(Ed 37:1-14; Mt 22:34-40)
Thị kiến về những bộ xương khô được tái sinh là nội dung chính trong bài đọc 1 hôm nay. Hình ảnh ám chỉ đến việc Đức Chúa làm cho con cái Israel được tái sinh sau thời kỳ lưu đày khổ ải: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa” (Ed 37: 12-14). Lời sấm ngôn của Đức Chúa được nói qua miệng ngôn sứ Êdêkien đã mang lại niềm vui và sự an ủi cho dân trong cảnh nô lệ lầm than. Đây chính là điều Thiên Chúa mời gọi chúng ta thực hiện trong từng ngày sống của mình. Cụ thể hơn, chúng ta được mời gọi dùng lời nói của mình để mang niềm vui, sự an ủi, để mang sự sống cho anh chị em mình chứ không phải mang nỗi buồn và sự chia rẽ. Hãy trở nên các ngôn sứ của niềm vui và sự sống của Thiên Chúa trong đời sống thường ngày.
Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng được Thánh Máccô (12:28-34) và Thánh Luca (10:25-28) thuật lại. Tuy nhiên, Thánh Mátthêu thêm vào câu 34 để giữ vai trò chuyển tiếp và tạo bối cảnh cho cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu. Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc Thánh Mátthêu dùng từ “thông luật” trong câu 35. Trong câu 34, chúng ta đọc thấy “những người Pharisêu họp nhau lại,” trong khi câu 35 thì lại sử dụng “một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người.” Chi tiết này cho thấy, những người Pharisêu đồng hoá như những “thông luật.” Từ “thông luật” này [tiếng Hy Lạp là nomikos] chỉ xuất hiện ở đây trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, nhưng lại xuất hiện sáu lần trong Tin Mừng Thánh Luca. Nó ám chỉ đến người rất thông suốt Luật [Torah]. Điều này giúp chúng ta hiểu động lực họ hỏi Chúa Giêsu là “để thử Người,” vì họ thông suốt về luật, còn Chúa Giêsu chỉ là “con bác thợ mộc” ở Nazareth. Câu hỏi họ đưa ra đơn giản để thử xem Chúa Giêsu có biết sách Luật [Torah] không: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22:36). Đối với Người Do Thái, Torah giữ vị trí cao nhất [sau đó là các sách ngôn sứ và cuối cùng là các sách khác]. Theo các “thông luật,” Torah chứa đựng 613 luật [trong đó 365 luật tiêu cực – không được làm và 248 luật tích cực – phải làm]. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta thấy câu hỏi của người thông luật rất thách đố vì nó đòi buộc Chúa Giêsu phải biết trong sách Torah có bao nhiêu luật và trong số đó điều nào là quan trọng nhất. Nói cách khác, câu hỏi này muốn Chúa Giêsu phải cung cấp cho họ bản tóm tắt của toàn bộ các luật trong Torah hoặc sâu hơn là điểm nòng cốt nhất của Torah. Để hiểu hơn điều này, chúng ta cần biết rằng những người Pharisêu thường thích thú trong việc học Torah và giảng dạy cho dân chúng. Hơn nữa, họ cũng quá nhấn mạnh đến việc phát triển những luật nhỏ, những chi tiết của luật mà quên đi cái chính yếu. Vì vậy, câu hỏi của người thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu lại mang một ý nghĩa mới, đó là họ muốn Chúa Giêsu đưa họ về lại với những gì là căn bản, là chính yếu của Luật mà Thiên Chúa muốn khi Ngài ban Torah cho họ. Điều này nhắc nhở chúng ta về thực tại của ngày sống. Nhiều khi chúng ta cũng để mình bị cuốn hút hay chi phối bởi những chi tiết nhỏ nhặt mà quên đi những gì quan trọng nhất của cuộc đời. Đến khi nhận ra thì quá muộn. Hãy dừng lại giây phút trong ngày để xem mình đang tập trung vào những điều chính yếu [mang lại hạnh phúc đích thật] hay những điều không cần thiết [chỉ mang lại hạnh phúc chóng qua].
Chúa Giêsu trích Đnl 6:5 để trả lời câu hỏi của người thông luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22:37-38). Đối với người Do Thái, “Shema Israel” là điều răn quan trọng nhất mà họ phải luôn nhẩm trên môi, đeo trên người và khắc ghi trong lòng. Yêu Chúa là điều quan trong nhất và là điều răn thứ nhất. Điều này ám chỉ việc phải đặt Thiên Chúa vào vị trí tối thượng [quan trọng nhất] trong cuộc đời chúng ta. Nói cách khác, Chúa Giêsu nhìn luật là một thể thống nhất. Từ tình yêu Thiên Chúa, tất cả những luật khác sẽ được rút ra và được nâng đỡ. [Điều này có xảy ra với chúng ta không? Thiên Chúa có vị trí nào trong cuộc đời chúng ta?]. Trong câu trả lời của mình Chúa Giêsu cho biết tình yêu không đơn giản chỉ là một cảm xúc, nhưng là một “giao ước trung thành,” là vấn đề của việc ước muốn và làm [của cả lý trí và con tim]. Điều này được diễn tả trong những lời hết “lòng” – có nghĩa là hết ước muốn; hết “linh hồn” – có nghĩa là hết cuộc sống; và “sức lực” – có nghĩa là tài sản. Tuy nhiên, Thánh Mátthêu không “dịch” [sử dụng] từ “sức lực” mà thay vào đó là từ “trí khôn,” cũng có nghĩa như “lòng” (x. Mt 4:1-11). Ngày hôm nay, nhiều người yêu với tình yêu “duy cảm xúc.” Khi cảm xúc tàn, thì tình yêu cũng chết theo. Khi yêu, chúng ta phải yêu với cả con người [và yêu cả con người của người mình yêu]. Vì vậy, tình yêu đòi hỏi sự trung thành. Không có trung thành thì tình yêu không còn là chính mình!
Bên cạnh điều răn yêu Chúa, Chúa Giêsu trích sách Lêvi (19:18) để thêm vào điều răn thứ hai, nhưng cũng giống điều răn thứ nhất: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:39). Điều răn thứ hai này ít quan trọng trong bối cảnh phụng vụ của người Do Thái, nhưng lại trở nên rất quan trọng trong Tân Ước (x. Mt 5:43; 19:19; Rm 13:8-10; Gal 5:14; Gc 2:8). Trong mệnh lệnh này, Chúa Giêsu ám chỉ đến một hình thức “yêu chình mình cách đúng đắn.” Khi Chúa Giêsu đưa hai điều răn này lại với nhau, Ngài muốn nói với chúng ta rằng: Những ai không có tình yêu chân thật dành cho Thiên Chúa, thì không thể có tình yêu chân thật dành cho chính mình [và hệ quả là không có tình yêu chân thật dành cho người khác]. Như chúng ta biết, con người chỉ biết và hiểu chính mình khi đặt mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên họ. Giống như một cái máy được sáng chế, không ai biết rõ nó bằng người sáng chế ra nó. Cũng vậy, không ai biết chúng ta bằng Thiên Chúa. Chỉ khi con người yêu Chúa, Đấng tạo dựng nên họ, họ mới có khả năng yêu chình mình, là tạo vật của Ngài. Yêu Chúa và yêu người [trước tiên là “yêu chính mình” trong tương quan với Chúa, và sau là “yêu người khác” trong tương quan với Chúa và với mình] là hai chuyển vận không tách rời của cùng một tình yêu. Thiếu một trong hai, tình yêu sẽ dễ dàng trở thành một loại cảm xúc chóng tàn, chứ không phải là quyết định sáng suốt của con tim và tâm trí.
Chúa Giêsu kết luận với khẳng định rằng: “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:40). Trong những lời này, Thánh Mátthêu ám chỉ đến sự mới mẻ mà Chúa Giêsu mang đến cho thế giới. Theo các thầy dạy [rabbi], thế giới được dựng trên Luật, các nghi lễ trong Đền Thờ Giêrusalem, và các hành động tốt, hay nói cách khác, thế giới được đặt nền tảng trên sự thật, phán xét và hoà bình [bình an]. Theo Thánh Mátthêu, sự mới mẻ mà Chúa Giêsu mang đến chính là việc Ngài đặt toàn bộ lề luật và ngôn sứ trên mệnh lệnh yêu thương. Tình yêu Ngài nói đến không mang tính lý thuyết, nhưng được diễn tả qua những hành động yêu thương cụ thể trong đời sống thường ngày. Nói cách cụ thể, khi chúng ta thực hiện một hành vi yêu thương [yêu thương cách đúng đắn], chúng ta đã hoàn thành những lời dạy của Luật và ngôn sứ. Hãy biến ngày sống trở thành chuỗi dây của các hành động yêu thương.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB