Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật III Mùa Chay – Đừng Sống Bất Trung Với Thiên Chúa

(Hs 14:2-10; Mc 12:28b-34)

Sách Ngôn sứ Hôsê là một trong những sách nói lên tình yêu trung thành của Thiên Chúa dành cho Israel: Thiên Chúa vẫn luôn trung thành cho dù dân Israel bao lần chạy theo ngẫu tượng. Điều này được phản chiếu trong hình ảnh của Ngôn sứ khi ông được gọi và làm theo lệnh của Thiên Chúa để cưới một cô gái điếm; cô gái điếm này sẽ đi theo những người đàn ông khác, và ngôn sứ phải đi tìm về từ lần này đến lần khác. Đây chính là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành và đi tìm Israel [chúng ta] trở về với Ngài, dù nhiều lần họ bỏ Ngài để đi theo những ngẫu tượng khác. Đây chính là bối cảnh để chúng ta hiểu lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay. Nội dung chính của bài đọc 1 là lời mời gọi Israel hãy trở về với Đức Chúa.

Một trong những điểm Hôsê muốn nói cho dân Israel thời đó và chúng ta hôm nay là nguồn gốc của những vấp ngã của chúng ta. Chúng ta vấp ngã vì chúng ta cầu cứu và dựa vào sức của con người, dựa vào những gì không phải là Thiên Chúa (x. Hs 14:4). Thật vậy, một trong những đề tài chính của sách Hôsê là việc tôn thờ ngẫu tượng. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng: dân Israel thời đó và chúng ta hôm nay thường tôn thờ ngẫu tượng hơn là Thiên Chúa. Chúng ta để cho các ngẫu tượng như tiền tài, danh vọng và quyền lực chi phối cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta tìm thấy sự an toàn trong chúng. Hệ quả là chúng ta trở thành bất trung với Thiên Chúa, với những lời chúng ta tuyên hứa trong bí tích Rửa Tội [hoặc trong ngày tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm]. Nếu chúng ta đang sống bất trung với Thiên Chúa, hãy nghe lời của Ngôn sứ Hôsê mà trở về với Thiên Chúa và sống trung thành với Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục khẳng định vị trí cao trọng của tình yêu trung thành và vô điều kiện qua việc Chúa Giêsu cho biết tình yêu là điều răn đứng đầu. Bài Tin Mừng nói lên cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với một kinh sư. Đây chính là cuộc tranh luận thứ tư của Chúa Giêsu với các kinh sư. Tuy nhiên, thái độ chân thành và khao khát học hỏi của vị kinh sư biến sự kiện đó thành một cuộc trao đổi để học hỏi hơn là một cuộc tranh luận như thường xảy ra giữa Chúa Giêsu và các kinh sư. Chúng ta thấy có một sự tương đồng và hợp lý trong bài Tin Mừng. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng ra làm hai phần: phần 1 (Mc 12:28b-31) là câu hỏi thưa – đáp giữa vị kinh sư và Chúa Giêsu, phần 2 (Mc 12:32-34) là phần nhận định hay phản ứng của vị kinh sư và Chúa Giêsu trên câu trả lời của người kia.

Phần 1 là câu hỏi-đáp về sự cao trọng của điều răn yêu thương: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” (Mc 12:28b). Chúa Giêsu trích Đnl 6:4-5 để trả lời cho câu hỏi trên: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Câu này đứng vị trí đầu tiên trong ba bản văn Kinh Thánh mà người Do Thái phải đọc hai lần mỗi ngày. Điều răn yêu Chúa có nguồn gốc trong chính bản chất của Ngài như là Thiên Chúa duy nhất. Bốn danh từ “lòng, linh hồn, trí khôn và sức lực” không ám chỉ những phần khác nhau của con người, những nói lên tính toàn bộ của con người. Nói cách khác, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa với trọn con người của chúng ta. Chúng ta có đang yêu Chúa với trọn con người của chúng ta không hay tình yêu của chúng ta đã bị phân mảnh cho những tạo vật khác? Chúa Giêsu không dừng lại ở việc yêu Chúa, Ngài thêm vào tình yêu dành cho người thân cận: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12:31). Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng trong việc đồng hoá hoặc gắn hai điều răn này với nhau. Hai điều răn được nối kết với từ “yêu” và chúng được đặt song song với nhau chính là “hành động mang tính thần học” của chính Chúa Giêsu. Khi phân tích câu trả lời của Chúa Giêsu từ khía cạnh Kitô học, chúng ta nhận ra nét đặc biệt sau: Trong câu trả lời của Ngài, Chúa Giêsu không chỉ nói đến vị trí tối thượng của tình yêu dành cho Thiên Chúa, của Shema Israel, nhưng Ngài còn khẳng định vị trí cao trọng của tình yêu dành cho người khác. Hai điều răn này đi với nhau không thể tách rời. Điều này xảy ra vì sự nhập thể của Ngài. Nói cách khác, qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu đã mang tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người lại với nhau trong Ngôi Vị của Ngài: Ngài là Thiên Chúa thật [tình yêu dành cho Thiên Chúa] và là người thật [tình yêu dành cho người thân cận]. Chỉ có trong Chúa Giêsu, hai giới răn yêu Chúa và yêu người trở nên một. Ngài đã mang trời hoà giải với đất, giới hạn với vô hạn, tương đối với tuyệt đối, thời gian với vĩnh cửu. Như vậy, chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới có thể yêu Chúa và yêu người khác cách trọn vẹn.

Phần thứ hai trình bày cho chúng ta sự nhận định của vị kinh sư về câu trả lời của Chúa Giêsu và sau đó là nhận định của Chúa Giêsu về nhận định của vị kinh sư. Trong nhận định của mình, vị kinh sư đồng ý với những gì Chúa Giêsu trình bày mà không tỏ thái độ chống đối bằng cách nhắc lại những gì Chúa Giêsu nói. Nhưng như Chúa Giêsu thêm giới răn yêu người thân cận vào giới răn yêu Chúa, vị kinh sư cũng thêm “hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Lc 12:33). Lời này của vị kinh sư vọng lại lời của Ngôn sứ Hôsê (6:6) và lời trong sách Samuen quyển thứ nhất (15:22). Trong câu trả lời của vị kinh sư, chúng ta nhận ra nguyên lý nằm sau mọi lễ toàn thiêu và hy lễ là tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận. Có phải tình yêu Thiên Chúa và người thân cận là động lực thúc đẩy tất cả những lời nói và việc làm của chúng ta không?

Đứng trước câu trả lời khôn ngoan của vị kinh sư, Chúa Giêsu “khen” ông ta và khẳng định rằng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12:34). Câu nói của Chúa Giêsu không mang tính “tương lai,” nhưng là hiện tại. Nước Thiên Chúa là một thực tại mà vị kinh sư đang đứng rất gần, ngay bên cạnh. Chính tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân sẽ chuẩn bị cho ông đón nhận Nước Thiên Chúa. Đây cũng chính là điều Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người chúng ta: chúng ta chỉ có thể vào Nước Thiên Chúa khi tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân là động lực duy nhất của đời sống chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB