(1 Cr 1:17-25; Mt 25:1-13)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Côrintô [và chúng ta] về sức mạnh của Thập Giá Đức Kitô. Thánh nhân chỉ ra rằng, nội dung chính của sự rao giảng chính là Thập Giá Đức Kitô: “Thưa anh em, Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (1 Cr 1:17). Những lời này dường như trái ngược với ngày hôm nay vì nhiều người cố gắng rao giảng lời Chúa với những lời khôn khéo dễ nghe, mang lại “niềm vui nông cạn” cho người nghe mà không chuyển tải nội dung chính của thập giá, đó là chết đi cho chính mình để sống đời sống mới tràn đầy yêu thương, tha thứ và tự hiến của thập giá. Theo Thánh Phaolô, thập giá là sức mạnh của Thiên Chúa: “Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin” (1 Cr 1:21). Sự khôn ngoan của con người không phải là tiêu chuẩn để đo lường “kiến thức” về Thiên Chúa. Điều này dường như trái ngược với lối suy nghĩ thông thường của chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta thường nghĩ học cao hiểu rộng sẽ biết Thiên Chúa nhiều hơn. Ở đây chúng ta phải phân biệt được hai loại “biết”: Biết “về” Chúa và biết Chúa. Có nhiều người biết “về” Chúa nhưng không biết Chúa. Nói cách cụ thể, biết “về” Chúa có thể có được qua sách vở hoặc nghe người khác nói; còn biết Chúa cần có mối tương quan cá nhân mật thiết với Ngài qua đời sống cầu nguyện. Biết “về” Chúa chưa chắc mang lại sự đổi mới canh tân, còn biết Chúa thì luôn mang lại đời sống tràn đầy yêu thương giống như Ngài. Thánh Phaolô chỉ ra cho chúng ta con đường biết Chúa cách chắc chắn nhất chính là con đường thập giá, con đường tình yêu chân thật và tự hiến. Chúng ta có sẵn sàng đi trên con đường này không?
Dụ ngôn Mười Trinh Nữ trong Tin Mừng hôm nay được xem là dụ ngôn bổ xung cho dụ ngôn đầy tớ trung thành và không trung thành trong Mt 24:45-51. Nó bổ sung theo nghĩa là dụ ngôn trước nhìn vấn đề từ khía cạnh nam nhi, còn dụ ngôn này nhìn từ khía cạnh nữ nhi. Dụ ngôn này chỉ một phần mang tính hình tượng. Đây là một câu chuyện được Thánh Matthêu phát triển từ yếu tố tìm thấy trong Tin Mừng Luca [12:35-38] và thêm vào đó giáo huấn tổng quát về cánh chung của Chúa Giêsu. Theo các học giả Kinh Thánh, chúng ta không thể tái thiết lại bối cảnh cụ thể của đám cưới. Những câu hỏi phải đối diện như: Có mười cô trinh nữ đính hôn với một chàng rể sao? Chàng rể ở đâu? Nhưng theo truyền thống Kinh Thánh, hình ảnh cưới thường được sử dụng để áp dụng cho mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài (x. Mt 19:14-15; 22:1-14).
Hình ảnh đầu tiên chúng ta lưu ý đó là hình ảnh “mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể” (Mt 25:1). Họ đại diện cho các môn đệ của Chúa Giêsu và những người tin sau này (x. 2 Cr 11:2). Theo truyền thống Kitô Giáo, “đèn” là ngọn lửa đức tin mà chúng ta lãnh nhận trong ngày rửa tội. Ngọn lửa đức tin này phải luôn luôn cháy sáng. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình. Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần. Nó giúp chúng ta đi vào mối tương quan mật thiệt với Thiên Chúa. Nhìn tứ khía cạnh luân lý, đức tin là cuộc gặp gỡ cá vị giữa chúng ta với Thiên Chúa. Nói cách khác, đây là cuộc gặp gỡ cá vị giữa hai người yêu nhau. Kết quả của cuộc gặp gỡ này là sự lớn lên cách sâu đậm hơn trong tình yêu. Ngọn đèn đức tin của chúng ta thế nào?
Hình ảnh thứ hai là cặp từ đối kháng giữa “năm cô dại” và “năm cô khôn” (Mt 25:3). Hình ảnh này gợi cho chúng ta về hình ảnh lúa và cỏ lùng cùng mọc lên trong một thửa ruộng. Ở đây, các cô dại và các cô khôn đều chờ đợi chàng rể đến. Sự khôn ngoan được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay không phải là thứ khôn ngoan của triết học hay của người đời, hay mang tính lý thuyết, nhưng là sự khôn ngoan thực tế cần thiết cho ơn cứu độ. Điều này được diễn tả trong hình ảnh các cô khôn vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo, trong khi các cô dại mang đèn mà không mang dầu. Điều phân biệt các cô dại với những cô khôn là “bình dầu” (x. Mt 25:3-4). Bình dầu là biểu tượng của những việc tốt. Chính những công việc tốt nhỏ bé hằng ngày chúng ta làm với trọn tình yêu là chất liệu giúp cho ngọn đèn đức tin cháy sáng. Dầu [việc tốt] và ngọn đèn [đức tin] là hai yếu tố không thể tách rời trong việc tím kiếm sự khôn ngoan cần thiết cho ơn cứu độ.
Hình ảnh thứ ba là việc “chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả” (Mt 25:5). Những lời này ám chỉ đến việc vì “ngày cánh chung đến chậm,” nên tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và cho nhau dần dần trở nên lạnh nhạt. Chúng ta thấy, ngay cả các cô khôn cũng rơi vào tình trạng thiếp đi và ngủ. Điều này cho thấy việc hoàn toàn tỉnh thức tuyệt đối không phải là điểm nhấn của dụ ngôn. Chúng ta có thể nói rằng, dụ ngôn này ám chỉ đến thân phận yếu đuối mà tất cả chúng ta [người khôn kẻ dại] đều chia sẻ. Tuy nhiên, điều phân biệt chúng ta là khi Chúa đến, chúng ta sẽ như thế nào? Câu chuyện kể cho chúng ta hay rằng: Khi biết chú rể đến, tất cả mười cô đều thức dậy, và sửa soạn đèn (Mt 26: 6-7). Đến đây chúng ta vẫn thấy mười cô [tất cả các môn đệ] đều giống nhau. Nhưng sao chàng rể lại đến trễ? Như chúng ta biết, hình ảnh chàng rể là Con Người, Ngài là Thiên Chúa của sự ngạc nhiên. Tiếng kêu trong đêm vắng diễn tả sự chờ mong Nước Trời đến của Giáo Hội sơ khai. Trong sự mong chờ đó, mười trinh nữ [các môn đệ] mệt mỏi, thiếp đi và ngủ. Khi Con Người đến, đèn của tất cả sắp tắt (x. Mt 25:8). Đến đây, người khôn kẻ dại được phân biệt: người khôn đem theo dầu, còn kẻ dại thì không. Hình ảnh dầu, trong Kinh Thánh, là những công việc bác ái: người khôn ngoan có dư thừa việc lành, còn người dại thiếu việc lành việc tốt. Việc các cô khôn không chia sẻ dầu cho các cô dại ở đây không phải là việc thiếu bác ái hay hữu dụng. Chi tiết này đơn giản nói rằng việc tốt của họ không thể chuyển cho người khác. Người khác có thể giúp, nhưng sự sẵn sàng để đón nhận ơn cứu độ thì tuyệt đối là trách nhiệm cá nhân. Sự sẵn sàng ở đây là dành cho chàng rể. Đây chính là điểm quan trọng của dụ ngôn.
Hình ảnh cuối cùng chúng ta suy gẫm là hình ảnh Con Người từ chối mở cửa cho các cô dại khi họ mua được dầu và trở lại. Lý do của chàng rể đơn giản là: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” (Mt 25:12). Những lời này gợi lại cho chúng ta lời Chúa Giêsu nói về những người “tôn thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng chúng lại xa ta,” họ là những người cùng ăn cùng uống với Ngài, nhưng lòng họ thì xa Ngài. Đóng cửa lại cho thấy rằng để được vào không phải là chuyện tự nhiên. Nói cách khác, ơn cứu độ được ban cho chúng ta nhưng không, nhưng để được ơn cứu độ, chúng ta phải tìm cách để chiếm lấy bằng việc canh thức, luôn sẵn sàng.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB