(Is 38:1-6.21-22.7-8; Mt 12:1-8)
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe về câu chuyện chữa lành vua Khítkigia. Khi đối diện với cái chết, “vua Khítkigia quay mặt vào tường và cầu nguyện với Đức Chúa như sau: ‘Ôi lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, con đã trung tín và thành tâm bước đi trước nhan Ngài, đã thi hành điều đẹp mắt Ngài.’ Rồi vua Khítkigia khóc, khóc thật to” (Is 38:2). Với lòng thành của mình, vua Khítkigia đã được Đức Chúa nhận lời: “Đức Chúa, Thiên Chúa của Đavít tổ tiên ngươi, phán thế này: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện, Ta đã thấy nước mắt của ngươi. Này, Ta sẽ cho ngươi sống thêm mười lăm năm nữa. Ta sẽ giải thoát ngươi cùng với thành này khỏi tay vua Átsua, sẽ che chở thành này” (Is 38:5-6). Dù được Đức Chúa dủ lòng thương, vua Khitkigia vẫn mong ước có được dấu lạ: “Đây là dấu Đức Chúa ban cho ngài, chứng tỏ Đức Chúa sẽ thực hiện điều Người đã phán: Này, bóng mặt trời đã ngả trên các bậc thang vua Akhát đã xây, Ta sẽ cho lui lại mười bậc. Quả vậy, bóng mặt trời đã lui lại mười bậc trong số các bậc thang nó đã chiếu xuống” (Is 22:7-8). Hình ảnh vua Khítkigia phản ánh một phần nào đời sống của chúng ta. Khi đối diện với thử thách và khó khăn, chúng ta cũng chạy đến với Chúa, cầu xin Ngài trợ giúp. Nhưng trong lời cầu xin của mình vẫn có pha lẫn một chút nghi ngờ [không biết Chúa có nhậm lời hay không?]. Chúng ta luôn mong ước được nhìn thấy những dấu chỉ thể lý để biết rằng lời cầu xin của mình được Chúa nhậm lời. Chi tiết này mời gọi chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Chúa vì Ngài không bao giờ bỏ rơi những người đặt trọn niềm tin vào Ngài.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với những người Pharisêu về việc các môn đệ bứt lúa ăn trong ngày sabát: “Khi ấy, vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn” (Mt 12:1). Những lời này cho thấy các môn đệ là những người phạm luật chứ không phải Chúa Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” (Mt 12:2). Thánh Mátthêu thêm yếu tố “đói” vào để nhấn mạnh đến lý do của tranh luận mang tính nhân bản. Trong trường hợp này, các rabbi cho phép việc cứu lấy mạng sống khỏi chết đói có vị thế cao hơn là tuân giữ luật. Như vậy, trường hợp của các môn đệ trở thành giống với trường hợp của vua Đavít: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? (Mt 12:4-5). Chúa Giêsu không chỉ đưa ra sự kiện của Đavít xảy ra trong ngày sabát (x. 1 Sm 21:1-7 với Lv 24:8), nhưng còn đưa ra một luận chứng khác mang tính pháp lý hơn dựa trên sách Dân Số (28:9-10) khi Ngài đề cập đến trường hợp các tư tế vi phạm luật sabát sẽ không mắc tội. Nhìn từ khía cạnh này, luật tuân giữ ngày sabát không phải là một cái gì tuyệt đối. Nó phải nhường chỗ cho những yếu tố khác quan trọng hơn trong cuộc sống. Chúng ta học được điều gì từ chi tiết trên? Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng quá cứng ngắc với luật mà bỏ qua giới luật yêu thương. Hệ quả là chúng ta lên án anh chị em mình về những hành động, có thể trái luật, nhưng chính khi ở trong hoàn cảnh đó, họ mới là người biết không có thể làm gì khác ngoài hành động đó. Chúng ta cần phải ý thức rằng, mọi luật có mục đích bảo vệ sự sống con người trong tính toàn vẹn của nó.
Đứng trước vấn nạn của những người Pharisêu, Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát” (Mt 12:6-8). Điều gì lớn hơn Đền Thờ mà Chúa Giêsu nói đến? Có thể là Đấng Messia hoặc là Con Người (x. Đn 7:13 và 18), hoặc là Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu lại trích từ sách Hôsê (6:6 – đã được trích trong 9:13) để nhấn mạnh cho khẳng định của Ngài về phẩm giá của con người vượt trên luật lệ. Chúng ta hiểu rõ hơn câu này khi biết được bối cảnh đằng sau, đó là vào thời gian mà Tin Mừng được viết ra thì Đền Thờ không còn hiện hữu, các hy lễ không còn được dâng tiến, nên thay vào đó là những việc lành. Hai khía cạnh hiến dâng hy tế trong Đền Thờ và việc lành thực hiện cho anh chị em mình bên ngoài Đền Thờ phải không bao giờ được tách rời trong đời sống mỗi người chúng ta. Chúng ta thấy nhiều người đi nhà thờ phục vụ, dâng cúng thật nhiều, nhưng lại không sống bác ái với anh chị em mình trong đời sống thường ngày. Đời sống thờ phượng chỉ đạt đến mức thiện toàn khi việc phụng tự trong nhà thờ phải được chứng minh bằng đời sống bác ái thường ngày với anh chị em.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB