Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Cuộc Đời: “Cuốn Sách” Về Phép Lạ Chúa Thực Hiện

(G 38:1.12-21; 40:3-5; Lc 10:13-16)

Như chúng ta biết, những vấn nạn hiện sinh của con người về sự sống, đau khổ và sự chết chỉ có thể tìm thấy câu trả lời ở nơi Thiên Chúa. Một trong những cám dỗ lớn nhất của con người là tìm cách trả lời cho những vấn nạn cuộc sống mà không cần đến Chúa. Nhiều người tự đặt mình làm chúa của đời mình. Là hữu hạn mà con người muốn trở nên Đấng Vô Hạn. Đứng trước sự “tự phụ” về trí hiểu của mình, Đức Chúa đã chỉ ra cho ông biết sự hữu hạn của ông như sau: “Trong cả đời ngươi, đã có lần nào ngươi từng ra lệnh cho buổi sáng, chỉ định vị trí cho hừng đông, để hừng đông nắm chắc mười phương đất, giũ cho sạch hết bọn gian tà? Bấy giờ, đất thay màu đổi sắc tựa màu đất sét dùng làm ấn niêm phong, và muôn loài xuất hiện tựa tấm áo lộng lẫy huy hoàng. Nhưng ác nhân thấy mình mất đi ánh sáng, cánh tay từng tung hoành, nay bị bẻ gãy. Có bao giờ ngươi đã đến tận nguồn biển cả và lang thang ở đáy vực sâu? Có ai từng mở cho ngươi lối vào âm phủ và ngươi thấy được cửa dẫn tới âm ty? Có khi nào ngươi hiểu mặt đất rộng chừng nào? Nếu ngươi biết hết mọi điều đó thì cứ nói đi! Con đường nào dẫn đến nơi ở của ánh sáng, đâu là nơi bóng tối cư ngụ, để ngươi đưa nó đến miền nó ở, và nhận ra đường về nhà nó? Điều này, hẳn ngươi biết rõ, vì khi ấy, ngươi đã chào đời, và đời ngươi đã qua bao năm tháng!” (G 38:12-20). Đức Chúa đơn giản hỏi Gióp về sự vận hành của vũ trụ, những định luật đơn gian của cuộc sống mà Gióp nghĩ là mình biết. Đứng trước sự chất vấn của Đức Chúa, Gióp nhận ra giới hạn của trí hiểu mình và ông đã thốt lên: “Vâng, con đây tầm thường bé nhỏ, biết nói chi để trả lời Ngài? Con sẽ đưa tay lên che miệng. Đã nói một lần rồi, con không lặp lại nữa, có nói lần thứ hai, cũng chẳng thêm được gì!” (G 40:4-5). Thái độ của Gióp mời gọi chúng ta bước đi khiêm nhường trước thiên nhan Thiên Chúa. Thái độ khiêm nhường này chỉ có được khi chúng ta nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn vũ trụ và cuộc đời mỗi người chúng ta.

Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đặt nó vào trong bối cảnh những lời giáo huấn của Chúa Giêsu về sứ vụ truyền giáo. Chúng ta thấy cung điệu giống với bốn lời “khốn” trong bài giảng trên núi (x. Lc 6:24-26). Trong bối cảnh của cộng đoàn Thánh Luca, những lời trong bài Tin Mừng có mục đích cảnh báo cho cộng đoàn này về việc đáp lại cách chân thành với lời Chúa và không bắt chước sự đáp trả cách chống đối trước việc giảng dạy của Chúa Giêsu của một số thành thuộc Galilê. Trong lời giáo huấn của mình, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta biết lý do những thành thuộc Galilê bị khiển trách. Lý do thứ nhất liên quan đến việc “chứng kiến” những kỳ công Chúa Giêsu thực hiện nhưng không “sám hối” và “tin” vào Tin Mừng. Lý do thứ hai liên quan đến thái độ “kiêu ngạo,” đặt mình vào chỗ của Chúa.

Chúng ta cũng từng chứng kiến những “phép lạ” Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta như ngày xưa Ngài thực hiện cho Khoradin và Bếtxaiđa, nhưng chúng ta không chịu thay đổi và tin vào Chúa để sống một cuộc sống thánh thiện hơn. Nhìn lại cuộc sống của mình, nhiều khi chúng ta cứ biện minh rằng: “Tôi cũng là con người, nên tôi không thể giống Chúa được” – tôi không thể tha thứ và yêu thương như Chúa. Đúng là chúng ta không thể “như Chúa,” nhưng chúng ta có thể “giống Chúa” vì đó là điều chúng ta được tạo dựng để trở thành (x. St. 1:26-27). Khi không sám hối và trở nên hoàn thiện như Cha ở trên trời, chúng ta cũng sẽ bị “khiển trách” như thành Khoradin và Bếtxaiđa: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xiđôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Lc 10:13-14).

Bên cạnh khuyến cáo về việc “không sám hối” khi thấy những phép lạ xảy ra, Chúa Giêsu còn khuyến cáo những người tự nâng mình lên, hay đúng hơn những người tự cho mình là đủ, không cần đến ơn Chúa. Họ là những người đặt mình vào vị trí của Chúa qua việc làm chúa của đời mình. Nhưng khi họ tự nâng mình lên, thì họ cũng sẽ bị hạ xuống giống như Caphácnaum: “Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!” (Lc 10:15). Nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng rơi vào tình trạng tự nâng mình lên này, nhất là những khi thành công. Chúng ta thường quy cho mình những thành công đạt được. Ngược lại chúng ta lại đổ lỗi cho Chúa và người khác về những thất bại trong cuộc sống của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống một đời sống khiêm nhường. Dù chúng ta có tự mình hay được người đời nâng lên tận trời cao, cuối cùng chúng ta cũng chỉ trở về với ba tấc đất. Nhưng khi để cho Chúa là Đấng nâng chúng ta lên tận trời cao, thì chúng ta mới biết được “trời cao đất rộng” sẽ như thế nào!

Chúa Giêsu kết lời khiển trách của mình với lời khẳng định về tương quan của những lời dạy của các môn đệ với Ngài: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16). Những lời này ám chỉ rằng ý nghĩa của sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu tìm thấy sự diễn tả mang tính văn phong sau: nghe lời của người môn đệ là nghe lời Chúa Giêsu; nghe lời Chúa Giêsu là nghe lời Thiên Chúa. Đây chính là nền tảng sâu xa của sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về lối ăn nói của mình: Lời ăn tiếng nói của chúng ta có chứa đựng sự ngọt ngào của lời Chúa hay chỉ chứa đựng sự cay đắng và chua chát?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB