(Hr 8:6-13; Mc 3:13-19)
Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư Hípri trình bày cho chúng ta điều làm cho giao ước mới tốt đẹp hơn giao ước cũ. Cốt lõi của sự cao trọng này hệ tại việc có vị Thượng Tế làm trung gian (x. Hr 8:6). Tác giả thư Hípri cho biết giao ước cũ là giao ước không hoàn hảo vì con cái Israel đã không trung thành với giao ước mà Đức Chúa đã thiết lập với họ. Thiên Chúa là Đấng trung thành với giao ước của mình, nên giao ước Ngài lập ra luôn hoàn hảo. Giao ước trở nên không hoàn hảo vì con người đã không trung tín với Thiên Chúa. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là Đức Chúa không “huỷ giao ước” [huỷ hợp đồng] với con người, mà Ngài lập một giao ước mới tốt đẹp hơn với con người: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó, Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta. Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa,’ vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Hr 8:10-12). Trong giao ước này, chúng ta thấy Đức Chúa làm hết mọi sự cho dân của Ngài. Ngài chỉ đòi hỏi nơi dân của Ngài một điều, đó là “thuộc về Ngài.” Chúng ta cũng đã ký kết một giao ước với Thiên Chúa trong ngày rửa tội [trong ngày thánh hiến]. Qua giao ước này, Thiên Chúa hứa sẽ chăm sóc, bảo vệ chúng ta. Về phần mình, chúng ta hứa thuộc trọn về Ngài. Nhìn lại đời sống Kitô hữu [đời sống thánh hiến], đã bao nhiêu lần chúng ta đã không trung thành với lời hứa thuộc trọn về Thiên Chúa vì chúng ta chạy theo những gì thuộc về thế gian. Nhưng Thiên Chúa đã dung thứ, đã không nhớ đến những lỗi lầm của chúng ta. Ngài luôn yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Để đáp lại tình yêu bao dung của Ngài, chúng ta cần thay đổi lối sống ích kỷ, hẹp hòi, không chạy theo những gì thuộc về thế gian để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa như chúng ta đã hứa với Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu chọn và thiết lập Nhóm Mười Hai mặc dầu Chúa Giêsu đã gọi một vài người theo Ngài (x. Mc 1:16-20; 2:14), và nhiều người khác theo Ngài. Việc Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai có một ý nghĩa quan trọng như là biểu tượng đầu tiên trong việc Ngài thiết lập dân Thiên Chúa. Nhóm Mười Hai hàm chứa ý nghĩa của các chi tộc Israel và chỉ đến dân Thiên Chúa trong thời cánh chung trong Nước Thiên Chúa. Chúng ta có thể suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay dựa trên các điểm sau:
Thứ nhất, hành động của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn” (Mc 3:13). Hình ảnh núi trong truyền thống Kinh Thánh là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình. Việc gọi và chọn những kẻ Người muốn là việc quan trọng. Những kẻ Người [Chúa Giêsu] muốn cũng phải là những kẻ Thiên Chúa muốn. Chính vì điều này mà Chúa Giêsu đã “lên núi” để hiệp nhất với Chúa Cha, để biết được những kẻ Chúa Cha muốn. Cũng trên núi, những người được chọn sẽ hiểu rằng họ không chỉ được Chúa Giêsu gọi và chọn, mà chính Thiên Chúa của Israel đã gọi và chọn họ. Mỗi người Kitô hữu [mỗi tu sĩ] cũng được Thiên Chúa gọi và chọn để theo Chúa Giêsu. Đầy là một món quà vô giá và nhưng không Thiên Chúa dành cho những người khiêm nhường biết để cho Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. Hành động của Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta về những quyết định trong đời sống thường ngày. Khi đối diện với những quyết định quan trọng, chúng ta phải chìm đắm trong đời sống cầu nguyện để được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Chỉ có như thế thì điều chúng ta chọn và muốn cũng là điều Thiên Chúa chọn và muốn.
Thứ hai, hành động của Nhóm Mười hai: “Các ông đến với Người” (Mc 3:13). Khi được mời gọi, các môn đệ đã đến với Chúa Giêsu. Nói cách khác, họ đã đáp trả lại lời mời gọi. Họ đáp trả vì họ “lắng nghe” và để lời Chúa Giêsu “quyến rũ” và “chiếm lấy họ. Đây cũng phải là thái độ của chúng ta, đó là biết lắng nghe cách chăm chú, nếu chúng ta muốn đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu cách mau mắn. Người khôn ngoan là người ít nói, lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe anh chị em mình trước khi làm bất kỳ điều gì.
Thứ ba, mục đích của Chúa Giêsu trong việc thiết lập Nhóm Mười Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3:14-15). Trong những lời này, Thánh Máccô chỉ ra rằng: Mục đích của người môn đệ là “ở với Chúa Giêsu.” Chỉ khi người môn đệ ở với Chúa Giêsu mới có thể chia sẻ trong sứ vụ của Ngài, đó là được sai đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Ở đây chúng ta thấy nguyên tắc căn bản của người môn đệ, đó là điều “tôi là” quyết định điều “tôi làm.” Ở lại với Chúa Giêsu là điều quan trọng nhất quyết định chân tính của người môn đệ. Ngày hôm nay, chúng ta thường đánh giá nhau dựa trên hiệu quả của công việc, dựa trên những gì chúng ta làm hơn là chúng ta là. Để rồi khi không có gì làm, chúng ta rơi vào tình trạng “khủng hoảng về căn tính.” Hãy đặt việc ở lại với Chúa Giêsu trên các công việc tông đồ, để khi không thể làm việc tông đồ thì chúng ta vẫn ở với Chúa Giêsu trong mối tương quan thân tình nhất.
Cuối cùng, danh sách của Nhóm Mười Hai: “ông Simôn – Người đặt tên là Phêrô, ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan em ông Giacôbê – Người đặt tên cho hai ông là Bôanêghê, nghĩa là con của thiên lôi, rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simôn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và Giuđa Ítcariốt là chính kẻ nộp Người” (Mc 3:16-19). Nhìn danh sách các tông đồ, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về những kẻ Chúa Giêsu muốn ở với Ngài. Họ thuộc mọi tầng lớp, khác biệt trong nghề nghiệp và cá tính. Điều đáng để chúng ta lưu ý là trong số những kẻ Chúa Giêsu muốn, có một người “sẽ nộp Ngài.” Chi tiết này cho thấy, Chúa Giêsu không loại trừ ai ra khỏi ơn gọi làm tông đồ của Ngài. Ngài muốn kẻ nộp Ngài “ở với Ngài.” Điều này nhắc nhở chúng ta về tình yêu của mình: Có bao giờ chúng ta muốn ở với một người nộp chúng ta không? Chiều sâu của tình yêu hệ tại việc sẵn sàng chấp nhận mọi sự để người được yêu có cơ hội cảm nghiệm được tình yêu bao dung để trở về.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB