Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXXIII Thường Niên – Say Mê Lắng Nghe Lời Chúa

(Kh 10:8-11; Lc 19:45-48)

Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta sự kiện Thánh Gioan “nuốt cuốn sách” lời Chúa: “Tôi đến gặp thiên thần và xin người cho tôi cuốn sách nhỏ. Người bảo tôi: ‘Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong.’ Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Trong miệng tôi nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng” (Kh 10:9-10). Những lời này cho thấy lời Chúa khi mới nghe thì ngọt ngào như mật, nhưng khi đi vào trong tim thì như lưỡi gươm hai lưỡi phân tách tâm hồn chúng ta để loại bỏ những gì không thích hợp cho đời sống thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Bên cạnh đó, hình ảnh Thánh Gioan nuốt cuốn sách chỉ cho chúng ta biết chỉ những người biến lời Chúa bằng xương bằng thịt của mình mới có thể trở nên nhân chứng và người rao giảng lời Chúa cách thuyết phục. Thái độ chúng ta khi nghe lời Chúa thế nào? Chúng ta có biến lời Chúa thành xương thành thịt của chúng ta không?

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta về sự kiện Chúa Giêsu “chiếm lấy” và “ở trong” Đền Thờ. Theo các học giả Kinh Thánh, việc Chúa Giêsu vào Giêrusalem là để “chiếm hữu” Đền Thờ, vì đó là nhà Cha của Ngài. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại cuộc sống của mình: Điều gì chúng ta muốn chiếm hữu trong cuộc sống của mình? Thiên Chúa có cơ hội để được chọn không?

Như chúng ta biết, sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Đền Thờ đã được chuẩn bị trong những chương trước (x. Lc 1:9-10; 2:27,49; 4:49). Việc Ngài vào Đền Thánh là để ứng nghiệm lời tiên báo của Ngôn Sứ Malakhi (3:1). Việc đầu tiên Chúa Giêsu làm khi chiếm lấy và hiện diện trong đền thờ là mang lại ý nghĩa đích thực cho Đền Thánh: “Khi ấy, Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: ‘Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!’” (Lc 19:45-46). Bởi vì Đền Thờ là nơi dành cho việc tôn thờ Thiên Chúa cách chân thật, cho việc dạy về ý nghĩa của thánh ý Thiên Chúa, cho việc cất giữ tiền dâng cúng, và đặc biệt Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện. Vì vậy, việc Chúa Giêsu chiếm hữu lấy Đền Thờ ám chỉ việc “khi Chúa Giêsu vào Đền Thờ hoặc ở trong Đền Thờ, thì Đền Thờ thật sự trở thành Đền Thờ.” Nói cách khác, chỉ nơi Chúa Giêsu chúng ta mới tìm thấy được nơi tôn thờ Thiên Chúa thật sự. Và chỉ khi để cho Chúa Giêsu ngự vào, cuộc đời của mỗi người chúng ta mới trở nên đền thờ, nơi thờ phượng Thiên Chúa cách chân thật.

Đứng trước việc Chúa Giêsu chiếm hữu và “hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người” (Lc 19:47-48). Đây là phần đầu tiên của Thánh Luca về việc Chúa Giêsu giảng dạy trong đền thờ. Phần thứ hai sẽ được tìm thấy trong chương 21 (37-38). Tất cả những lời giảng dạy của Chúa Giêsu xảy ra trong Đền Thờ. Như chúng ta thấy trong những lời trên, có hai phản ứng trước lời giảng dạy trong Đền Thờ của Chúa Giêsu: (1) các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người học cao hiểu rộng và những người có chức quyền chống đối; còn (2) toàn dân thì mê nghe Người. Điều này ám chỉ rằng: Việc tôn thờ Thiên Chúa “cho phải đạo” không hệ tại địa vị hay học thức, cũng không hệ tại tiền của và danh vọng, nhưng hệ tại việc khao khát lắng nghe và “ở lại với Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB