(2 Tm 4:10-17; Lc 10:1-9)
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Luca, Tác Giả Sách Tin Mừng. Thánh nhân là ai? Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta biết thánh sử là một trong những cộng sự của Thánh Phaolô: “Anh thân mến, anh Đêma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này; anh ta đã đi Thêxalônica. Anh Cơrétxen đã đi sang miền Galát, anh Titô đi sang miền Đanmatia. Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi” (2 Tm 4:10-11). Dù người khác bỏ Thánh Phaolô, Luca không bỏ rơi. Điều này chứng tỏ thánh nhân là một người “trung thành” với ơn kêu gọi của mình và sẵn sàng gắn bó và cộng tác với người khác trong công việc loan báo Tin Mừng. Đây chính là điều đầu tiên chúng ta có thể học hỏi ở thánh nhân. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta không cộng tác với những người chúng ta thấy không hợp, không thích. Chúng ta đánh đổi niềm vui mang Chúa đến cho người khác với một vài cảm xúc khó chịu khi sống và làm việc chung với người khác. Đừng để bất kỳ điều gì cướp mất niềm vui rao giảng Tin Mừng của chúng ta.
Như chúng ta biết, Thánh Luca được xem là tác giả của Tin Mừng và Sách Công Vụ Các Tông Đồ. Ngài được đồng hoá với Luca của Thánh Phaolô, là một thầy thuốc được yêu thương (x. Cl 4:14). Vì vậy, thánh nhân là bổn mạng của các y bác sĩ và phẫu thuật gia. Biểu tượng của thánh sử là con bò [hay con bê] bởi vì đây là những biểu tượng của hy tế – hy tế của Chúa Giêsu cho toàn thể nhân loại. Mừng lễ kính thánh sử, chúng ta được mời gọi biến cuộc đời chúng ta thành một hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa qua việc biến cuộc đời mình thành một Tin Mừng sống động để loan báo sứ điệp tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa cho mọi người.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc “Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10:1). Chi tiết này cho thấy, nhóm môn đệ này khác với nhóm Mười Hai. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là “chính Chúa Giêsu chỉ định” họ chứ không phải họ tự chỉ định. Từ chỉ định ở đây có thể được hiểu là “chọn.” Họ được chọn để được sai “từng hai người một đi trước” Chúa Giêsu. Vai trò của họ là được sai đi như những người báo tin, những người chuẩn bị cho người khác để đón Chúa Giêsu. Đây là điều Thánh Luca đã làm qua việc trình thuật những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói. Đây cũng là sứ mệnh của mỗi người chúng ta. Chúng ta được chọn và sai đi để chuẩn bị anh chị em chúng ta đón nhận Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không được sai đi một mình mà được sai đi với anh chị em của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần học làm việc với nhau hay đúng hơn, chúng ta được chọn và sai đến với nhau trước khi được chọn và sai đến những người bên ngoài. Một chi tiết quan trọng khác là việc các ông được sai đi đến “tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.” Những lời này ám chỉ rằng các môn đệ không đi đến những nơi mình muốn đến, mà đến những nơi Chúa muốn đến.
Trước khi sai các môn đệ đến những nơi Ngài muốn đến, Chúa Giêsu trình bày cho họ (1) thái độ họ cần có trước khi ra đi, (2) những điều cần thiết họ phải mang cho hành trình, (3) những điều họ cần phải nói, và (4) những điều họ cần phải làm. Chúng ta cùng nhau chia sẻ vắn tắt về những điều này.
Thái độ cần có trước khi các môn đệ được sai đi là thái độ cầu nguyện liên lỉ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10:2). Nhờ cầu nguyện, các môn đệ sẽ ý thức được mình là thợ gặt chứ không phải chủ mùa gặt. Nói cách khác, cầu nguyện giúp cho người môn đệ biết được căn tính của mình. Qua cầu nguyện, người môn đệ sẽ nhận ra rằng: mọi sự bắt đầu từ Thiên Chúa và trở về với Ngài. Nếu không gắn bó với Ngài, người môn đệ sẽ không gặt hái gì cho Thiên Chúa, mà chỉ chiếm lấy “chiến lợi phẩm” cho chính mình.
Theo Chúa Giêsu, điều cần thiết cho hành trình là sự “hiền lành và đơn sơ” của con chiên. Khi có hai điều này, người môn đệ nhận ra rằng những thứ vật chất như túi tiền, bao bị, giày dép hoặc những mối tương quan chào hỏi mang tính xã giao dọc đường không phải là những thứ quan trọng cho hành trình (x. Lc 10:3-4). Nếu chúng ta xem xét kỹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hiền lành và đơn của con chiên ám chỉ về Chúa Giêsu, Đấng là Chiên Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta nhận ra điều Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ mang theo cho hành trình là chính Ngài.
Sứ điệp hoà bình hay sứ điệp bình an là điều các môn đệ phải rao giảng: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10:5-6). Đây là điều mà Chúa Giêsu mang đến cho con người. Vì vậy, đây cũng là điều mà các môn đệ phải mang đến cho người khác. Nói cách khác, các môn đệ Chúa Giêsu phải là những con người của bình an, những người mang lại hoà bình chứ không phải là những người mang chiến tranh. Nhưng đáng buồn thay, điều này không luôn luôn xảy ra nơi các môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta đã từng chứng kiến những “trận chiến tàn khốc” giữa những người tự hào mình là môn đệ Chúa Giêsu. Hãy trở nên những con người mang lại hoà bình! Điều này chỉ có được khi chúng ta có được sự bình an của Chúa Giêsu. Thứ bình an này chính là hoa trái của một cảm nghiệm “được yêu và được tha thứ vô điều kiện.”
Cuối cùng, điều các môn đệ cần làm là “chấp nhận” những gì người khác “trao tặng” cho mình, dù đó là điều tốt hay chống đối. Nhưng trên hết, họ phải làm hai điều mà chính Chúa Giêsu làm, đó là “chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’” (Lc 10:9). Người môn đệ là người chữa lành những vết thương của anh chị em mình. Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ sống của mình. Chúng ta phải chân nhận rằng, nhiều lần chúng ta thay vì chữa lành anh chị em, chúng ta lại tạo ra những vết thương nơi thân xác và nhất là trong tâm hồn [tâm trí] của anh chị em mình. Hãy là những người chữa lành, chứ đừng gây tổn thương cho người khác. Đây chính là điều Thánh Luca đã thực hiện, không chỉ với nghề nghiệp của mình, nhưng với ơn gọi và sứ mệnh của ngài như là một thánh sử.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB