Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật IV Thường Niên – Sống Thật Để Làm Chứng Cho Sự Thật

(Hr 13:1-8; Mc 6:14-29)

Bài đọc 1 hôm nay chính là những lời đầy yêu thương mà tác giả thư Hípri viết cho các tín hữu của mình và cho chúng ta. Đây là những lời khuyên nhủ cuối cùng, nên chúng mang tâm tình thật tha thiết. Chúng ta có thể chia những lời khuyến dụ này thành hai loại: (1) Các thái độ chúng ta cần có để giữ mãi tình huynh đệ: Lòng hiếu khách, nhớ đến những người anh chị em bị xiềng xích (bách hại) và bị hành hạ, tôn trọng đời sống hôn nhân, hay đúng hơn là tôn trọng ơn gọi và lối sống mà Chúa mời gọi mình, đừng ham tiền và coi những gì mình đang có là đủ, tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa vì Ngài không bỏ rơi chúng ta (x. Hr 13:1-6); (2) Các thái độ cần phải có đối với những người chịu trách nhiệm trên cuộc đời chúng ta (ông bà cha mẹ hoặc bề trên): Nhớ đến những lời khuyến dụ của các ngài và noi theo gương sáng của họ, nhất là lòng tin của họ vào Thiên Chúa. Điều này giúp chúng ta nhận ra trung tâm điểm của lời khuyến dụ cuối cùng của tác giả thư Hípri, đó là, trung thành với Thiên Chúa bằng cách đứng vững trong đức tin cho đến cuối cùng như “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Hr 13:8). Trong những lời này, tác giả thư Hípri chỉ ra rằng mẫu gương của đời sống trung thành trong tình yêu chính là Chúa Giêsu. Ngài yêu mỗi người chúng ta cho đến cùng. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về đời sống yêu thương của mình dành cho anh chị em. Nhiều lần chúng ta đã để cho tính tự ái, sự dửng dưng và tổn thương ngăn cản tình yêu chúng ta dành cho anh chị em mình. Những khi như thế, chúng ta cần nhìn lên Chúa Giêsu trên thánh giá để học nơi Ngài một tình yêu trung thành cho đến cùng.

Trong tất cả những lời khuyến dụ sau cùng của tác giả thư Hípri trong bài đọc 1, chúng ta chọn hai thái độ nổi bật sau để suy gẫm. Thái độ thứ nhất là: “Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ; anh em hãy nhớ đến những người bị hành hạ, chẳng khác gì mình với họ chỉ là một thân thể” (Hr 13:3). Ở đây, tác giả thư Hípri nhắc chúng ta về sự liên đới với anh chị em chúng ta trong những đau khổ của họ. Một cách cụ thể, chúng ta cần nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng chịu đau khổ với và cho chúng ta. Kinh nghiệm dạy chúng ta biết rằng, chúng ta chỉ cảm nhận được đau khổ của người khác khi chúng ta yêu họ: Không có tình yêu sẽ không có sự nối kết. Chỉ những người có trái tim tràn đầy yêu thương mới hiểu được ý nghĩa của sự đau khổ: đau khổ của mình và đau khổ với và cho người khác. Chúng ta có được con tim tràn đầy yêu thương chưa hay con tim chúng ta còn chứa đựng quá nhiều ganh tỵ và hận thù?

Thái độ thứ hai là thái độ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được?” (Hr 13:6). Chúng ta thường có nhiều điều để lo trong ngày sống: lo lắng về vật chất, về tinh thần, và về tương quan. Nhiều khi chúng ta để cho những lo lắng làm chúng ta mất niềm tin vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta chạy đến với người đời để tìm sự nâng đỡ và an ủi, hoặc chúng ta để cho sự sợ hãi về việc người đời nói gì và nghĩ gì về mình. Điều này làm chúng ta “tránh xa” sự bênh đỡ của Thiên Chúa. Những người có Chúa trong tâm hồn sẽ không biết đến sợ hãi, dù phải đối diện với đau khổ và cái chết.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối điều tác giả thư Do Thái mời gọi chúng ta, đó là: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ” (Hr 13:7). Chúa Giêsu đặt trước chúng ta cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả để chúng ta noi theo lòng tin của ngài. Chúng ta hiểu ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay cách sâu hơn khi chúng ta đặt nó vào đúng trong bối cảnh. Một cách tụ thể, bài Tin Mừng hôm nay được đặt giữa việc Chúa Giêsu sai 12 môn đệ đi rao giảng (Mc 6:7-13) và phép lạ hoá bánh ra nhiều (Mc 6:3044). Tuy nhiên, điều chúng ta để ý ở đây là việc Chúa Giêsu sai 12 tông đồ đi và trước khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Thánh Máccô nói về việc các môn đệ trở về và nói cho Chúa Giêsu biết những điều họ đã làm và dạy. Nói cách ngắn gọn, cấu trúc của bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay như sau: 12 tông đồ được sai đi – Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết – 12 tông đồ trở về kể cho Chúa Giêsu nghe những gì họ đã làm và dạy. Điều này có nghĩa là gì? Điều này nhắc nhở chúng ta về một thực tại không thể tránh của những người môn đệ của Chúa Giêsu: Từ khi được sai đi đến trở về lại với Ngài chúng ta phải chịu đau khổ và bách hại vì làm chứng cho sự thật.

Chúng ta có thể chia Bài Tin Mừng hôm nay thành hai phần: Phần 1 nói về vua Hêrôđê [Antipas] và Chúa Giêsu (Mc 6:14-16); phần 2 nói về vua Hêrôđê và Thánh Gioan Tẩy Giả. Trong phần 1, chúng ta thấy vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu là Người nổi danh và ông ta “tò mò” muốn biết Người là ai. Lúc này, Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị trảm quyết. Chúng ta biết điều này dựa vào câu “có kẻ nói: Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ” (Mc 6:14) và câu chuyện đi theo. Những câu trả lời khác [là ngôn sứ Isaia hay một trong các ngôn sứ] hướng chúng ta đến với câu hỏi mà Chúa Giêsu sẽ hỏi các mộn đệ ở Caesarea Philippi [trong chương 8]: “Người ta bảo Thầy là ai?” (Mc 8:27). Theo vua Hêrôđê, Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả trỗi dậy: “Vua Hêrôđê nghe thế, liền nói: “Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!” (Mc 6:16). Đối với chúng ta, Chúa Giêsu là ai?

Phần 2 kể lại câu chuyện Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết. Chúng ta sẽ phân tích phần này cách chi tiết theo một “kịch bản.” Nói cách khác, chúng ta sẽ phân tích các “diễn viên” trong vở kịch này và đặt mình vào trong kịch bản xem mình đang đóng vai nào.

Diễn viên thứ nhất là Gioan Tẩy Giả: Ông sẵn sàng làm chứng cho sự thật dù phải trả giá bằng mạng sống của mình. Các Tin Mừng trình bày Thánh Gioan Tẩy Giả là một người luôn làm chứng cho Chúa Giêsu suốt cả cuộc đời của mình. Cuộc đời ông chỉ có ý nghĩa khi được gắn chặt với Chúa Giêsu. Ngài không sợ những người chỉ có thể giết chết thân xác. Ngài chỉ sợ Đấng giết chết cả thân xác và linh hồn. Chính vì lý do này, ngài luôn sống và làm chứng cho sự thật. Ngài luôn đi trước Chúa Giêsu để dọn đường trong “khi sống” [sinh ra] cũng như khi chết. Chỉ những ai gắn chặt cuộc đời của mình với Chúa Giêsu, Đấng là sự thật, mới có khả năng sống và làm chứng cho sự thật trong xã hội đang tuyên truyền lối sống giả tạo hôm nay.

Diễn viên thứ hai là vua Hêrôđê: Ông ta rất muốn biết Chúa Giêsu. Nhưng động lực thúc đẩy ông ta để biết Chúa Giêsu thì sai. Ông không muốn biết Chúa Giêsu để trở nên môn đệ của Ngài, mà chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ. Chúng ta [nhất là những người được thánh hiến] dễ dàng rơi vào tình trạng này. Chúng ta biết và muốn biết Chúa Giêsu nhiều hơn nhưng không phải để trở nên những người môn đệ chân chính của Ngài, mà chỉ để thoả mãn “sự tò mò của trí tuệ” và “tỏ ra” mình là người thông hiểu ‘mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.” Điều thứ hai vua Hêrôđê làm là ông bắt Gioan Tẩy Giả tống ngục vì đã nói sự thật về việc xấu ông đã làm là “đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê” (Mc 6:17). Chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng này là chúng ta “xa tránh” hoặc “nói xấu” những người đã sửa sai [góp ý huynh đệ] chúng ta. Chúng ta tống ngục họ bằng cách giam họ trong “nhà tù thành kiến” mà chúng ta xây lên và dần dần loại họ ra khỏi con tim của mình. Điều cuối cùng về vua Hêrôđê là ông chỉ “hứa” mà không suy nghĩ về những hậu quả của lời hứa của mình. Luật trong đời là: Hãy suy nghĩ hai lần trước khi nói và hãy nói những gì mang lại niềm vui, sự hợp nhất và danh thơm tiếng tốt cho người khác.

Diễn viên thứ ba là bà Hêrôđia: Bà căm thù Gioan Tẩy Giả và muốn giết ông vì ông chống lại đời sống vô luân của bà, nhưng không được (x. Mc 6:19). Bà giữ lòng hận thù và tìm cơ hội để trả thù. Và khi có cơ hội bà liền chộp lấy để đạt mục đích của mình. Có lẽ chúng ta không như thế vì chúng ta không giết kẻ thù của mình [chúng ta sợ phạm tội giết người]. Điều chúng ta thường làm là chỉ đơn giản “nói không tốt” về họ tí thôi! Đây thường là cách trả thù của chúng ta. Chúng ta thường nghe nhiều người nói rằng: Tôi tha thứ chứ tôi không thể quên! Câu này nghe qua có vẻ bình thường và dễ dàng lấy được sự cảm thông của người khác. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, khi chúng ta tha thứ mà không quên điều người khác làm cho mình thì giống như chúng ta đập đổ một bức tường, nhưng vẫn giữ lại cái móng. Khi có cơ hội chúng ta dễ dàng xây lại bức tường ngăn cách mà chúng ta đã phá huỷ. Khi làm như thế, chúng ta từ từ sẽ trở nên giống bà Hêrôđia là giết chết chứng nhân của sự thật – tiếng nói của lương tâm của chúng ta.

Diễn viên cuối cùng là con gái của Hêrôđia [Salômê]: Cô ta luôn muốn làm vừa lòng người khác mà không có khả năng quyết định cho cuộc đời của mình. Cô chỉ biết sống theo tiếng nói của dư luận, ngay cả khi sẵn sàng làm việc xấu – giết chết “nhân chứng của sự thật.” Có lần nào trong đời chúng ta đã chạy theo tiếng nói của dư luận để sống không đúng với nhân vị và ơn gọi của mình không? Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do để chọn lựa cho mình lối sống xứng hợp với ơn gọi làm con Thiên Chúa. Hãy sống theo ý Chúa hơn là sống theo ý của người đời mà đánh mất Chúa.

Lm. Anton Nguyễn Ngọc Dũng, SDB