Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Sống Yêu Thương Như Chúa Giêsu

(Is 25:6-10a; Mt 15:29-37)

Ai trong chúng ta đều có kinh nghiệm dự tiệc. Có hai điều quan trọng trong bữa tiệc, đó là: Chúng ta ăn tiệc với ai và chúng ta ăn cái gì. Đây là hai điều làm cho chúng ta hạnh phúc hay không hạnh phúc khi chúng ta tham dự tiệc. Nếu đến một bữa tiệc mà chúng ta không có một ai quen hoặc yêu mến, thì dù đồ ăn có ngon, chúng ta vẫn cảm thấy không hạnh phúc. Còn nếu trong bữa tiệc có những người thân quen và yêu thương của chúng ta hiện diện, chắc chắn chúng ta sẽ hạnh phúc, dù cho “thức ăn” không ngon cho lắm. Như thế, yếu tố quyết định bữa tiệc chính là người mời, là người mà chúng ta sẽ ăn với, còn thức ăn chỉ là yếu tố thứ yếu.

Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường cảm thấy rất hãnh diện khi được một người nổi tiếng mời tham dự tiệc họ thết đãi. Ví dụ, chúng ta thấy hãnh diện khi chúng ta được một vận động viên thể thao, hoặc diễn viên điện ảnh mà chúng ta xem như thần tượng mời ăn tối với họ. Hoặc chúng ta hãnh diện khi được mời ăn tối với tổng thống hoặc Đức Thánh Cha. Chúng ta sẽ mặc thật đẹp, chụp thật nhiều hình để khoe với người quen, với bạn bè. Chúng ta tự hào về điều đó. Và kinh nghiệm đó sẽ theo chúng ta đến suốt đời. Nhưng thật đáng buồn thay, chúng ta mặc thật đẹp, chuẩn bị thật kỹ và cảm thấy hãnh diện khi đến dự tiệc của một con người thết đãi. Còn khi đến với bàn tiệc chính Chúa thiết đãi, chúng ta lại dửng dưng: không chuẩn bị hay chuẩn bị sơ sài, ăn mặc không đàng hoàng và thay vì cảm thấy hãnh diện thì cảm thấy như một gánh nặng.

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta bầu khí vui tươi của bữa tiệc cánh chung trên núi của Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia tiếp tục cho chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra trên núi của Đức Chúa, đó là (1) muôn dân sẽ được chiêu đãi một bữa tiệc sung túc: “Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25:6); (2) mọi sự sẽ được vén mở: “Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước” (Is 25:7); (3) sự chết sẽ bị tiêu diệt và sẽ không còn nước mắt khóc than: “Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy” (Is 25:8); (4) muôn dân sẽ được cứu độ: “Ngày ấy, người ta sẽ nói: ‘Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ’” (Is 25:9). Những chi tiết này cho thấy hạnh phúc của những ai được ở trên núi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng chúng ta có thể cảm nếm trước điều này mỗi ngày trong Thánh Lễ, trong bí tích Thánh Thể. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta cũng tham dự vào bữa tiệc sung túc của Thiên Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta để chúng ta cảm nghiệm được sự sống muôn đời và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta. Hãy chuẩn bị mình xứng đáng cho kinh nghiệm đầy yêu thương và tràn đầy niềm vui mỗi khi đến tham dự Thánh Lễ.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều. Chúng ta thấy có hai phần rõ ràng trong bài Tin Mừng: Phần 1 (Mt 15:29-31) là bản tóm tắt khác về sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu [bản tóm tắt trước tìm thấy trong Mt 14:34-36]; phần 2 thuật lại phép lạ Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều cho bốn ngàn người ăn.

Phần 1 cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (7:31-37). Chi tiết đầu tiên đáng lưu ý trong phần này là hành động của Chúa Giêsu: “Người lên núi và ngồi ở đó” (Mt 15:29). Câu này đưa chúng ta về với cử chỉ của Chúa Giêsu trong 5:1, khi Ngài giảng dạy dân chúng trong bài giảng mà chúng ta gọi là Bài Giảng Trên Núi. Cử chỉ “lên núi” ám chỉ việc “Thiên Chúa hiển linh” trong bối cảnh mạc khải, và cử chỉ “ngồi” là cử chỉ của thầy dạy [rabbi]. Cử chỉ “lên núi” và “ngồi” ám chỉ đến Chúa Giêsu là Môsê mới, và Ngài cũng là thầy dạy. Ngài là một thầy dạy rất quyến rũ, vì Ngài dạy với uy quyền, nên “dân chúng lũ lượt kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Israel” (Mt 15:30-31). Trong những lời này, chúng ta lưu ý đến ba hành động quan trong mà dân chúng làm mà chúng ta phải học hỏi, đó là (1) kéo đến cùng Người, (2) đem theo những người kém may mắn trong cuộc sống, và (3) tôn vinh Thiên Chúa sau khi thấy những kỳ công Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu Kitô. Theo các học giả Kinh Thánh, phần này Mátthêu có thể bị ảnh hưởng bởi Ngôn Sứ Isaia. Chúng ta thấy rõ điều này trong những chi tiết sau: (1) Chúa Giêsu chữa lành các loại bệnh tật và các loại bệnh tật này gợi nhắc lại Is 35:5-6 và 29:18-19. (2) Hành động tôn vinh Thiên Chúa của Israel có thể bị ảnh hưởng bởi Is 29:23. Trong phần này, những người nghèo được chữa lành có thể là những người dân ngoại, và như thế, qua sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu, họ trở nên một thành phần của dân Israel được Ngài quy tụ. Chính đám đông này là những người sẽ được Chúa Giêsu nuôi dưỡng trong phần kế tiếp.

Đoạn trích về việc Chúa Giêsu hoá bánh nuôi bốn ngàn người ăn cũng được thuật lại trong Tin Mừng Thánh Máccô (8:1-10). Điểm khác biệt là dường như Thánh Mátthêu đã trình bày những chi tiết cần thiết để cho thấy đây là phép lạ hoá bánh ra nhiều để cho dân ngoại được ăn, khác với lần hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất (x. Mt 14:13-21) là cho dân Do Thái. Chi tiết đầu tiên đáng để chúng ta lưu ý là việc Chúa Giêsu “gọi các môn đệ lại” quanh người và nói với họ về lòng thương của Ngài dành cho đám đông: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15:32). Sự kiện này được thúc đẩy bởi tình yêu và sáng kiến của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Ngài cũng muốn qua sự kiện này dạy các môn đệ cũng có một tấm lòng thương cảm trước những con người đói khát, bất hạnh. Đứng trước lời mời gọi của Chúa Giêsu, các môn đệ cũng có lòng thương cảm, nhưng đồng thời nhận ra sự giới hạn của mình liền nói với Chúa Giêsu: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” (Mt 15:33). Đứng trước giới hạn của các môn đệ, Chúa Giêsu vẫn muốn sử dụng sự giới hạn đó, để làm nên cái vô hạn. Thật vậy, thứ các môn đệ có [bảy cái bánh và một ít cá nhỏ] thì quá nhỏ so với đám đông. Điều biến cái giới hạn của các môn đệ thành cái vô hạn là các môn đệ đặt cái giới hạn của mình vào trong bàn tay của Chúa Giêsu, để Ngài “cầm lấy bảy cái bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông” (Mt 15:36). Hành động “dâng lời tạ ơn” đã biến những giới hạn của con người thành tình thương vô hạn của Thiên Chúa. Theo các học giả Kinh Thánh, hành động này của Chúa Giêsu ám chỉ đến Thánh Thể. Trong cuộc sống thường ngày, Chúa Giêsu cũng muốn mời gọi chúng ta có lòng cảm thương như Ngài trước sự khốn khó của anh chị em chúng ta. Nhưng nhiều lần, chúng ta thường nghĩ, “lực bất tòng tâm,” nên chúng ta không dám đặt cái giới hạn của mình vào trong bàn tay của Chúa để Ngài có thể biến chúng thành dấu chỉ của tình yêu vô hạn của Ngài. Chính trong bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu mà đã biến cái giới hạn của con người [tấm bánh và rượu] thành tình yêu vô hạn của Thiên Chúa [Mình và Máu Chúa Giêsu]. Những ai không đến với bí tích Thánh Thể với một tâm hồn khiêm nhường, sẽ không nhận ra được sự giới hạn của mình và tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng kết thúc với sự kiện “ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy” (Mt 15:37). Hình ảnh “bảy thúng đầy gợi cho chúng ta con số bảy vương quốc của Canaan (x. Cv 113:19) và bảy tôi tớ hầu bàn của người Hy Lạp (x. Cv 6:5; 21:8). Chi tiết này cho chúng ta thấy rõ Thánh Mátthêu muốn khẳng định rằng, dân ngoại cũng được tháp nhập vào trong sự hoàn thiện của dân Israel. Đây là lời mời gọi chúng ta hãy biết đón nhận những người mà chúng ta nghĩ họ không “thuộc về” chúng ta. Cuộc sống của chúng ta chỉ trở nên hoàn thiện khi con tim chúng ta không đóng kín trước bất kỳ ai và khi cõi lòng chúng ta rộng mở để ôm hết mọi người mà không có sự phân biệt nào, như Chúa yêu thương hết mọi người chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB