(Kh 18:1-2.21-23; 19:1-3.9a; Lc 21:20-28)
Thị kiến của Thánh Gioan được thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về sự sụp đổ của Babylon: “Sụp đổ rồi, sụp đổ rồi, thành Babylon vĩ đại! Nó đã trở nên sào huyệt của ma quỷ, hang ổ của mọi thứ thần ô uế, hang ổ của mọi thứ chim chóc ô uế và đáng ghét” (Kh 18:2). Những lời trên chỉ ra cho chúng ta biết lý do sụp đổ của Babylon. Như chúng ta biết, hình ảnh Babylon trong sách Khải Huyền ám chỉ đến Rôma. Điều gì sẽ xảy ra cho Babylon khi nó xụp đổ: “Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng nhạc sĩ gảy đàn, ca hát, thổi sáo và thổi kèn. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn thấy thợ thủ công thuộc mọi ngành nghề. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cối xay bột nữa. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn thấy ánh sáng đèn chiếu rọi. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cô dâu chú rể. Bởi vì các con buôn của ngươi từng là kẻ quyền thế trên mặt đất, bởi vì ngươi đã dùng phù phép mà làm cho muôn nước mê hoặc” (Kh 18:22-23). Trong những lời này, chúng ta thấy Babylon sẽ không còn tìm thấy niềm vui của những lễ hội. Còn lại chăng chỉ là tiếng khóc tiếng than van. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về cuộc sống thiếu niềm vui sâu kín trong tâm hồn khi chúng ta không có Chúa. Những người sống trung thành với Chúa trong những khó khăn sẽ luôn tìm thấy được niềm vui trong tâm hồn như những khách đi dự tiệc cưới: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!” (Kh 19:9a). Chúng ta sống ngày sống của mình như thế nào: với niềm vui có Chúa hay với khuôn mặt khó chịu không hạnh phúc?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết về những dấu hiệu và những điều sẽ xảy ra cho Giêrusalem. Đồng thời, Ngài cũng nói cho các môn đệ biết họ sẽ phải làm gì khi ngày đó xảy ra. Chúa Giêsu bắt đầu lời giảng dạy của Ngài với lời tiên báo về sự phá huỷ của Giêrusalem: “Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành” (Lc 21:20). Chi tiết này tiếp tục tư tưởng đã được trình bày trong những ngày vừa qua, đó là không có thành trì nào trên trần gian này là vững chắc. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới là thành trì vững chắc mà thôi.
Sau khi tiên báo về điều sẽ xảy ra cho Giêrusalem, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải làm gì trong ngày đó: “Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành” (Lc 21:21). Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ tìm một nơi an toàn, nhưng đó không phải là Giêrusalem, nơi mà người Do Thái cho là an toàn nhất vì là nơi Thiên Chúa ngự trị trong Đền Thờ. Chi tiết này ám chỉ đến việc Thiên Chúa không thể bị “giam hãm” trong Đền Thờ. Toàn cõi vũ trụ thuộc về Ngài và các môn đệ phải tìm Ngài nơi Ngài muốn chứ không phải nơi họ muốn “giam” Ngài. Mỗi ngày sống của chúng ta là một cơ hội để tìm thấy Chúa nơi Ngài muốn gặp gỡ chúng ta. Hãy cho phép Chúa gặp chúng ta nếu chúng ta không muốn gặp Ngài.
Sau khi khuyên các môn đệ phải làm gì trong ngày của Con Người, Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ biết những dấu hiệu sẽ xảy ra trong ngày đó. Những dấu hiệu được chia ra làm hai loại: dấu hiệu xảy ra cho Giêrusalem và dấu hiệu xảy tra trong thiên nhiên. Trước khi trình bày hai loại dấu hiệu này, Chúa Giêsu nói đến ngày báo oán: “Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!” (Lc 21:22-23). Thuật ngữ “ngày đó” ám chỉ đến sự “báo oán” mà qua đó Thiên Chúa minh chứng cho các tôi trung của Ngài đã bị bách hại. Nói cách cụ thể hơn, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta chứng kiến có nhiều thứ không được minh chứng. Có nhiều người lìa khỏi cõi đời này mà những hiểu lầm hoặc bất công làm cho họ không được minh chứng. Chúa Giêsu nói cho chúng ta hay rằng mọi sự sẽ được mình chứng trong ngày của Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta đừng để cho những hiểu lầm và bất công làm cho mình ngừng sống phục vụ và yêu thương.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB