Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Lễ Giáng Sinh – Thánh Gioan, Tông Đồ, Tác Giả Sách Tin Mừng – Cuộc Chạy Đua Của Lòng Mến

(1 Ga 1:1-4; Ga 20:2-8)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Gioan Tông Đồ, tác giả sách Tin Mừng. Theo truyền thống, thánh nhân là vị tông đồ trẻ nhất trong số các tông đồ. Thánh nhân được Chúa Giêsu gọi theo Ngài trên bờ sông Giođan trong những ngày đầu tiên của sứ vụ. Thánh nhân là một trong những môn đệ được tuyển chọn để hiện diện khi Chúa Giêsu biến hình và trong vườn cây dầu. Trong Bữa Tiệc Ly, thánh nhân tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu và trong giờ khổ nạn của Chúa Giêsu, khi các môn đệ khác bỏ chạy, bán hoặc chối Thầy mình, Thánh Gioan tiếp tục đứng bên cạnh Thầy, và cuối cùng đứng kề bên Mẹ Maria dưới chân thập tự. Những chi tiết này cho thấy thánh nhân là một người môn đệ trung thành với Thầy trong giây phút hạnh phúc cũng như đau buồn. Thánh nhân không bao giờ rời xa Thầy của mình. Học gương sáng của thánh nhân, chúng ta cũng được mời gọi trung thành với Chúa trong mọi giây phút của cuộc sống.

Trong bài đọc 1, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta về chính cuộc sống làm chứng của Ngài. Chi tiết chúng ta đáng lưu ý là thánh nhân chỉ loan báo những “điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1Ga 1:1). Nói cách khác, thánh nhân chỉ làm chứng và loan báo những gì mà chính bản thân mình đã cảm nghiệm cách cụ thể. Chúng ta đã có cảm nghiệm cụ thể gì về Thiên Chúa chưa? Người ta thường nói, chúng ta chỉ cho người khác những gì chúng ta có. Như vậy, chúng ta không thể mang Chúa đến cho người khác khi chúng ta không có Chúa trong cuộc đời của mình. Ở đây, chúng ta cũng thấy thánh nhân có một mục đích rất rõ rệt cho việc loan báo của mình, đó là “để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1 Ga 1:3). Mục đích của việc loan báo Tin Mừng là làm cho người khác được hiệp thông với Chúa và với chúng ta. Khi việc loan báo Tin Mừng chỉ dừng lại ở việc hiệp thông với chính mình, thì chúng ta đang đi tìm vinh danh cho chính mình hơn là vinh danh của Thiên Chúa và ơn cứu độ của con người.

Trong Tin Mừng, chúng ta biết về ngài như là một trong ba “môn đệ thân tín” của Chúa Giêsu, được chọn để chứng kiến Chúa Giêsu biến hình trên núi Ta-bo và đồng hành với Ngài trong vườn cây dầu; thánh nhân là người đã dựa vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, và đặc biệt trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thánh nhân đã luôn bên cạnh Thầy mình dù các môn đệ khác bỏ Thầy; ngài trung thành cho đến chân thập giá để đón nhận sứ mệnh “đón Mẹ Chúa Giêsu” về nhà mình (Ga 19:27). Vì vậy, thánh nhân được mệnh danh là Vị Tông Đồ thanh khiết và trung thành. Học ở thánh nhân, chúng ta sống trung thành với Chúa dù trên đỉnh vinh quang như núi Ta-bo, hay ở tận “chốn âm ty” nơi đồi Calvary. Nói một cách khác, chúng ta sống trung thành với Chúa, với ơn gọi ngay cả trong những lúc đau khổ và nhất là dưới chân thập giá, khi gánh nặng thập giá của Thầy Chí Thánh đè xuống trên đôi vai nhỏ bé của chúng ta. Khi sống được như thế, cuộc đời của chúng ta sẽ là một cuốn Tin Mừng sống động mà qua đó Lời Chúa được công bố cách hữu hiệu.

Để hiểu được sứ điệp của lời Chúa hôm nay, chúng ta bắt đầu với một nguyên lý triết học, đó là: “Không có gì ở trong tri thức của con người mà không qua giác quan.” Thật vậy, con người sử dụng giác quan của mình để biết và hiểu không chỉ những “thực tại trần thế,” nhưng còn cả “các mầu nhiệm nước trời.” Thánh Gioan trong bài đọc 1 hôm nay nói về nguyên lý này thật tuyệt diệu như sau: “Anh [chị] em thân mến, điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1:1). Chúng ta có thể “nghe, thấy tận mắt, chiêm ngưỡng và chạm đến một Thiên Chúa vô hình vì “Ngôi Lời đã làm Người và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Điều này là kinh nghiệm đức tin của Thánh Gioan như được trình bày trong Tin Mừng hôm nay: người môn đệ được Chúa yêu “đã thấy và đã tin” (Ga 20:8). Ông “thấy ngôi mộ trống” và ông đã “tin vào mầu nhiệm Phục Sinh.” Và những ai tin sẽ bắt đầu bước vào quỹ đạo của sứ mệnh loan báo cho “cả anh [chị] em nữa, điều chúng tôi đã thấy, được nghe, chiêm ngưỡng và chạm đến.”

Chúng ta lưu ý đến lời trên của Thánh Gioan: “điều chúng tôi đã được nhìn thấy, được nghe, chúng tôi xin loan báo cho cả anh em nữa.” Các ngài đã được xem thấy chính Chúa hiện diện trong thân xác, được nghe những lời từ miệng Chúa nói ra và các ngài cũng đã loan báo cho chúng ta. Còn chúng ta, chúng ta đã nghe chứ chúng ta không xem thấy. Vậy có phải chúng ta không có phúc bằng những vị đã được xem thấy và đã được nghe chăng? Nếu như thế, sao thánh Gio-an còn thêm: để cả anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi. Các ngài đã xem thấy, còn chúng ta, chúng ta không xem thấy, thế nhưng chúng ta được hiệp thông với các ngài bởi vì chúng ta có chung một đức tin. Dù không được thấy, nhưng Chúa Giêsu nói chúng ta là những người có phúc: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20:29). Thật vậy, chúng ta được hiệp thông với các tông đồ trong đức tin, và chính đức tin đưa chúng ta vào trong sự hiệp thông của các ngài “với Chúa Cha và Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người” (1 Ga 1:3).

Như vậy, Thánh Gioan hướng dẫn cho chúng ta điều này: Chúng ta chỉ đưa người khác vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với Đức Kitô, Con của Người, khi chúng ta loan báo cho họ điều chúng ta đã nghe, đã thấy tận mắt, đã chiêm ngưỡng, và đã chạm đến. Nói cách khác, trước khi loan báo về Chúa cho người khác, chúng ta phải có một tương quan cá vị thật sâu đậm với Thiên Chúa và Ngôi Lời. “Chúng ta không thể cho người khác cái chúng ta không có.” Đó là nguyên lý của cuộc sống. Nói cách khác, nếu chúng ta làm chứng cho những điều chúng ta “không nghe, không thấy, không chiêm ngưỡng và không chạm tới,” thì lời chứng của chúng ta chỉ là lời “chứng gian,” và sự thật không có ở trong chúng ta. Ngược lại, khi chúng ta làm chứng cho những gì chúng ta nghe, tận mắt thấy, chiêm ngưỡng và chạm đến, thì lời chứng của chúng ta mới có sức thuyết phục. Một cái gì hiện hữu thật thì có giá trị hơn cái không hiện hữu hoặc hiện hữu trong tưởng tượng. Thà có một trăm ngàn trong tay thì tốt hơn là có một tỉ trong mơ!

Tin Mừng hôm nay cũng chỉ ra cho chúng ta điều chúng ta phải cố gắng để hơn người khác. Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường muốn hơn người khác về tiền của, chức vụ và danh vọng. Xã hội chúng ta đang sống hôm nay luôn đặt chúng ta trong những cuộc “cạnh tranh để sinh tồn, để chứng tỏ chính mình.” Điều này đưa chúng ta về với trình thuật về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của Thánh Gioan. Thánh Gioan bắt đầu trình thuật phục sinh với cuộc chạy đua mang tính huyền nhiệm của hai tông đồ: “ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến” (Ga 20:2). Cuộc chạy đua này nói lên một vấn đề căng thẳng đang xảy ra trong cộng đoàn của Thánh Gioan nói riêng và của Giáo Hội thời đó nói chung: Si-mon Phê-rô và người môn đệ Chúa yêu, ai là người chiếm vị trí cao trọng trong cộng đoàn [trong Giáo Hội]. Để giải quyết vấn đề này, dù có phần vẫn nghiêng về phía người môn đệ Chúa yêu, Thánh sử viết: “Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giê-su” (Ga 20:4-6). Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện này có lẽ có ý định cho xem trước sự căng thẳng giữa “đặc sủng” và “chức vụ,” một sự căng thẳng nội tại trong Giáo Hội qua mọi thời. Đồng thời, nó ám chỉ đến chỉ một loại tranh đua mang tính chính đáng mà có thể hiện hữu giữa “đặc sủng” và “chức vụ”:  một sự cạnh tranh cho việc đi theo sát Chúa Giêsu hơn, cho một đức tin sâu hơn, và cho một sự sẵn sàng lớn hơn trong việc trao ban trọn vẹn chính mình trong đời sống phục vụ đầy yêu thương. Tóm lại, chúng ta rút ra được điều gì trong cuộc chạy đua này: (1) Chúng ta cần hơn người khác trong cuộc chạy đua đến với Chúa, trong cuộc chạy đua của đức tin, đức cậy, và đức mến, trong cuộc chạy đua tha thứ và làm việc tốt; (2) dù biết mình hơn người khác trong nhiều lãnh vực, nhưng chúng ta phải tôn trọng và vâng phục những người mà Chúa đã chọn để lãnh đạo chúng ta.

Điểm cuối cùng mà bài Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta đó là vấn nạn: Chúng ta đang tìm kiếm gì trong cuộc sống? Trong đời sống thường ngày, chúng ta luôn bận rộn và băn khoăn với việc tìm kiếm những thứ chúng ta mất: Một vật hay một người thân. Nhưng chẳng mấy ai trong chúng ta quan tâm đến việc tìm lại Chúa khi “người ta đã đem Chúa đi khỏi mồ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20:2). Chúng ta để cho của cải vật chất, để cho những cảm xúc giận hờn ghen ghét, và chúng ta để cho người khác “lấy mất Chúa” trong cuộc đời của chúng ta và chúng ta không “lập tức chạy đi tìm kiếm Ngài.” Hãy mau chạy đến với Chúa, tìm kiếm “Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước, mọi sự khác Ngài sẽ ban cho” (Mt 6:33).

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB