Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật XIV Thường Niên – Con Đường Rao Giảng Tin Mừng: Con Đường Chông Gai

(Hs 14:2-10; Mt 10:16-23)

Qua lời sấm của ngôn sứ Hôsê, Đức Chúa mời gọi Israel trở về với Ngài: “Hỡi Israel, hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Chính vì tội ác của ngươi mà ngươi đã vấp ngã. Hãy trở về với Đức Chúa, mang theo lời cầu nguyện” (Hs 14:2-3). Sự trở về cần được đồng hành với thái độ cầu nguyện [chìm sâu trong biển tình yêu của Thiên Chúa]. Trong lời cầu nguyện khi trở về, Israel cần mặc lấy tâm tình ăn năn và hoàn toàn tín thác vào Đức Chúa [không cậy dựa vào sức mình và sức người khác]: “Hãy thưa với Người: ‘Xin thứ tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen chúng con dâng lên Ngài làm lễ vật thay thế bò tơ. Chúng con sẽ không cầu cứu với Átsua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài, kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm’” (Hs 14:3-4). Chính trong tâm tình thành tín này, mà Israel [và chúng ta] cảm nghiệm được tình yêu chữa lành của Thiên Chúa: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” (Hs 14:5). Thiên Chúa luôn muốn chữa lành những vết thương trong các mối tương quan của chúng ta. Ngài luôn yêu chúng ta với tình yêu chung thuỷ, không phân chia? Chúng ta đáp lại tình yêu này như thế nào?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ làm thế nào để đối diện với những bách hại trong tương lai trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Điều đầu tiên Chúa Giêsu muốn các Tông Đồ lưu ý là họ cần ý thức vai trò của người được sai đi: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Đây là những lời đặc trưng của Tin Mừng Thánh Mátthêu. Chúng có nguồn gốc từ trong Midras (Cant. 2:14): “Đức Chúa nói với con cái Israel, trước mặt ta chúng phải chân thật giống bồ câu, nhưng trước mặt dân ngoại, chúng phải khôn ngoan như rắn” (x. Rm 16:19; 1 Cr 14:20). Câu nói này nhằm giúp chúng ta phân biệt giữa sự vô tội [đơn sơ] và người “ngây thơ giả tạo.” Đời sống của người Tông Đồ luôn gặp nhiều thử thách và chống đối. Vì vậy, người Tông Đồ phải luôn sống đơn sơ [không để bụng những gì không cần thiết] và khôn ngoan trong các hành xử của mình [tiếp tục làm việc tốt cho anh chị em mình]. Chỉ như thế, người Tông Đồ mới tìm được niềm vui và sự bình an trong việc phục vụ cho Tin Mừng.

Chúa Giêsu cũng chỉ cho các Tông Đồ thấy họ phải đối diện với điều gì và họ phải có thái độ như thế nào khi phải đối diện với bắt bớ: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại” (Mt 10:17-18). Các Tông Đồ sẽ bị bắt bớ bởi những người đồng hương Do Thái, là những người lãnh đạo tôn giáo. Không những thế, họ sẽ bị điệu ra trước những người có quyền thế trong xã hội, là vua chúa quan quyền. Nói cách khác, các Tông Đồ phải đối diện với sự bách hại từ các lãnh đạo về đời và về đạo. Điều này vẫn được chúng ta cảm nghiệm thấy trong một vài nơi trên thế giới hôm nay. Nhưng dù bị bắt bớ, các Tông Đồ xem đây là cơ hội để làm chứng cho sứ điệp Nước Trời. Vì trong giờ phút đó, người Tông Đồ “đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:19-20).

Chúa Giêsu còn chỉ ra cho các môn đệ một sự thật đau lòng khác trong đời sống chứng tá, đó là những người bách hại và nộp họ chính là các thành viên trong gia đình của mình: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10:21-22). Không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau bị người thân của mình trao nộp [hay phản bội]. Thật vậy, trong gia đình hay trong đời sống cộng đoàn, chính người thân lại dễ làm chúng ta đau khổ.  Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải bền chí và trung thành với niềm tin của mình cho đến cùng. Những ai chạy đến cùng đường, đến đích mới cảm nghiệm được niềm vui của chiến thắng, của kết thúc hành trình.

Bài Tin Mừng kết với sự kiện là dù các Tông Đồ có nỗ lực đến đâu, họ cũng không thể nói rằng sứ vụ rao giảng đã hoàn thành. Sứ vụ này luôn tiếp diễn cho đến khi Con Người đến: “Khi người ta bắt bớ anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến” (Mt 10:23). Những lời này nhắc nhở chúng ta đừng ngủ quên trong chiến thắng, nhưng tiếp tục sứ vụ rao giảng cho đến cùng. Chúng ta cần học điều này trong đời sống sứ vụ: Không tự mãn khi thành công nhưng sống khiêm nhường; không thất vọng khi thất bại nhưng biết kiên nhẫn bắt đầu lại với Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB