi những tai ương, nhưng không bỏ cuộc, không chạy trốn. Đây là hình ảnh của Chúa Giêsu. Vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu hành trình lên Giêrusalem để hoàn thành cuộc xuất hành của Ngài, dù biết sẽ bị nhiều chống đối và đau khổ. Đây cũng chính là hành trình của mỗi người. Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và chống đối khi làm một người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu. Liệu chúng ta có đứng vững, vâng phục như Chúa Giêsu không hay chúng ta bỏ cuộc?
Điều thứ hai Chúa Giêsu mang đến chính là sự chia rẽ: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12:51). Chúng ta chỉ hiểu những lời này khi liên kết với hình ảnh lửa. Như chúng ta đã trình bày, lửa ám chỉ việc thanh luyện và phân tách cái chân thật khỏi cái giả tạo. Đây chính lá ý nghĩa của từ “chia rẽ.” Từ này được hiểu theo nghĩa “phân rẽ” giữa những người sống theo sứ điệp Chúa Giêsu mang đến khỏi những người không sống theo. Sự phân rẽ này xảy ra ngay chính trong gia đình: “Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12:52-53). Nói cách khác, sự phân rẽ này xảy ra ngay chính trong cộng đoàn của Thánh Luca. Nói cách cụ thể hơn, trong cộng đoàn có những người sống theo sứ điệp của Chúa Giêsu, nhưng cũng có nhiều người thì không. Chúng ta vẫn chứng kiến điều này trong ngày hôm nay. Chỉ khi chúng ta hiểu rằng để đạt được sự hoà bình, chúng ta không được đánh đổi lời Chúa cho những giá trị chóng qua ở đời này. Nói cách khác, hoà bình chỉ có được khi mọi người trong cộng đoàn sống theo sứ điệp Tin Mừng, khi mỗi người biết tha thứ cho người khác từ tận đáy con tim mình và hoà giải với nhau ngay cả khi không phải là lỗi của mình.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB