Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật XIII Thường Niên – Yêu Chúa Giêsu Là Yêu Tất Cả Những Người Ngài Yêu

(Am 8:4-6.9-12; Mt 9:9-13)

Bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Amos khuyến cáo những người “đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ” (Am 8:4). Ngôn sứ Amos là ngôn sứ chống lại sự bất công trong xã hội. Sứ điệp của ngôn sứ là nói về việc Đức Chúa đứng về phía những những người nghèo, những người bị áp bức để bảo vệ quyền lợi của họ. Điều này được diễn tả trong những lời Đức Chúa phán: “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8:7). Những hành vi mà Đức Chúa không quên là những hành vi bất công mà những người “đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt những kẻ nghèo trong xứ” là (1) bày thóc bán lúa với giá “cắt cổ”; (2) làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm để “ăn bớt” của dân; (3) làm lệch cán cân “công bình” để đánh lừa thiên hạ; (4) lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ làm đầy tớ; (5) bán lúa nát gạo mục (x. Am 8:5-6). Những hành vi của họ là những hành vi bất công, chèn ép người nghèo và cô thế cô thân. Nhưng Đức Chúa không bao giờ quên một hành vi nào. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận về hành vi của mình.

Câu chuyện về ơn gọi của Thánh Mátthêu được Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại (Mc 2:13-17; Mt 9:9-13; Lc 5:27-32). Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, câu chuyện được chia ra làm hai phần: phần 1 nói đến việc Chúa Giêsu gọi Mátthêu (câu 9) và phần 2 kể về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu (câu 10-13). Chúng ta cùng nhau phân tích cách chi tiết hai phần này để hiểu rõ hơn điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta.

Cũng như bao ơn gọi khác, Chúa Giêsu gọi Mátthêu đang khi ông làm công việc thường ngày của mình: “Khi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9:9). Trong cuộc gặp gỡ này, Chúa Giêsu là người chủ động gọi Mátthêu và ông mau mắn đáp lại. Trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu, ngài nêu đích danh của mình. Còn trong Tin Mừng Thánh Máccô và Luca, ngài được gọi là Lêvi? Tại sao có sự khác biệt này? Theo các học giả Kinh Thánh, vào thời gian mà Tin Mừng Thánh Mátthêu được viết thì cái tên Lêvi không còn quan trọng cho bằng cái tên Mátthêu, người được xem như là một tông đồ. Trong Mt 10:3, Mátthêu được gọi là người thu thuế. Vì vậy, bản văn này được đưa vào để trình bày Mátthêu như là nhân vật chính của bàn tiệc giữa Chúa Giêsu với những người thu thuế và tội lỗi. Điều đáng để chúng ta lưu ý ở đây là sự mau mắn đáp lại lời mời gọi làm môn đệ Chúa Giêsu của Mátthêu. Sự mau mắn đáp trả của Mátthêu giả định một sự hiểu biết về Chúa Giêsu, sứ mệnh của Ngài và khả thể ông được chia sẻ trong sứ mệnh đó. Nói cách khác, để đáp lại tiếng Chúa Giêsu gọi, Mátthêu đã tìm hiểu về Ngài và suy gẫm về ý nghĩa cuộc đời của mình. Chính hành trình tìm hiểu về Chúa Giêsu và chính mình đã tạo nên trong Mátthêu một sự metanoia (“sám hối”). Sự sám hối này đã làm cho thánh nhân thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi con tim, thay đổi lối sống để hoàn toàn thuộc trọn về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng “đi ngang” qua cuộc đời chúng ta mỗi giây phút. Ngài cũng gọi chúng ta trong khi chúng ta bận rộn với công việc. Liệu chúng ta có như Thánh Mátthêu, dù bận rộn, nhưng con tim luôn nhạy cảm với lời mời gọi của Chúa Giêsu không?

Sau khi đáp lại tiếng mời gọi của Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta về bàn tiệc chia sẻ niềm vui trong nhà của mình. Trong bàn tiệc đó, chúng ta thấy có những thành phần sau: Mátthêu, nhiều người thu thuế và tội lỗi khác, Chúa Giêsu và các môn đệ (x. Mt 9:10). Tất cả cùng chia sẻ trong cùng một bàn ăn. Như chúng ta biết, trong tư tưởng của người Do Thái, chia sẻ cùng bàn ăn không đơn giản chia sẻ với nhau thức ăn, nhưng quan trọng hơn là chia sẻ chính sự sống cho nhau. Trong bàn tiệc tại nhà Thánh Mátthêu, mọi người được mời gọi để chia sẻ trong cùng sự sống của Chúa Giêsu, cả những người “đã tốt” [các môn đệ] và những “chưa tốt” [người thu thuế và tội lỗi]. Những ai không chấp nhận ngồi vào bàn ăn với Chúa Giêsu sẽ tự tách mình ra khỏi sự sống mà Ngài trao ban. Đây là những người Pharisêu. Đúng với tên gọi của họ: Pharisêu có nghĩa là “tách riêng ra.”

Chính việc Chúa Giêsu đón tiếp và ăn uống với những người bị loại ra bên lề xã hội, những người được xem là tội lỗi mà Ngài bị nhóm Pharisêu chống đối. Đứng trước lời chống đối của người Pharisêu, Chúa Giêsu trích hai câu ngạn ngữ sau: (1) “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9:12) và “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9:13). Câu ngạn ngữ thứ nhất lấy từ “công cảm” được tìm thấy trong Stobaeus, Plurarch và Diogenes Laertius. Tư tưởng này bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ triết học Hy Lạp. Theo lối suy nghĩ của các triết gia Hy Lạp, người triết gia là thầy thuốc của linh hồn. Người thầy thuốc phải đặt mình vào sự nguy hiểm của bệnh dịch để chữa bệnh. Khi nói điều này, Chúa Giêsu nói với nhóm Pharisêu về việc Ngài là một thầy thuốc của linh hồn. Ngài đang đặt mình vào mối nguy hiểm của bệnh dịch để chữa bệnh. Còn câu ngạn ngữ thứ hai được Ngài trích từ Ngôn sứ Hôsê (6:6). Thánh Mátthêu thêm câu này ở đây và trong 12:7. Câu trích này trở nên quan trọng đối với các Rabbi để giúp đền bù cho sự mất mát của hy lễ trong Đền Thánh Giêrusalem [bị phá huỷ năm 70] như là phương thế để được tha tội. Theo các Rabbi, học Kinh Thánh và những công việc bác ái được xem là những thay thế chính đáng cho lễ tế. Chúa Giêsu kết thúc cuộc tranh luận bằng cách khẳng định rằng: “Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9:13). Qua câu này, Chúa Giêsu khẳng định cho nhóm Pharisêu về sứ mệnh của Ngài, đó là kêu gọi người tội lỗi; không chỉ kêu gọi người tội lỗi, mà Ngài còn chết cho họ để mang lại cho họ ơn tha thứ. Từ mẫu gương của Chúa Giêsu, chúng ta xét lại chính bản thân mình: Có bao giờ chúng ta đón nhận những anh chị em được xem là “tội lỗi” để yêu thương họ và chết cho họ không? Thành thật mà nói, chúng ta thường giống như những người Pharisêu, chúng ta không tiếp đón những người lầm lỡ, nhưng còn chỉ trích những ai mở lòng đón tiếp những con người đáng thương đó. Thiên Chúa không cần của lễ, nhưng cần một con tim biết yêu thương để ôm chầm tất cả những người tội lỗi. Chúng ta có con tim như thế để dâng lên Ngài không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB