(1 Ga 2: 29 – 3: 6; Ga 1: 29-34)
Một trong những điều Thánh Phao-lô đề cập nhiều trong thư gởi tín hữu Rô-ma là vấn đề công chính trước mặt Chúa hoặc được Chúa làm cho nên công chính. Công chính là gì? Bài đọc 1 cho chúng ta hay rằng: Nếu chúng ta sống công chính thì chúng ta được sinh ra bởi Thiên Chúa (1 Ga 2:29). Chúng ta trở lại với hình ảnh của Thánh Giuse, Đấng được gọi là Đấng Công Chính. Thánh Giuse trở nên công chính vì Ngài luôn lắng nghe và tin điều Thiên Chúa nói với ngài qua thiên thần trong các giấc mơ. Như vậy, hai đặc tính để làm cho một người nên công chính là: lắng nghe và tin vào lời Thiên Chúa. Quả vậy, đức tin là điều làm cho Abraham được nên công chính: “Thật vậy, Kinh Thánh nói gì? Ông Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính. Người nào làm việc, thì lương trả cho người ấy không được kể là ân huệ, mà là nợ. Trái lại người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính” (Rm 4:2-5).
Nếu đọc lời Chúa với lòng tin, chúng ta nhận ra lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay thật an ủi và ấm áp. Thánh Gioan nói về tình yêu Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta trở thành ‘người mà chúng ta không phải là’ và ‘sở hữu những thứ không thuộc về chúng ta’: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người (1 Ga 3:1). Thật tuyệt vời! Nhưng có phải là thế gian không biết chúng ta là con cái Chúa vì họ không biết Người không? Hay thế gian không biết Chúa vì chúng ta không sống đúng ơn gọi là con cái của Ngài? Chúng ta phải thú nhận rằng: Chúng ta không làm cho người khác nhận ra Chúa vì chúng ta không sống đúng với ơn gọi làm con, làm môn đệ của Chúa Giêsu: “Cứ dấu này mà người khác nhận biết anh [chị] em là môn đệ của Thầy là anh [chị] em yêu thương nhau” (Ga 13:35). Đã nhiều lần chúng ta để cho sự ghen ghét, hận thù chiến thắng và bóp chết con tim chúng ta để rồi chúng ta sống trong sự cay đắng và bất an trong thời gian dài hoặc đến lúc nhắm mắt suôi tay. Hãy tha thứ, hãy để tình yêu của Thiên Chúa chiếu sáng trong chúng ta! Hãy là những người con ngoan của Thiên Chúa tình yêu.
Điểm thứ hai trong bài đọc 1 làm chúng ta suy nghĩ là thực tế của việc phạm tội trong tương quan với tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta không thể chối bỏ rằng: Ai trong chúng ta cũng phạm tội. Chúng ta phạm tội vì chúng ta đi xa khỏi tình yêu của Chúa. Thật vậy, càng đến gần Chúa là ánh sáng bao nhiêu thì bóng tối trong cuộc đời của chúng ta bị đẩy lui. Thánh Gioan cho chúng ta hay rằng: “Phàm ai ở lại trong Người [Đức Ki-tô] thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người” (1 Ga 3:6). Chúng ta tự hào là chúng ta ‘thấy’ và ‘biết’ Chúa Giêsu: Chúng ta ‘thấy’ Ngài khi chúng ta đón nhận Ngài trên bàn tay nhỏ bé của chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể; chúng ta ‘biết’ Ngài qua việc lắng nghe, suy gẫm lời Chúa và học giáo lý [thần học]. Vậy tại sao chúng ta vẫn phạm tội? Vì chúng ta chỉ thấy Ngài với đôi mắt thể xác và biết Ngài qua những tư tưởng cao siêu. Chúng ta chưa thấy và biết Ngài với ánh mắt đức tin và con tim đầy tình yêu. Chỉ có những người yêu nhiều và cảm nghiệm được yêu nhiều mới hiểu lời nói: “Những ai ở trong Đức Ki-tô thì không phạm tội.”
Tư tưởng về ‘tội’ là điểm nối kết hai bài đọc hôm nay. Để giúp chúng ta hiểu hơn về điểm nối kết này, chúng ta cần trở lại với Lời Chúa trong Mùa Vọng và Giáng Sinh. Một trong hai hình ảnh nổi bật trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh là Thánh Gioan Tẩy Giả [và Mẹ Maria]. Trong những ngày qua, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta công việc của Thánh Gioan Tẩy Giả: Ông đến chuẩn bị dân để đón Đấng Cứu Thế bằng việc “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lk 3:3). Khi Chúa Giêsu xuất hiện thì chỉ cho dân biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:29-30). Chúa Giêsu được nhận ra là Đấng Cứu Thế qua phép rửa. Hay nói cách khác, chính qua phép rửa Chúa Giêsu được tỏ ra cho dân Ít-ra-en là Đấng Cứu Thế. Điều này đưa chúng ta trở về với ngày chúng ta được rửa tội. Trong ngày ấy, chúng ta được Thiên Chúa chiếm lấy làm của riêng Ngài và tẩy rửa chúng ta sạch mọi tỳ ố của tội lỗi. Năm tháng trôi qua, chúng ta dần dần để cho thế gian chiếm lấy chúng ta và chúng ta không còn hoàn toàn thuộc về Chúa. Hãy bắt đầu lại, sống trọn vẹn ơn gọi ‘thánh hiến’ chúng ta lãnh nhận khi rửa tội: Từ bỏ ma quỷ và thuộc trọn về Chúa.
Điểm cuối cùng chúng ta rút ra trong bài Tin Mừng hôm nay là ‘thấy.” ‘Thấy’ là một trong những điều cần thiết trong Tin Mừng Gioan cho những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, và của những người muốn làm chứng cho Ngài: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1:34). ‘Thấy’ là lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đầu tiên khi họ muốn theo Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” các môn đệ hỏi. “Hãy đến và xem” (Ga 1:39). ‘Thấy’ ở trong Tin Mừng của Gioan không chỉ mang nghĩa thể lý, nhưng còn hiểu được ý nghĩa hàm chứa đằng sau các dấu lạ Chúa Giêsu làm. Chúng ta muốn thấy gì trong cuộc sống? Chúng ta thấy nhiều thứ và nhiều người trong ngày sống của chúng ta: Có những thứ, những người làm chúng ta thích thú khi nhìn thấy, nhưng cũng có những thứ hoặc những người làm chúng ta không mấy hạnh phúc. Tuy nhiên, liệu chúng ta có đọc được ý nghĩa [bài học] đằng sau những gì chúng ta thấy trong ngày sống không? Liệu chúng ta có nhìn thấy được ‘bàn tay vô hình’ của Chúa hiện diện trong những gì chúng ta thấy với con mắt thể xác không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB