(St 37:3-4.12-13a.17b-28; Mt 21:33-43.45-46)
Lời Chúa ngày hôm nay kể về hai câu chuyện của hai người con. Hai hình ảnh hoàn toàn khác nhau: một người là một trong số 12 người con, trong khi người kia là con một. Nhưng cả hai có điểm tương đồng như sau: cả hai người gặp đau khổ vì người khác tạo ra cho mình. Chúng ta thấy ở đây kỳ công Chúa đã thực hiện trong cả hai trường hợp. Hay nói đúng hơn, qua hai câu chuyện, chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa tuyệt hảo như thế nào. Đây là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta khi chúng ta phải mang thập giá người khác tạo ra cho mình: Thiên Chúa sẽ biến nước mắt của chúng ta thành niềm vui.
Câu chuyện về Giuse trong bài đọc 1 tiếp tục nói về sự đổ vỡ của tương quan trong gia đình nhân loại. Những tuần trước chúng ta đã chia sẻ với nhau về đổ vỡ trong tương quan vợ chồng của hôn nhân đầu tiên của nhân loại giữa Adam và Eva, về đổ vỡ trong tương quan huynh đệ giữa hai anh em đầu tiên là Cain và Abel. Và hôm nay, chúng ta chứng kiến sự đổ vỡ ngay trong gia đình mà từ đó 12 chi tộc của dân thánh Israel sẽ được sinh ra. Nhìn lại những đổ vỡ này, chúng ta nhận ra rằng: nguồn gốc của đổ vỡ là do ghen tỵ, là do việc không chấp nhận giới hạn của mình nên không muốn người khác hơn mình.
Từ thực tế cuộc sống, chúng ta phải chân nhận rằng khi người khác được quan tâm và yêu thương hơn mình, chúng ta thường có cảm giác khó chịu và nhiều khi chúng ta trở nên tự ti, ghen tỵ và khép kín. Đôi khi chúng ta tỏ ra thái độ không mấy thiện cảm với người kia. Các anh của Giuse thấy cha yêu và quan tâm cậu hơn họ, nên họ “sinh lòng ghét cậu và không thể nói năng tử tế với cậu” (St 37:4). Được yêu nhiều và quan tâm hơn không phải là lỗi của Giuse. Lỗi của Giacóp chăng? Những người anh của Giuse có thể nghĩ rằng Giacóp đã không đối xử công bằng với họ. Ông không thương mọi người như nhau và đó là lý do làm cho họ ghen tỵ và là nguyên nhân dẫn họ đến việc đối xử “tàn nhẫn” với Giuse. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, trong Kinh Thánh, chúng ta thường thấy người con út hoặc trẻ hơn đều được yêu thương và quan tâm hơn (như Abel, Giuse, David, v.v.). Điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là, hình ảnh người con trẻ đại diện cho sự thiếu trưởng thành nên cần được chăm sóc và quan tâm. Còn những người đã trưởng thành thì không cần đến điều này vì họ đã biết yêu và cảm nhận được mình được yêu. Chúng ta rút ra được điều gì trong chi tiết này? Những người luôn đi tìm sự quan tâm, yêu thương và chú ý của người khác, có thể nói, là những người chưa trưởng thành vì họ chưa biết yêu và chưa cảm nghiệm là họ được yêu. Người trưởng thành là người không ghen tỵ với người khác và cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc khi người khác được yêu và quan tâm hơn mình, vì điều đó cho biết mình đã trưởng thành và biết thế nào là yêu và được yêu.
Điều chúng ta thường thấy trong lịch sử con người là trong sự dữ luôn có sự hiện diện của sự thiện, trong những mưu toan phá huỷ cũng có kế hoạch xây dựng. Chúng ta thấy trong câu chuyện của Giuse có sự hiện hữu của “cha của kẻ nói dối”: các người anh mưu toan giết Giuse và nói dối với Giacóp là cậu bị thú dữ ăn thịt (x. St. 37:20). Chúng ta thấy sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa trong bài đọc 1 hôm nay qua hình ảnh Rưuvên và sau đó là của Giuđa. Chính những “toan tính tốt lành” của họ mà Thiên Chúa đã thực hiện công trình vĩ đại của Ngài là cứu dân Israel khỏi cảnh túng thiếu lương thực trong khi hạn hán. Trong những đắng cay của cuộc đời luôn có sự an ủi dịu ngọt của Thiên Chúa.
Chúng ta thấy phản ứng của Giuse trong câu chuyện thật khác thường: Cậu không chống lại, không nói lời nào. Cậu hoàn toàn thinh lặng. Hình ảnh của Thánh Giuse trong Tân Ước được phản chiếu ở cậu: anh chàng chiêm bao. Điều này chúng ta cũng thấy rõ ràng trong hình ảnh của Thánh Giuse: Chúa luôn báo cho Ngài mọi sự Ngài cần thực hiện qua chiêm bao. Câu chuyện Giuse bị bán sang Aicập sẽ được tái diễn trong Tân Ước với hình ảnh Thánh Giuse đem Chúa Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Aicập để lời Ngôn sứ Isaiah được ứng nghiệm. Tuy nhiên, điều chúng ta lưu ý ở đây là thái độ thinh lặng của Giuse trước những sự dữ mà những người anh của cậu làm cho cậu. Hình ảnh thinh lặng này của Giuse được phản chiếu trong hình ảnh của người con trong bài Tin Mừng hôm nay. Không một lời hay một hành động chống cự nào của người con được ghi chép lại. Người con hoàn toàn thinh lặng. Thái độ thinh lặng này nhắc nhở chúng ta hãy bình tĩnh và thinh lặng khi đối diện với thập giá người khác tạo ra cho chúng ta. Nói cách khác, người không biết thinh lặng sẽ không hiểu được ý nghĩa đằng sau những thập giá chúng ta phải vác trong cuộc sống hằng ngày.
Câu chuyện vườn nho và những tá điền gian ác trong bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh những bài giảng dạy sau cùng của Chúa Giêsu ở Giêrusalem. Sự hiện diện của Chúa Giêsu ở Giêrusalem trước cuộc thương khó của Ngài báo trước sự đến gần của Nước Thiên Chúa. Chi tiết này được phản chiếu trong câu: “gần đến mùa hái nho” (Mt 21:34). Đây là sứ điệp đầu tiên mà Ngài rao giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2). Chúng ta thấy hai đề tài về “sám hối” và “Nước Trời” được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay. Hai đề tài này luôn đi với nhau không thể tách rời, để nói cho chúng ta rằng: người nào muốn được vào Nước Trời thì phải sám hối, phải thay đổi lối sống, lối suy nghĩ và nhất là phải sinh lợi cho chủ.
Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc sinh lợi cho chủ và trả lại cho chủ những gì thuộc về ông. Nhưng chúng ta thấy thay vì sinh lợi cho chủ thì các tá điền dành lấy cho mình. Chúng ta chọn ba điểm trong bài Tin Mừng hôm nay để suy gẫm về điều Chúa muốn mời gọi chúng ta thực hiện để xứng đáng được vào Nước Trời.
Thứ nhất là hành động của ông chủ: “Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa” (Mt 21:33). Hình ảnh vườn nho thường được sử dụng để ám chỉ dân Israel và hôm nay chính là Giáo Hội. Ông chuẩn bị mọi sự sẵn sàng từ bên trong lẫn bên ngoài, không thiếu một điều gì. Và ông trao cho các tá điền trông coi vườn nho của mình mà không can thiệp gì. Ông chỉ đợi đến mùa nho để thu hoa lợi thuộc về ông. Khi các tá điền không trao hoa lợi thuộc về ông, ông vẫn kiên nhẫn cho họ cơ hội. Hình ảnh ông chủ này chính là hình ảnh của Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ. Ngài chuẩn bị mọi sự và trao cho chúng ta toàn bộ “gia tài” của Ngài [đó là con tim có khả năng yêu thương, vì Ngài là tình yêu]. Ngài để chúng ta tự do sử dụng gia tài của Ngài. Ngài kiên nhẫn với chúng ta và cho chúng ta nhiều cơ hội để thay đổi. Ngài chỉ mong chúng ta trao lại cho Ngài những gì thuộc về Ngài. Trước thái độ này của Thiên Chúa, chúng ta có thay đổi không? Đừng để Chúa chờ quá lâu!
Thứ hai là hành động của những tá điền: họ đối xử tệ với những người mà chủ sai đến để thu hoa lợi. Cuối cùng, họ còn giết cả người con duy nhất của ông chủ. Chúng ta biết Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói về định mệnh của các Ngôn Sứ được sai đến cho dân Israel trước Ngài và định mệnh của Ngài là bị bắt, bị “tống ra khỏi vườn nho và giết đi” (Mt 21:39). Họ cứ nghĩ rằng, khi họ giết được người con thì vườn nho thuộc về họ. Họ quên mất một điều là ông chủ vẫn sống và vườn nho là của ông. Chính vì vậy mà “ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông” (Mt 21:41). Chúng ta nhiều khi cũng giống như những tá điền: chúng ta đối xử tệ bạc với những người Thiên Chúa sai đến để giúp chúng ta như cha mẹ, thầy cô, hoặc những người có trách nhiệm trên chúng ta. Không những thế, chúng ta còn giết chết Chúa Giêsu từng ngày khi chúng ta để cho con tim của mình bị chiếm lấy bởi sự ghen tỵ và hận thù ngay sau khi chúng ta rước Ngài trong thánh lễ; khi chúng ta để cho hành động của mình không phản chiếu tình yêu đầy yêu thương của Ngài. Hãy cẩn thận, đừng để Chúa Giêsu không tìm thấy chỗ trong con tim của chúng ta.
Điểm cuối cùng là câu nói của Chúa Giêsu: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Mt 21:42). Trong câu này, chúng ta thấy được sự khác biệt giữa những gì con người có thể làm và những gì Thiên Chúa có thể làm. Nói cách cụ thể, những gì con người loại trừ sẽ trở nên quan trọng trong bàn tay của Thiên Chúa. Đây chính là điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm. Nhìn vào cuộc sống của mình [nhất là những người thánh hiến cho Thiên Chúa], chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước mặt người đời chúng ta không có giá trị gì, nhưng khi hoàn toàn trao cuộc sống của mình vào tay Thiên Chúa, chúng ta trở nên mối phúc cho nhiều người. Điểm này nhắc nhở chúng ta hai điều: thứ nhất là chúng ta đừng thất vọng về chính mình khi người khác cho rằng mình “không được tích sự gì”; hãy đặt trọn vẹn con người của mình vào tay Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy điều kỳ diệu Ngài sẽ thực hiện. Thứ hai là chúng ta tránh thái độ coi thường người khác khi họ dường như “vô dụng.” Họ có thể vô dụng với chúng ta, nhưng hữu dụng trong bàn tay của Thiên Chúa. Tóm lại, hãy biết trân trọng chính mình và người khác với những gì chúng ta có và chúng ta là.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB