(Pl 3:17 – 4:1; Lc 16:1-8)
Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay mời gọi các tín hữu Philipphê noi gương ngài để sống xứng đáng với thập giá Đức Kitô. Thánh nhân rất đau buồn khi “có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (Pl 3:18-19). Qua những lời này, Thánh Phaolô chỉ rõ những người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô là những người đi tìm tích trữ cho mình kho tàng dưới đất. Họ là những người đi tìm người đời khen ngợi hoặc đi tìm một cuộc sống tiện nghi đầy đủ về vật chất mà không lo lắng về việc tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại thái độ sống của mình. Nhiều lần, chúng ta cũng sống đối nghịch với thập giá Chúa Kitô. Chúng ta cũng lo tìm kiếm lời khen và vinh quang của đời này mà đến nỗi nhiều lần lỗi phạm đến Chúa. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta phải trở nên những người sống xứng đáng với thập giá Đức Kitô. Chúng ta phải là những người luôn hướng lòng về quê trời, vì qua thập giá, Đức Kitô đã “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3:17). Mỗi khi ngắm nhìn thập giá Đức Kitô, chúng ta phải nhận ra rằng Ngài đã chết để chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời trong vinh quang Nước Thiên Chúa. Đừng làm cho thập giá của Đức Kitô trở nên vô hiệu vì chúng ta chỉ lo lắng cho sự sống thân xác mà quên mất sự sống tình yêu thiêng liêng trong Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với đề tài về sự cần thiết của việc chia sẻ của cải cho những người nghèo túng. Đây chính là chìa khoá để chúng ta giải thích và rút ra bài học từ dụ ngôn ngày hôm nay. Chúng ta thường nghĩ người quản gia là nhân vật chính trong bài Tin Mừng. Nhưng nếu đọc kỹ, chúng ta nhận ra rằng, nhân vật chính là “nhà phú hộ.” Ông ta xuất hiện lúc đầu và lúc cuối, còn người quản gia xuất hiện vào đoạn giữa. Đây là lối viết “bánh mì kẹp” quen thuộc mà chúng ta thường gặp. Phân tích thái độ của người phú hộ chúng ta nhận ra rằng: lúc đầu, ông không bằng lòng với người quản gia của mình vì “anh này đã phung phí của cải nhà ông” (Lc 16:1). Chi tiết này cho thấy, ông không hài lòng vì người quản gia sử dụng sai mục đích tài sản của ông. Nhưng cuối cùng, ông lại khen người quản gia và cho rằng ông ta đã hành động khôn khéo (Lc 16:8). Hình ảnh người phú hộ [hay ông chủ] ám chỉ đến Thiên Chúa, Đấng trao cho chúng ta trông coi những tài sản của Ngài. Khi chúng ta sử dụng những của cải được trao không theo ý Ngài, Thiên Chúa “không hài lòng.” Nhưng khi chúng ta sử dụng theo ý Ngài, chúng ta sẽ nhận được lời khen ngợi. Nhưng làm thế nào để sử dụng những gì mình có và mình là sao cho đẹp lòng Thiên Chúa? Đây là điều chúng ta sẽ nhận ra nơi người quản gia.
Khi nghe ông chủ không còn cho mình tiếp tục làm việc, người quản gia liền “ngồi xuống tính toán.” Đây chính là hành vi mà Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ của Ngài phải tính toán cái giá phải trả khi theo Ngài. Thái độ này bao gồm ba chuyển động: (1) xét lại lối sống và lối làm việc của mình, (2) sám hối, và (3) thay đổi và tìm hướng đi mới theo ý Chúa. Trong chuyển động 1, “người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (Lc 16:3). Ông ta nhận ra giới hạn của mình. Khi nhận ra giới hạn, anh ta mới thấy rõ con đường trước mắt cần phải làm, đó là “anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ôliu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi” (Lc 16:5-7). Trong hành động này, anh đã dùng của cải của ông chủ để làm lợi cho người khác. Hay nói cách khác, anh ta đã dùng của cải “bất chính” để mua lấy bạn bè, để khi mất chức anh được người khác đón tiếp vào nhà mình (x. Lc 16:9). Mỗi người trong chúng ta cũng được Thiên Chúa trao cho những món quà tương xứng với khả năng của mình. Những món quà này nhằm mục đích nối kết chúng ta với người khác. Khi chúng ta sử dụng những món quà này cho riêng mình, thì chúng ta đã không sử dụng theo điều Chúa muốn. Khi sử dụng những gì chúng ta có và chúng ta là để mang ích lợi cho người khác, chúng ta sẽ cảm nghiệm được một niềm vui thật sâu xa trong tâm hồn vì chúng ta đang sống theo cách thức mà Chúa muốn chúng ta sống.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB