Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật XXXIII Thường Niên – Trở Nên Của Lễ Dâng Chúa Như Mẹ

(Dcr 2:14-17; Mt 12:46-50)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội kính nhớ lễ Mẹ Maria dâng mình trong đền thờ. Thánh lễ này được cử hành ở Giêrusalem vào thế kỷ thứ 6. Một nhà thờ được xây dựng ở đây để tôn kính mầu nhiệm này. Giáo Hội Đông Phương dường như yêu thích thánh lễ này hơn. Thánh lễ này chỉ xuất hiện trong Giáo Hội Tây phương vào thế kỷ 11. Dù cho lễ này có lần biến mất khỏi lịch phụng vụ, vào thế kỷ 16, nó trở thành lễ cho toàn Giáo Hội. Giống như việc Đức Maria được sinh ra, việc Mẹ dâng mình trong đền thờ chỉ được đọc thấy trong văn chương nguỵ thư. Trong những gì được đón nhận như là trình thuật không mang tính lịch sử, Protoevangelium của Thánh Giacôbê nói cho chúng ta hay rằng Thánh Gioakim và Thánh Anna đã dâng hiến Mẹ Maria cho Thiên Chúa trong đền thánh khi Mẹ được 3 tuổi. Điều này được thực hiện để hoàn thành lời hứa với Thiên Chúa khi Anna trong thời gian không có con. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi để dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa hầu hoàn thành lời hứa với Thiên Chúa trong ngày rửa tội. Chúng ta để lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong thái độ dâng hiến của mình.

Ngôn sứ Dacaria trong bài đọc 1 hôm nay nói về hình ảnh con gái Xion, hình ảnh thường được sử dụng để nói về Giáo Hội hoặc Mẹ Maria. Đây là lời sấm ngôn mời gọi con dân Israel “hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi” Dcr 2:14). Những lời này cho thấy lý do của niềm vui là việc Thiên Chúa đang đến để ở lại giữa Xion. Thiên Chúa cũng đến với chúng ta mỗi ngày, chúng ta có vui sướng reo hò không? Hay lòng chúng ta để cho sự lo âu và phiền muộn của trần thế cướp mất niềm vui có Chúa trong tâm hồn chúng ta?

Những chi tiết diễn tả trọn vẹn việc Mẹ Maria dâng mình trong đền thờ được Ngôn sứ Dacaria trình bày là Mẹ trở thành “dân thánh” của Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ “cư ngụ” trong cung lòng Mẹ. Bên cạnh đó, Mẹ nhận biết sứ mệnh của mình là được sai đến với người khác hầu mang niềm vui có Chúa đến cho họ. Mẹ được Đức Chúa lấy làm cơ nghiệp, là sở hữu riêng của Ngài. Cuộc đời của Mẹ được đón nhận như của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (x. Dcr 2:15-17). Chúng ta cũng đã được hiến dâng cho Chúa trong ngày rửa tội. Nhưng nhiều khi chúng ta lấy lại điều đã dâng. Chúng ta không để cho Thiên Chúa chiếm lấy và biến chúng ta thành cơ nghiệp của riêng Ngài. Chúng ta vẫn còn để cho mình làm nô lệ của những thói hư tật xấu, những đam mê trần thế. Hãy rộng mở cõi lòng để Thiên Chúa ngự vào. Hãy biến ngày sống và cuộc sống của mình thành của lễ đẹp lòng dâng lên Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta một trong những biến cố về sự xuất hiện của Mẹ Maria trong thời gian Chúa Giêsu đi rao giảng. Trong biến cố này, chúng ta thấy sự xuất hiện của Mẹ như là một “nhân vật bắc cầu.” Chúng ta cũng có thể tìm thấy đoạn trích này trong Tin Mừng Thánh Máccô (3:31-35) và Luca (8:19-21). Tuy nhiên, sự khác biệt là Thánh Mátthêu định hướng cuộc hội thoại trong câu chuyện để cao điểm [câu trả lời của Chúa Giêsu trong câu 48-50] trở nên chặt chẽ và những yếu tố khác nhau của nó làm sáng tỏ nhau một cách hỗ tương. Chúng ta có thể nói rằng, đây là một câu chuyện xảy ra cách “ngẫu nhiên” trong khi “Đức Giêsu còn đang nói với đám đông” (Mt 12:46). Chúa Giêsu sử dụng sự “ngẫu nhiên” để dạy cho thính giả về việc tìm thấy ý nghĩa trong cái “ngẫu nhiên.” Sự kiện ngẫu nhiên ở đây là việc “mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người” khi Chúa Giêsu đang nói với đám đông. Sự kiện này làm nhiều người thắc mắc và muốn Chúa Giêsu ngừng công việc giảng dạy của mình để đáp ứng nhu cầu của những người thân ruột thịt: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy” (Mt 12:47). Thay vì làm theo cách tự nhiên như bao nhiêu người khác, Chúa Giêsu sử dụng đưa sự kiện đang xảy ra vào trong bài giảng của Ngài: “Người bảo kẻ ấy rằng: ‘Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?’ Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi’ (Mt 12:48-50). Trong những lời này, Thánh Mátthêu định nghĩa gia đình thật của Chúa Giêsu. Nói cách cụ thể hơn, những người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu là những người vâng phục Thiên Chúa và thực hành thánh ý Ngài với niềm tin. Thật vậy, những người được dâng cho Thiên Chúa là những người thuộc về gia đình của Chúa Giêsu. Tiêu chuẩn duy nhất để khẳng định việc thuộc về gia đình của Chúa Giêsu là thi hành ý muốn của Thiên Chúa, là sống tinh thần “xin vâng” của Đức Mẹ. Hãy sống tinh thần vâng phục của những người con thảo với Thiên Chúa. Đó là của lễ đẹp nhất mà chúng ta có thể dâng lên Ngài.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB