(Gl 3:7-14; Lc 11:15-26)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô dùng hình ảnh ông Ápraham để dạy các tín hữu Galát về vai trò của đức tin. Điều đầu tiên thánh nhân khẳng định là “những ai dựa vào đức tin, những người ấy là con cái ông Ápraham” (Gl 3:7). Điều này ám chỉ việc nhữnng người tin sẽ được thừa hưởng lời hứa dành cho Ápraham và con cháu ông đến muôn đời, đó là trở nên dân riêng của Thiên Chúa. Chính qua đức tin của Ápraham mà “muôn dân sẽ được chúc phúc. Như vậy, những kẻ dựa vào đức tin thì được chúc phúc làm một với ông Ápraham, người có đức tin” (Gl 3:8-9). Chúng ta cũng là những người tin nên chúng ta cũng được thừa hưởng mối phúc Thiên Chúa dành cho Ápraham và con cháu ông. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng Thánh Phaolô không đặt đức tin đối kháng với Lề Luật, mà thánh nhân muốn đức tin trở nên nền tảng và động lực cho những ai tuân giữ Lề Luật, chứ không chỉ tuân giữ Lề Luật mà không có đức tin. Một cách cụ thể hơn, thánh nhân muốn các tín hữu Galát nhận ra rằng Chính Chúa Giêsu là Đấng chuộc chúng ta khỏi tội lỗi [cứu độ chúng ta], chứ không phải Lề Luật để chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa hứa: “Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! Như thế là để nhờ Đức Giêsu Kitô, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Ápraham, và để nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí” (Gl 3:13-14). Những lời này nhắc nhở chúng ta mỗi khi nhìn lên thập giá, chúng ta ý thức rằng Đấng chịu treo trên thập giá đã mang lấy sự nguyền rủa cho chúng ta và đã mang lại cho chúng ta phúc lành. Vì vậy, chúng ta phải sống thế nào để tình yêu của Đấng bị treo trên thập giá không trở nên vô hiệu trong cuộc đời chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh cuộc tranh luận về ý nghĩa cuộc hành trình của Chúa Giêsu (Lc 11:14-36). Thánh Luca cho chúng ta thấy kỹ thuật hành văn của ngài qua việc liên kết các bản văn không liên quan thành một thể thống nhất trong trình thuật này, nhất là trong các câu 24-26 và 33-36, với mục đích làm sáng tỏ về nguồn gốc quyền năng Ngài có. Kỹ thuật này được chứng tỏ trong các cặp tương xứng sau: A (11:15), B (11:16), A’ (11:17-28), B’ (11:19-26). Đây là kiểu mẫu mà trong đó câu 23-28, với hai đề tài đáp lại quyền lực của chữa lành và lời của Ngài, tạo thành một cầu nối giữa A’ và B’. Một sự sáng tạo khác của Thánh Luca trong phần này là Ngài thay đổi lời dạy của thánh nhân về Kitô học và ơn gọi của người môn đệ. Đây là những chi tiết chúng ta cần lưu ý trước khi phân tích bài Tin Mừng.
Bài Tin Mừng bắt đầu với sự kiện Chúa Giêsu “trừ một tên quỷ.” Chứng kiến điều này, nhiều người đã thốt lên: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ” (Lc 11:15). Chi tiết này cho thấy lý do của cuộc tranh luận không phải là việc Chúa Giêsu trừ quỷ, nhưng là nguồn gốc của quyền năng mà qua đó Chúa Giêsu trừ quỷ và nguồn gốc quyền năng của những người theo Ngài. Họ cho rằng, nguồn gốc quyền năng của Chúa Giêsu đến từ quỷ vương Bêendêbun. Từ “Bêendêbun” có thể có nghĩa là “chúa của trời.” Họ đã gán cho “việc tốt” Chúa Giêsu làm với cái mác của “quỷ vương” – kẻ luôn làm điều xấu và gây chia rẽ. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về cách thức chúng ta nhìn và phản ứng lại những việc tốt anh chị em chúng ta làm. Nhiều khi chúng ta cũng cắt nghĩa sai hoặc gán những động lực không tốt cho những công việc tốt của anh chị em mình. Đây là cách thức của những người không thuộc về Thiên Chúa. Nếu thuộc về Thiên Chúa, họ sẽ không cắt nghĩa sai những việc tốt của anh chị em mình.
Câu trả lời cho vấn nạn về nguồn gốc quyền năng của Chúa Giêsu bị chia cắt bởi một “kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời” (Lc 11:16). Trong câu này, chúng ta thấy Thánh Luca tổng quát hoá sự chống đối của những người tìm kiếm một vài dấu lạ. Ở đây, Thánh Luca giới thiệu vấn nạn B và câu trả lời sẽ được tìm thấy trong câu 29-36. Chúa Giêsu biết được tư tưởng của những người cho rằng nguồn gốc quyền năng của Ngài đến từ Bêendêbun và những người đòi một dấu lạ từ trời (x. Lc 11:17). Qua chi tiết này, Thánh Luca muốn nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu biết trước mọi sự. Vì “biết tư tưởng của họ,” Chúa Giêsu sử dụng những hình ảnh thật cụ thể và quen thuộc với họ để giải thích về nguồn gốc quyền năng mà qua đó Ngài trừ quỷ. Ngài chỉ ra sự vô lý và thiển cận trong tư tưởng của họ: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?” (Lc 11:17-18). Theo lẽ thông thường, không có nước nào, gia đình nào, cộng đoàn nào đứng vững nếu các thành viên chia rẽ và chống đối nhau. Điều này càng không thể xảy ra với quyền lực sự dữ. Sau khi chỉ ra cái vô lý trong lối suy nghĩ của họ, Chúa Giêsu chất vấn họ về nguồn gốc quyền năng của Ngài: “Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11:19-20). Chúa Giêsu cho biết Ngài sử dụng “ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ.” Điều này ám chỉ về sự kiện trong Sách Xuất Hành (8:15): Những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong quá khứ để giải cứu dân Ngài khỏi sự đàn áp của ách nô lệ sẽ được tiếp tục nơi Đức Kitô. Nơi sứ vụ của Ngài, Triều Đại Thiên Chúa đã được tỏ lộ. Chi tiết này cho thấy căn tính thật của Chúa Giêsu: Ngài là Đấng làm cho “danh Chúa Cha được tôn vinh, và Triều Đại Ngài hiển trị.” Đây cũng chính là sứ vụ của mỗi người môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi qua chính cuộc sống của mình làm cho danh Chúa được tôn vinh và Triều Đại yêu thương, hiệp nhất và bình an của Ngài được thiết lập.
Thánh Luca tiếp tục đào sâu chân tính của Chúa Giêsu qua việc sử dụng những biểu tượng về sự giàu sang như lâu đài, của cải, sự tin tưởng vào sự an toàn của vật chất để mô tả một người mạnh mẽ (x. Lc 3:21-22). Nhưng Chúa Giêsu là Đấng mạnh hơn những người cậy dựa vào sức mạnh của vật chất (x. Lc 3:16). Ngài là Đấng sẽ đánh bại các quyền lực của sự dữ. Ngài sẽ ban quyền lực này cho những ai theo Ngài, những người đi với Ngài và cùng thu góp với Ngài: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11:23). Qua những lời này, Thánh Luca nói về đề tài ơn gọi của người môn đệ. Khi sống trong môi trường chống đối, các môn đệ Chúa Giêsu được an ủi bởi quyền năng của Chúa Giêsu trên các mãnh lực sự dữ và họ được mời gọi để tiếp tục trung thành với Ngài và lối sống của Ngài. Nói cách cụ thể, họ được mời gọi đi theo con đường yêu thương Ngài đã đi và trở thành những nhân tố của sự hiệp nhất. Chúng ta đang đi trên con đường yêu thương và đang là nhân tố của hiệp nhất trong môi trường chúng ta đang sống không?
Thánh Luca kết thúc cuộc tranh luận về nguồn gốc quyền lực của Chúa Giêsu với khuyến cáo sau: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.’ Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước” (Lc 11:24-26). Trong những lời này, Thánh Luca muốn khuyến cáo các thành viên trong cộng đoàn mình rằng: Sự chiến thắng của Thiên Chúa trên quyền lực sự dữ nơi Đức Kitô không lấy đi khỏi người môn đệ nhu cầu phải đáp lại lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Nghe và tuân giữ lời Chúa là sự trợ giúp cần thiết mà người môn đệ rất cần để tránh rơi vào tình trạng trở về với lối sống tội lỗi mà mình đã từ bỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB