(G 19:21-27; Lc 10:1-12)
Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta tâm tình của Gióp trước những lời khuyên của những người bạn. Ông cho rằng chính Thiên Chúa là Đấng “đã đánh ông” (G 19:21). Đây cũng là điều các bạn ông đã nói, là những gì xảy ra cho ông đều đến từ Thiên Chúa. Ông cảm thấy mệt mỏi với những gì Thiên Chúa cho xảy ra trong cuộc đời của ông. Sự mệt mỏi này tăng lên khi các bạn của ông bắt chước Thiên Chúa đi săn đuổi ông (G 19:22). Tuy nhiên, dù đau khổ tột cùng, Gióp vẫn tin rằng khi mình chết thì sẽ được gặp Thiên Chúa: “Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ (G 19:26-27). Điều này giúp chúng ta hiểu rằng những đau khổ trong cuộc sống sẽ qua đi. Niềm vui đích thật của con người là được ngắm nhìn Thiên Chúa khi nhắm mắt xuôi tay. Điều quan trọng là liệu chúng ta có giữ vững đức tin trong những nghịch cảnh của cuộc sống không?
Bài Tin Mừng được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu dạy các môn đệ về đời sống rao giảng (Lc 10:1-24). Đây là bản văn suy gẫm dài nhất của Thánh Luca về sứ mệnh. Điểm đầu tiên chúng ta cần lưu ý là Thánh Luca không quan tâm đến sứ mệnh hiện tại mà các môn đệ thực hiện cho bằng tập trung vào bản chất của sứ mệnh cũng như những nguyên nhân mang lại niềm vui và nỗi buồn trong việc thực thi sứ mệnh. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng ra làm hai phần: phần 1 (Lc 10:1-12) trình bày việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ về bản chất, những thái độ và những chuẩn bị cần thiết cho sứ mệnh; phần 2 (Lc 10:17-20) nói về việc các môn đệ vui mừng về những thành quả họ đạt được khi thi hành sứ mệnh. Trong phần này, chúng ta cũng tìm thấy chi tiết của lời Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ về niềm vui đích thật mà các ông phải đạt được khi thi hành sứ mệnh. Chúng ta cùng nhau phân tích hai phần cách chi tiết để rút ra những sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta trong ngày hôm nay.
Trong phần 1, chi tiết đầu tiên đáng suy gẫm là hai “con số,” đó là “bảy mươi hai” và “hai người một” [từng cặp]. Con số bảy mươi hai có nguồn gốc trong Cựu Ước [sách Sáng Thế 10:2-31], đây là con số tượng trưng cho các quốc gia trên thế giới [con số các quốc gia được biết đến trong thời gian đó]. Khi Thánh Luca dùng con số này, thánh sử ngụ ý nói đến tính phổ quát của sứ mệnh truyền giáo mà Giáo Hội phải thực hiện. Sứ mệnh này có nguồn gốc nơi Đức Giêsu [72 người đến từ 72 quốc gia]. Điều này được diễn tả qua việc chính Chúa Giêsu “chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác.” Chi tiết này ám chỉ việc Thiên Chúa muốn cứu hết mọi người, không loại trừ một ai. Còn khi sai các môn đệ “hai người một,” Chúa Giêsu muốn các ông (1) nâng đỡ nhau, (2) làm chứng cho sự thật về những gì họ rao giảng [đây là điều kiện được đặt ra trong Đnl 19:15], (3) là hiện thân sống động của Tin Mừng bình an [không bất hoà giữa nhau] (x. câu 5-6). Một trong những ví dụ cụ thể về cặp đôi này là Thánh Phaolô và Banaba được trình bày trong chương 13 của sách Công Vụ Các Tông Đồ. Sau khi đã dàn dựng sân khấu, đó là việc nói về tính phổ quát của sứ mệnh và tính cách “làm việc chung” khi thi hành sứ mệnh, Thánh Luca bắt đầu trình bày về những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ.
Thứ nhất, Ngài dạy các ông phải biết cầu nguyện trước khi đi thi hành sứ mệnh: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10:2). Trong câu này, chúng ta thấy được sự khẩn cấp trong việc thu hoạch qua hình ảnh đối nghịch giữa “lúa chín đầy đồng” và “thợ gặt lại ít.” Sự khẩn thiết này là động lực để “xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Chi tiết cần lưu ý ở đây là người được sai đi chỉ là thợ gặt, chứ không phải là chủ mùa gặt. Nói cách cụ thể, Thiên Chúa là chủ mùa gặt, còn các môn đệ là những thợ gặt. Lúa [thành quả công việc] không thuộc về họ, nhưng thuộc về Thiên Chúa. Niềm vui của họ là được sai đi làm thợ gặt. Tuy nhiên, việc trở nên thợ gặt và được sai đi là kết quả của việc “cầu xin” [cầu nguyện]. Những chi tiết này nhắc nhở về mối tương quan cần thiết và không thể tách rời với Thiên Chúa, chủ mùa gặt, mà chúng ta cần phải có khi được sai đi. Khi không ý thức mối tương quan này, chúng ta sẽ rơi vào nguy hiểm là biến mình trở thành chủ của mùa gặt, đồng thời chiếm hữu những thành quả đúng ra phải thuộc về Chúa. Chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm này khi chúng ta ngừng cầu nguyện với Chủ mùa gặt.
Thứ hai, Ngài dạy họ về bản chất, những thái độ cần thiết khi thi hành sứ mệnh (x. Lc 10:3-11). Chúa Giêsu nói đến bản chất của sứ mệnh rao giảng trong những lời sau: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10:3). Hình ảnh “chiên đi vào giữa bầy sói” mang hai bình diện: (1) các môn đệ có thể trở nên những người không thể bảo vệ chính mình trước những dân chống đối; (2) sứ mệnh rao giảng của Kitô Giáo khởi đầu một kỷ nguyên [thời đại] mới của bình an và hoà giải trong đó chiên sẽ nằm với sói (x. Is 11:6; 65:25). Hai bình diện này chi phối những lời dạy tiếp theo của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể thấy điều này trong ba trường hợp sau: (1) với cá nhân – “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” Không mang tiền, bao bị, giáy dép nói lên việc người môn đệ không có gì để dựa vào hầu bảo vệ chính mình. Còn đừng chào hỏi ai dọc đường liên quan đến bình an đích thật mà các môn đệ loan báo trong bối cảnh gia đình và thành [nước]; (2) với gia đình [“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10:5)] – chúng ta cũng thấy hai điều đối ngược xảy ra: “Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10:6). Nếu được đón tiếp, họ “ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” (Lc 10:7); (3) với thành [nước] – họ sẽ làm nhiều việc hơn trong những thành họ được đón tiếp, đó là “cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (Lc 8-9). Những lời này cho chúng ta thấy rằng qua việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành những người đau yếu, Triều Đại Thiên Chúa được thể hiện. Tuy nhiên, khi bị chối từ, “họ sẽ giũ bụi đất ở chân trả lại thành.” Những lời này có ý khuyến cáo các môn đệ rằng không phải vì không được đón tiếp mà họ quên rao giảng sứ điệp Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, dù “bực mình” vì không được đón nhận, nhưng các môn đệ không bao giờ quên trách nhiệm của mình, đó là nói cho thành đó “biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Chi tiết này muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì? Trong việc rao giảng Tin Mừng [hoặc sống đạo], chúng ta phải vượt qua sự khó chịu, bực mình với một ai đó [ông cha, bà sơ, một người trong ban hành giáo, v.v.] để tiếp tục rao giảng Tin Mừng, tiếp tục sống dấn thân, sống yêu thương, sống tốt. Đừng vì bất kỳ ai mà ngừng làm môn đệ Chúa Giêsu!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB